Một số mô hình trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về Ngày đăng: 01/08/2016
Theo báo cáo đánh giá của Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm 138⁄CP thì tình hình tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng. Trong giai đoạn 2011- 2015, đã phát hiện hơn 2.200 vụ mua bán người, với 3.300 đối tượng, lừa bán gần 4.500 nạn nhân, so cùng thời gian trước tăng 11,6% tổng số vụ.

Riêng 6 tháng đầu năm 2016, cả nước xảy ra 174 vụ mua bán người với 232 đối tượng, lừa bán 351 nạn nhân. Trong đó có 148 vụ mua bán phụ nữ ra nước ngoài (sang Trung Quốc (TQ) chiếm 75%). Một phần trong số hàng ngàn nạn nhân bị mua bán ở trên đã may mắn được giải cứu và trở về quê hương, trở về nơi cư trú song phía trước họ là muôn vàn khó khăn cần đến sự hỗ trợ để có thể có được một cuộc sống ổn định.

Theo thống kê của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giai đoạn 2011-2015, các địa phương trên toàn quốc đã hỗ trợ cho 2.213  nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng (trong đó, có 40 nạn nhân là nam giới, 2.173 nạn nhân là nữ giới; độ tuổi dưới 16 tuổi chiếm là 199 người (9%); số nạn nhân được trao trả song phương chiếm 51%, được giải cứu chiếm 21%, tự trở về chiếm 28%). Căn cứ theo nhu cầu và nguyện vọng của nạn nhân sau khi tiếp nhận được hỗ trợ các dịch vụ liên quan như: nhu cầu thiết yếu và chí phí đia lại trở về địa phương, tư vấn tâm lý, trợ cấp khó khăn ban đầu, học nghề, tạo việc làm, khám chữa bệnh và trợ giúp pháp lý…với tổng kinh phí hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và hỗ trợ hoà nhập cọng đồng gần 5 tỷ đồng. Số nạn nhân được tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu tập trung nhiều ở các tỉnh khu vực biên giới phía Bắc (Hà Giang: 675 người; Lào Cai: 389 người; Lạng Sơn: 135 người…). Một số tỉnh đã tổ chức tốt công tác hỗ trợ hoà nhập cộng đồng cho nạn nhân tại địa bàn (Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Yên Bái, Điện Biên, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Thanh Hoá, Thừa Thiên - Huế, Tây Ninh, TP.Hồ Chí Minh, Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang…).

Một số mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về ở các địa phương được đánh giá cao về tính hiệu quả và thực tiễn. Sự thành công của các mô hình bước đầu đã giúp đỡ được những nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, thông qua việc sử dụng đồng vốn sinh kế hiệu quả đem lại thu nhập ổn định cuộc sống, được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng bền vững.

Mô hình Nhóm Tự lực:

Giai đoạn 2011-2015, được sự giúp đỡ về tài chính và kỹ thuật của các Tổ chức quốc tế, một số địa phương đã xây dựng mô hình Nhóm tự lực hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bị mua bán trở về như: Thanh Hóa, Bắc Giang, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình. Mô hình này tập trung tại các địa bàn có nhiều nạn nhân bị mua bán trở về như: Tỉnh Thừa Thiên Huế đã thành lập được 03 nhóm tự lực (TP. Huế 01 nhóm/10 thành viên nữ và huyện A Lưới có 02 nhóm với 11 thành viên); tỉnh Bắc Giang xây dựng mô hình “Nhóm tự lực” cho nạn nhân bị mua bán tại 07 huyện, thành phố: Tân Yên, Hiệp Hoà, Yên Dũng, Việt Yên, Yên Thế, Sơn Động, Thành phố Bắc Giang.

Mục tiêu chính của nhóm mô hình này là nhằm nâng cao nhận thức và năng lực của cán bộ chính quyền địa phương trong việc giải quyết nhu cầu và tính dễ bị tổn thương của người di cư; xây dựng mô hình nhóm tự lực dành cho nạn nhân mua bán người tại một số địa bàn trọng điểm về mua bán người; hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho các nạn nhân mua bán người thông qua việc huấn luyện, tư vấn tâm lý và hỗ trợ trực tiếp; đánh giá và đúc kết các bài học kinh nghiệm của việc áp dụng mô hình nhóm tự lực làm cơ sở đóng góp cho việc triển khai mô hình Nhóm tự lực ở quy mô rộng hơn.

