“Làm lại cuộc đời” từ lớp học giữa hồ Thác Bà Ngày đăng: 26/08/2024
Không tường rào, không dây thép gai, Cơ sở cai nghiện ma túy (CSCNMT) tỉnh Yên Bái nằm biệt lập trên hai hòn đảo lớn giữa lòng hồ Thác Bà. Đến với nơi này, nhiều người lầm lỡ có cơ hội làm lại cuộc đời.

 

 

 

 

 

 

Lớp học đặc biệt 

Ngồi dãy bàn gần cuối trong lớp học xóa mù chữ, Thào A Tu (SN 1992, người dân tộc Mông, ở xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) cặm cụi ngồi tập đọc, tập viết. "Em đọc được cơ bản rồi, các mặt số và cộng trừ nhân chia cũng sắp thuộc hết, giờ luyện đọc thành thạo thôi", người đàn ông cao to cười phấn khởi, tâm trạng không khác gì đứa trẻ bắt đầu vào lớp 1.

Thào A Tu là một trong 26 học viên của lớp học xóa mù chữ ở CSCNMT tỉnh Yên Bái. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Tu không được đi học, bạn bè rủ dùng ma túy thì dùng theo, nghiện từ khi nào không hay.

A Tu đã được đưa vào CSCNMT được hơn 8 tháng. Sau những ngày điều trị ban đầu, ban quản lý cơ sở cai nghiện tạo điều kiện cho A Tu và nhiều học viên không biết chữ tham gia lớp xóa mù.

"Trước đây, hơn 30 tuổi nhưng không biết chữ nên em làm gì cũng khó. Giờ vào đây không chỉ được cai nghiện, chúng em còn được dạy tiếng phổ thông, dạy các phép tính đơn giản. Đây là cơ hội để sau này khi trở về quê, em tìm việc để làm lại cuộc đời", Thào A Tu tâm sự.

Trong lớp học xóa mù chữ có 8 học viên là phụ nữ, họ đều là người dân tộc Mông, ở các huyện vùng cao như Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Họ được giáo viên hướng cách cầm phấn, nắn nót viết những chữ cái lên tấm bảng nhỏ, rồi tập đọc, đánh vần. Trong khóa học, giáo viên sẽ dạy thêm cả các phép tính cộng, trừ, nhân, chia đơn giản.

Xóa mặc cảm, tự ti

Học viên Giàng Thị Máy ở xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải mới 30 tuổi nhưng đã nghiện ma túy từ nhiều năm nay. Cuối năm 2023, Máy được ngành chức năng địa phương đưa đến cai nghiện bắt buộc tại đây.

Vào đây, Máy được điều trị cắt cơn, giáo dục, lao động và học nghề. Đặc biệt, dưới sự tận tình chỉ dạy của giáo viên, đến nay Máy đã cơ bản biết đọc, biết viết.

Máy tâm sự: "Trước đây, gia đình không điều kiện để được đi học, không có hiểu biết nên bản thân sa vào sử dụng ma túy. Khi vào đây, tôi được cán bộ dạy học chữ, biết viết, biết đọc, biết tính. Mỗi khi chồng con thăm gặp, tôi đều khoe nên cả gia đình rất phấn khởi".

Các giáo viên cho hay, dạy xóa mù chữ cho những người bình thường đã khó, dạy cho những người đã từng một thời lầm lỗi, vướng vào tệ nạn ma túy lại càng khó hơn. Một phần họ ngại do lớn tuổi vẫn đi học, phần khác họ luôn mặc cảm, tự ti với chính mình. 

"Có những điều rất nhỏ nhưng nhắc cả chục lần, học viên vẫn quên. Vừa dạy chữ, chúng tôi vừa động viên tinh thần, giúp họ vượt qua mặc cảm, tự ti để học lấy cái chữ. Trước đây, có lẽ cũng chính bởi sự ít học, thiếu hiểu biết nên họ mới dễ lầm đường lạc lối", giáo viên Nguyễn Hồng Phong chia sẻ. 

Làm lại cuộc đời

Mỗi sáng sớm, tại CSCNMT tỉnh Yên Bái, các học viên xếp hàng tập thể dục buổi sáng và tiến hành các công việc lao động, trị liệu, hướng nghiệp và dạy nghề.

Anh Nguyễn Văn Hà là học viên được đánh giá tiếp thu nhanh kỹ thuật làm thảm hạt tại tổ thảm hạt của cơ sở. Anh cho biết: "Năm năm ngập chìm trong ma túy, tôi đã làm cho gia đình quá khổ. Vào cai nghiện tại đây, tôi sẽ cố gắng học một nghề để sau này có thể đỡ đần được gia đình".

Cũng như anh Hà, học viên Nguyễn Trung Thành sau khi điều trị cắt cơn đã tham gia vào tổ làm tóc giả với mong muốn sau cai nghiện được gắn bó với công việc này để có thể tự kiếm sống. Anh Thành chia sẻ: "Tôi chưa bao giờ làm việc gì cẩn thận, tỉ mẩn như nghề này, tôi sẽ quyết tâm sẽ làm được".

Bác sĩ Lê Hồng Thủy, cán bộ CSCNMT tỉnh Yên Bái cho biết, khi vào đây, người bệnh phải trải qua liệu trình cắt cơn từ 15 - 20 ngày. Đây là giai đoạn khó khăn nhất trong quá trình cai nghiện. Do trong giai đoạn cắt cơn, người bệnh luôn phải chịu những cơn vật vã, đau đớn nên các nhân viên thường xuyên theo dõi sát sao và ở bên cạnh động viên, chăm sóc. 

Kết thúc giai đoạn cắt cơn, học viên tiếp tục trải qua các quá trình điều trị khoa học kết hợp giữa dùng thuốc và chế độ ăn uống, vận động, nhờ đó sức khỏe sẽ nhanh chóng hồi phục.

Theo ông Lê Công Huấn, Giám đốc CSCNMT tỉnh Yên Bái, việc mở các lớp xóa mù chữ cho người nghiện nhằm giúp các họ biết đọc, biết viết, có thể ghi được tên, tuổi của mình. Từ đó sẽ thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các kiến thức được tuyên truyền, phổ biến tại cơ sở.

"Sau khi về địa phương, họ có thể tái hòa nhập cộng đồng, tiếp thu được thông tin tuyên truyền trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế tại nơi mình sinh sống để tránh tình trạng tái nghiện", ông Huấn cho biết.

Theo báo cáo của lãnh đạo Cơ sở, từ năm 2023 đến nay, CSCNMT tỉnh Yên Bái đã tổ chức được 2 lớp học xóa mù chữ cho hơn 50 học viên. Mỗi khóa học kéo dài 3 tháng, sau khi kết thúc sẽ xếp loại học viên theo các loại tốt, khá, trung bình, yếu. Nhìn chung sau những lớp học xóa mù chữ, 100% học viên biết đọc, biết viết, biết làm phép tính cộng, trừ đơn giản./.

 NC (nguồn báo Giao thông)