Hà Giang không để phát sinh phức tạp về hoạt động mại dâm Ngày đăng: 01/10/2024
Với đặc thù là tỉnh miền núi, nhiều thành phần dân tộc, đường biên giới dài, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, dân trí thấp, nghèo và lạc hậu, trình độ nhận thức pháp luật còn hạn chế, công tác công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn Hà Giang còn nhiều khó khăn, khó kiểm soát.

 

 

 

 

Để triển khai phòng ngừa hiệu quả tệ nạn mại dâm, Ban chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện, đẩy mạnh tuyên truyền, phòng ngừa, tấn công trấn áp các loại tội phạm, ngăn ngừa có hiệu quả nhằm tiếp tục kiềm chế, không để phát sinh phức tạp về tệ nạn xã hội.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, các Sở, ngành và Ban chỉ đạo các huyện, thành phố tiếp tục tổ chức tuyên truyền, giáo dục với nhiều thức và nội dung phong phú, gắn chương trình phòng, chống mại dâm với chương trình phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội; an sinh; trợ giúp xã hội; phòng, chống ma tuý; phòng, chống mua bán người; phòng, chống HIV/AIDS... Cụ thể: các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố đã tổ chức tuyên truyền được 86 lượt, với trên 21.236 lượt người tham gia; phát 1.250 tờ rơi, 07 panô, áp phích có nội dung tuyên truyền về công tác phòng, chống mại dâm tại cộng đồng.

Bên cạnh đó, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung, tệ nạn mại dâm nói riêng đã được các cấp, ngành và UBND các huyện, thành phố quan tâm chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả. Trong đó, việc tăng cường quản lý địa bàn kết hợp với thanh, kiểm tra đã góp phần ngăn chặn các hoạt động mại dâm trên địa bàn thông qua việc quản lý tốt các nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn và các cơ sở dịch vụ dễ có nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn mại dâm.

Đội kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội tỉnh và các huyện, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức kiểm tra thường xuyên các cơ sở dịch vụ văn hóa để kịp thời vận động, tuyên truyền các cơ sở dịch vụ kinh doanh chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm.

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh có 775 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện (CSKDDVCĐK); trong đó: 577 cơ sở l­ưu trú (nhà nghỉ, khách sạn, nhà trọ, nhà cho thuê,…), 97 nhà hàng Karaoke & cơ sở massage, 101 cơ sở loại hình khác (quán bia, nhà hàng ăn uống, quán cà phê, cắt tóc gội đầu thư giãn…). 100% CSKDDVCĐK đã ký cam kết không để xảy ra tệ nạn mại dâm. Số tiếp viên làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm là 800 người. Qua công tác kiểm tra, rà soát xác định, trên địa bàn toàn tỉnh có 18 đối tượng nghi vấn hoạt động bán dâm, 13 cơ sở nghi chứa mại dâm.

Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung đấu tranh, trấn áp tệ nạn mại dâm. Xây dựng và triển khai kế hoạch, chỉ đạo Công an các huyện, thành phố làm tốt công tác điều tra cơ bản, đặc biệt các địa bàn nghi vấn có hoạt động mại dâm, thường xuyên bổ sung các hồ sơ điều tra cơ bản đưa các đối tượng có khả năng, điều kiện phạm tội vào diện lưu tra để quản lý, qua công tác điều tra đã kịp thời chấn chỉnh các cơ sở dịch vụ kinh doanh chấp hành các quy định của Pháp luật, đồng thời hướng dẫn các cơ sở ký cam kết kinh doanh lành mạnh, không vi phạm pháp luật, không để các hoạt động tệ nạn xã hội xảy ra tại cơ sở quản lý.

Đội kiểm tra liên ngành Văn hóa -Xã hội cấp tỉnh, huyện tiếp tục được củng cố, kiện toàn; hàng quý Đội xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức kiểm tra thường xuyên các cơ sở, dịch vụ văn hoá, qua đó đã kết hợp tổ chức tuyên truyền, vận động các cơ sở dịch vụ kinh doanh chấp hành các quy định của Pháp luật, góp phần làm trong sạch môi trường văn hoá, giữ vững an ninh, trật tự xã hội.

Riêng lực lượng Công an đã tổ chức kiểm tra 35 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về ANTT dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, đồng thời phát hiện, bắt giữ 02 vụ/12 đối tượng vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động mại dâm; khởi tố 01 vụ/02 bị can có hành vi chứa mại dâm; ra quyết định xử phạt hành chính 01 đối tượng/04 đối tượng mua dâm, thu nộp NSNN 4.8 triệu đồng; xử phạt hành chính 06 đối tượng có hành vi mua bán dâm.

Tuy không không thành lập mô hình thí điểm, giảm hại về phòng chống mại dâm, song tỉnh Hà Giang duy trì mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng tại 11/11 huyện, thành phố (3 người/huyện).

Bên cạnh những kết quả đã đạt đ­­ược, công tác phòng chống mại dâm còn một số tồn tại, khó khăn do thiếu nguồn kinh phí để triển khai thực hiện nội dung các chương trình kế hoạch đề ra; công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng và các tổ chức đoàn thể trong công tác phòng chống tệ nạn mại dâm chưa chặt chẽ; hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành chỉ tập trung vào các đợt cao điểm, còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao.

Thời gian tới, Ban chỉ đạo tỉnh Hà Giang tiếp tục tăng cường tuyên truyền, triển khai thực hiện các chương trình, nghị quyết, thông tư liên tịch nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội, giáo dục các đối tượng có nguy cơ cao về tội phạm, vi phạm pháp luật; đẩy mạnh xây dựng các phong trào quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Tăng cường công tác đấu tranh, triệt phá các tụ điểm, vụ án liên quan đến tệ nạn mại dâm, ma túy và mua bán người. Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc thanh tra, kiểm tra định kỳ các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, kiên quyết không để phát sinh địa bàn phức tạp về hoạt động mại dâm./.

Như Ngọc