Các hoạt động chính của nhóm Tự lực là: khảo sát, hình thành nhóm nạn nhân bị mua bán trở về, tổ chức sinh hoạt nhóm định kỳ hàng tháng để cung cấp kiến thức về phòng, chống mua bán người, kiến thức về sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn, hiểu biết về phòng chống HIV/AIDS, tư vấn sinh kế, các cơ hội giải quyết việc làm; cung cấp gói hỗ trợ khởi nghiệp cho các thành viên nhóm tự lực thông qua việc hỗ trợ con giống trong chăn nuôi (lợn, bò, dê..) hoặc hỗ trợ cho vay vốn từ nguồn dự án; thuê chuyên gia về hỗ trợ công tác chăn nuôi cho các thành viên; hỗ trợ đào tạo nghề theo nhu cầu giúp các thành viên tìm kiếm việc làm phù hợp với nhu cầu để cải thiện cuộc sống , ổn định kinh tế gia đình tái hòa nhập cộng đồng bền vững.

Kết quả đến nay đã có gần 150 nạn nhân là thành viên nhóm Tự lực đã có cuộc sống ổn định, bền vững thông qua các hoạt động của nhóm, đặc biệt là các thành viên là nạn nhân nam từ mô hình nhóm tự lực của huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đánh giá về hoạt động của nhóm tự lực, ông Hồ Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng: Mô hình nhóm tự lực khá hiệu quả khi các nạn nhân ở gần nhau, có cùng hoàn cảnh, cùng tham gia sinh hoạt nên được hỗ trợ cả về tâm lý, kiến thức, kỹ năng và tài chính cho từng thành viên. Mô hình có tác động tốt đối với sự phát triển kinh tế tại vùng khó khăn, giảm bớt áp lực về tìm kiếm việc làm cho nạn nhân bị mua bán trở về tái hoà nhập cộng đồng.

Mô hình kết hợp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán với phòng, chống mại dâm, phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS:

Điển hình tại Hải Phòng duy trì 02 câu lạc bộ hỗ trợ phụ nữ mại dâm và bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng tại huyện Kiến Thụy, Thủy Nguyên; tại Đà Nẵng triển khai mô hình “Phòng ngừa phụ nữ có nguy cơ dẫn đến hoạt động mại dâm và dự phòng lây nhiễm HIV” tại 02 phường Bình Hiên và Hải Châu I nhằm phòng ngừa và tiến đến đẩy lùi tệ nạn mại dâm, phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em và dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS; tại Phú Thọ xây dựng và duy trì 02 mô hình nhóm đồng đẳng phòng ngừa và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại TP. Việt Trì và huyện Cẩm Khê.

Mô hình phòng ngừa và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng

Mô hình "Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống mua bán người" do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An thực hiện tại xã Đôn Phục, huyện Con Cuông với mục tiêu đến hết năm 2015 có 100% cán bộ Hội phụ nữ xã và chi hội được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cơ bản liên quan đến công tác phòng chống mua bán người; 85% phụ nữ, trẻ em gái vị thành niên được cung cấp kiến thức về phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh với hành vi mua bán người. Kết quả là từ năm 2012-2015, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo Hội phụ nữ huyện tổ chức truyền thông cộng đồng phòng, chống mua bán người tại 7/7 thôn, bản xã Đôn Phục cho phụ nữ và trẻ em có nguy cơ bị mua bán, phụ nữ thiếu việc làm, có thu nhập thấp, gia đình có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, nữ học sinh THCS  và THPT….Thành lập 3 CLB "Lá chắn" với 2.578 thành viên tham gia...Từ cách làm đó, đến nay, trên địa bàn xã giảm hẳn tình trạng phụ nữ đi làm ăn xa không rõ địa chỉ hoặc bị lừa bán sang nước ngoài.

