Tập trung nguồn lực cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy Ngày đăng: 01/10/2024
Theo thống kê của các địa phương, toàn quốc hiện có 166.698 người nghiện ma túy và 39.431 người sử dụng trái phép chất ma túy; tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn và các tỉnh Tây Bắc, Bắc miền Trung. Tình hình người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy ngày càng phổ biến, nhất là tỷ lệ sử dụng ma túy tổng hợp chiếm từ 70-80% trong số người nghiện, đặc biệt tại các tỉnh miền miền Tây Nam Bộ tỷ lệ lên đến 80-95% trong tổng số người nghiện.

 

 

Có 27 địa phương tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng

Tính đến ngày 20/9/2024, cả nước mới có 27 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cho 2.603 người. Cùng với đó, hiện cả nước mới có 444 đơn vị/36 tỉnh, thành phố đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng (439 đơn vị công lập và 05 đơn vị dân lập); 25/97 cơ sở cai nghiện ma túy (CSCNMT) công lập chưa có bác sĩ làm việc theo quy định.

Các CSCNMT công lập trên cả nước đã điều trị, cai nghiện cho 68.587 người, trong đó tiếp nhận mới 27.981 người (bắt buộc 21.741 người (66 người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi); tự nguyện 6.239 người (104 người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi); chuyển từ năm 2023 sang là 40.606 người; 26.016 người tái hòa nhập cộng đồng.

Hiện các CSCNMT công lập đang tổ chức cai nghiện cho 42.571 người, trong đó có 36.897 người thuộc diện cai nghiện ma túy bắt buộc theo quyết định của Tòa án áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính (69 người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi); 4.026 người cai nghiện tự nguyện (86 người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi); 1.648 người lưu trú tạm thời trong thời gian xác định tình trạng nghiện và trong thời gian lập hồ sơ.

Ngoài ra, 13 CSCNMT tự nguyện do tổ chức, cá nhân thành lập, trong 9 tháng đầu năm 2024 đã điều trị, cai nghiện cho 2.475 người, trong đó tiếp nhận mới 1.949 người, số chuyển từ năm 2023 sang 526 người và 1.939 người tái hòa nhập cộng đồng. Hiện đang tổ chức cai nghiện cho 536 người.

Đối với công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, 100% các địa phương tổ chức quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú, 20.526 người đã cai nghiện và tái hòa nhập cộng động được hỗ trợ quản lý sau cai tại cộng đồng, trong đó có 4.073 người được hỗ trợ tìm việc làm, hỗ trợ sinh kế, vay vốn phát triển sản xuất...

Cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ người làm công tác cai nghiện ma túy

Theo ông Phan Đình Thư, Trưởng phòng Chính sách cai nghiện ma túy, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, trong thời gian qua, công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương. 

Nhận thức của xã hội về vấn đề nghiện ma túy và cai nghiện ma túy bước đầu đã có chuyển biến tích cực, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội về công tác cai nghiện ma túy và hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng, nhằm nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy.

Tuy nhiên công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng gặp khó khăn khi một số người nghiện, gia đình người nghiện ma túy không tự nguyện khai báo, đăng ký cai nghiện ma túy, không có khả năng đóng góp chi phí. Người sử dụng ma túy ngày càng gia tăng, độ tuổi ngày càng trẻ hóa, nhất là học sinh, sinh viên, nhân viên nhà hàng - khách sạn, lái xe, nhân viên giao hàng…

Mặt khác, nhiều gia đình người nghiện ma túy vẫn còn mặc cảm, tự ti nên hiệu quả tuyên truyền chưa cao. Việc theo dõi, quản lý và tiếp cận cảm hóa giáo dục người nghiện gặp khó khăn vì người nghiện thường không có mặt tại nơi cư trú.

Trong khi đó, điều kiện cơ sở vật chất của nhiều CSCNMT công lập chưa đáp ứng được quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP, do nhiều CSCNMT được tận dụng từ nhiều loại hình cơ sở khác đã đưa vào hoạt động lâu năm nên cơ sở vật chất xuống cấp, hư hại, cần thiết được đầu tư xây dựng, nâng cấp; nhiều CSCNMT chưa bảo đảm việc phân khu theo quy định của Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.

Hơn nữa, đội ngũ viên chức, người lao động tại CSCNMT hiện nay hạn chế về số lượng, năng lực chuyên môn tư vấn, điều trị cai nghiện ma túy, trong khi khó tuyển dụng người có chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm, đặc biệt là bác sĩ làm việc tại CSCNMT.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội nghiên cứu, đề xuất tham mưu Bộ tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự tại CSCNMT công lập theo các quy định của Nghị định số 116/2021/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành; tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính, trong đó đề xuất các giải pháp, nguồn lực bảo đảm đủ điều kiện hoạt động cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy theo quy định của pháp luật.

Nghiên cứu, đề xuất giải hoàn thiện chế độ, chính sách đối với đội ngũ làm công tác cai nghiện ma túy; chính sách trợ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp đặc thù đối với người làm công tác cai nghiện ma túy tại các CSCNMT và cộng đồng; tăng cường công tác tuyển dụng, tập huấn, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy, đặc biệt là đội ngũ viên chức trong CSCNMT công lập và cán bộ làm công tác cai nghiện tự nguyện ở gia đình, cộng đồng.

Nghiên cứu thí điểm chính sách hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện ma túy thông qua các mô hình hỗ trợ sinh kế đối với người sau cai nghiện ma túy và gia đình người sau cai thuộc hộ nghèo, cận nghèo tại một số tỉnh, thành phố.

Cùng với đó, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế nghiên cứu, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của cơ sở y tế công lập cấp xã, cấp huyện để tham gia cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình cộng đồng (gồm: tiếp nhận, phân loại; cắt cơn giải độc, điều trị các rối loạn tâm thần và điều trị các bệnh lý khác) quy định tại Điều 29, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021.

Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi phù hợp để thu hút, hỗ trợ người làm công tác cai nghiện ma túy trong các CSCNMT công lập theo khoản 4 Điều 3 Luật Phòng, chống ma túy.

Chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố bố trí vốn đầu tư để nâng cấp, sửa chữa, bổ sung trang thiết bị, phương tiện cho các CSCNMT công lập, các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và bố trí vốn sự nghiệp bảo đảm thực hiện công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy./.

Như Ngọc