Mô hình “Phòng ngừa và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng” được Sở LĐTBXH tỉnh Bạc Liêu thực hiện tại xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi) và xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) do đây là những địa phương có khá đông phụ nữ lấy chồng nước ngoài thông qua “cò” môi giới, do nhiều nguyên nhân như trình độ văn hóa thấp, ít hiểu biết về pháp luật, và tâm lý muốn tìm một cuộc sống sung sướng, an nhàn, nên không ít người bị bọn tội phạm, “cò” hôn nhân lợi dụng lừa gạt bán sang Trung Quốc làm vợ bất hợp pháp, sống khổ cực ở miền núi, vùng sâu vùng xa. Kết quả giúp phòng ngừa, ngăn chặn được tình trạng lừa gạt phụ nữ đi lấy chồng nước ngoài trên địa bàn.

Mô hình đường dây nóng phòng, chống mua bán người 18001567

Với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã thành lập đường dây nóng phòng, chống mua bán người 18001567 với phạm vi tiếp nhận và xử lý thông tin trên toàn quốc.Dự án thực hiện từ tháng 7 năm 2012, tại địa bàn Thủ đô Hà Nội và hai tỉnh An Giang, Hà Giang. Sau hơn ba năm hoạt động, Đường dây nóng về phòng, chống mua, bán người đã tiếp nhận gần 5.000 cuộc gọi. Nội dung các cuộc gọi liên quan đến tư vấn tâm lý, chính sách hỗ trợ nạn nhân, quy trình hỗ trợ nạn nhân, chế độ bảo vệ và hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về. Trong đó, nhiều cuộc gọi kết nối, chuyển tuyến thành công, góp phần giải cứu nhiều em nhỏ và phụ nữ bị mua bán, đồng thời cũng giúp các nạn nhân có được kiến thức cơ bản về các chế độ hỗ trợ của nhà nước, giúp họ tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, ổn định cuộc sống. Đó cũng là những thành công ban đầu để dịch vụ tư vấn, cung cấp thông tin về di cư an toàn và phòng, chống mua bán người đi vào đời sống cộng đồng.

Chỉ tính riêng tại địa bàn tỉnh Hà Giang, từ năm 2013 đến nay, đường dây nóng phòng, chống mua, bán người (18001567) của địa phương đã tiếp nhận 693 cuộc gọi, trong đó có 350 cuộc gọi liên quan đến mua, bán người và tư vấn tâm lý cho 410 nạn nhân. Ngoài số lượng lớn cuộc gọi đến từ Hà Giang và An Giang, Tổng đài Hà Nội cũng tiếp nhận nhiều cuộc gọi đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Từ 2013 - 2015, hơn 80% các cuộc gọi đến từ các địa phương ngoài dự án như Thanh Hóa, Nghệ An, Lào Cai, TP Hồ Chí Minh… Đường dây nóng cũng tiếp nhận các cuộc gọi từ một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan… Đa phần người gọi đến có độ tuổi từ 19 đến hơn 40 tuổi, nam giới chiếm 63% số người gọi.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai các mô hình còn có một số khó khăn do thiếu kinh phí, một số nơi có mô hình nhưng cũng do có dự án hỗ trợ mới làm được. Thiếu cơ chế chính sách để đảm bảo nguồn nhân lực và nguồn kinh phí hoạt động cho các mô hình.Nạn nhân vẫn gặp khó khăn trong hòa nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội do phần lớn nạn nhân còn mặc cảm tâm lý, sợ bị trả thù, không khai báo với chính quyền địa phương, trình độ học vấn thấp, gia đình thiếu sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục; xã hội còn kỳ thị, thiếu các chính sách cụ thể trong hỗ trợ vay vốn, học nghề, tìm việc làm…nên ảnh hưởng tới tiến trình hòa nhập cộng đồng của các nạn nhân. Để các mô hình đạt hiệu quả, thời gian tới cần có cơ chế, chính sách cụ thể cho hoạt động của các mô hình, đặc biệt là về tổ chức và kinh phí hoạt động. Khuyến khích sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp và cá nhân vào các hoạt động hỗ trợ nạn nhân bị mua bán nói chung và các mô hình hỗ trợ nạn nhân nói riêng./.

          Phạm Ngọc Dũng