Đẩy mạnh xây dựng xã, phường lành mạnh, không có tệ nạn ma tuý, mại dâm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng Ngày đăng: 02/06/2023
Xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh, không có tệ nạn ma túy, mại dâm là một nội dung quan trọng trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Nhiều đơn vị đã có cách làm hay, mô hình hiệu quả như cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, Tổ hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ, Điểm tư vấn chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng…, góp phần kiểm soát tình hình tệ nạn ma túy, mại dâm, bảo vệ trật tự an ninh trên địa bàn tỉnh.

 

 

Huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh, không có tệ nạn ma túy, mại dâm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng (Sở LĐTBXH) đã tập trung phối hợp, triển khai đồng bộ, toàn diện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội lồng ghép với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Qua đó, nâng cao nhận thức của các cấp, ban ngành, đoàn thể và tầng lớp nhân dân về tác hại của tệ nạn ma túy, mại dâm và tích cực tham gia vào công tác quản lý, giáo dục, hỗ trợ người nghiện ma túy, người bán dâm tại cộng đồng ngày càng có hiệu quả hơn. Trong năm 2022, Sở LĐTBXH đã tổ chức 30 cuộc tuyên truyền với 1.200 lượt học sinh và người dân tham dự; in 20.000 tờ rơi và 5.381 cây bút banner; đăng 12 chuyên trang về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trên Báo Sóc Trăng.

Song song với công tác tuyên truyền là việc hỗ trợ triển khai hiệu quả các mô hình về phòng, chống tệ nạn xã hội tại địa phương. Sở LĐTBXH đã tổ chức 02 cuộc tập huấn nâng cao nghiệp vụ, năng lực cho cán bộ phụ trách tệ nạn xã hội tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh và hướng dẫn khảo sát, điều tra, thống kê, quản lý người nghiện ma tuý, người bán dâm trên địa bàn, hướng dẫn chấm điểm phân loại xã, phường lành mạnh với 300 lượt người tham dự.

Hỗ trợ nghiệp vụ cho 30 điểm xã, phường, thị trấn thực hiện duy trì “Xã phường, thị trấn lành mạnh không phát sinh tệ nạn ma tuý, mại dâm”; 03 điểm mô hình “Tổ hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ” tại 03 xã, phường, thị trấn (phường 4, phường 7, thành phố Sóc Trăng; thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách); mô hình điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng. Hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, tư vấn biện pháp dự phòng tái nghiện cho 33 lượt người sau cai nghiện, 55 lượt gia đình người sau cai nghiện, tổ chức 11 buổi sinh hoạt nhóm cho người sau cai nghiện với 1.320 lượt người. Giới thiệu việc làm cho 22 lượt người, giới thiệu chuyển tiếp các dịch vụ trợ giúp xã hội như chăm sóc sức khỏe cho 30 lượt người. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý trong triển khai mô hình làm cơ sở xem xét và đề xuất hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm được tiếp cận các dịch vụ xã hội, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc tái phạm.

Ngoài ra, Sở LĐTBXH đã phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trong việc quản lý người nghiện ma túy, người bán dâm và cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Theo thống kê, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 2.578 người liên quan đến ma tuý (trong đó, số người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý là 2.035 người, số người sử dụng ma tuý không thường xuyên tại cộng đồng là 543 người). Người bán dâm có hồ sơ quản lý là 26 người (thành phố Sóc Trăng 24 người; huyện Trần Đề 02 người). Số bị bắt, xử lý hành chính là 07 người. Số cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm trên địa bàn tỉnh là 1.109 cơ sở (khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, nhà cho thuê massage, karaoke, quán bia, nhà hàng ăn uống, quán cafe, cắt tóc gội đầu thư giãn…) nằm trên địa bàn của 11 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 632 cơ sở có tiềm ẩn nhiều nguyên nhân dẫn đến mất an ninh trật tự. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn do tệ nạn ma tuý, mại dâm ngày càng diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi, khó kiểm soát và đấu tranh triệt phá.

Đầu tư nguồn lực bền vững cho phòng, chống tệ nạn xã hội

Mặc dù công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh, không có tệ nạn ma túy, mại dâm đạt được một số kết quả tích cực, góp phần bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh, nhưng nhìn lại có thể thấy công tác này chưa thực sự đảm bảo được tính toàn diện và sâu sắc. Theo báo cáo của Sở LĐTBXH, tính đến cuối năm 2022, trong tổng số 109 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có 09 đơn vị không có tệ nạn ma tuý, mại dâm; 100 đơn vị có tệ nạn ma tuý, mại dâm (trong đó: 05 đơn vị trọng điểm về ma tuý, không có tệ nạn mại dâm; 01 đơn vị có tệ nạn ma tuý, mại dâm; có 94 đơn vị có tệ nạn ma tuý, không có tệ nạn mại dâm).

Một số nguyên nhân chủ yếu như: sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể chưa thường xuyên, liên tục, đồng bộ, công tác kiểm tra đôn đốc còn hạn chế; công tác tuyên truyền, giáo dục được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức nhưng còn nhiều hạn chế, chưa đi vào chiều sâu, chưa được nhân rộng ở nông thôn; phần lớn đối tượng hoạt động mại dâm là người ngoại tỉnh, sau khi xử lý vi phạm hành chính thì người bán dâm chuyển đến địa bàn khác nên không có điều kiện quản lý, giúp đỡ họ hoà nhập cộng đồng.

Để tăng cường hiệu quả công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh, không có tệ nạn ma túy, mại dâm, trong thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội cho cán bộ các cấp, các ngành, xác định công tác phòng, chống tệ nạn xã hội là một nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, coi đầu tư cho công tác phòng, chống tệ nạn xã hội là đầu tư cho sự phát triển bền vững của địa phương, từ đó có kế hoạch triển khai toàn diện và sâu sát. Bên cạnh đó, chú trọng nhóm đối tượng công nhân, lao động tại khu công nghiệp, học sinh, sinh viên tại các trường trung học, các cơ sở giáo dục; đổi mới về nội dung, hình thức, cách tiếp cận, đảm bảo phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể.

Thứ hai, tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc quản lý địa bàn kết hợp với các hoạt động thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh nhạy cảm, các địa bàn trọng điểm… nhằm giữ vững địa bàn trong sạch, hạn chế thấp nhất sự thẩm thấu của các loại tệ nạn xã hội. Đồng thời, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh, tạo ra sức mạnh cho phong trào đấu tranh đẩy lùi tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Thứ ba, quan tâm bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống tệ nạn xã hội ở xã, phường, thị trấn, lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Tập trung triển khai các mô hình phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, giải quyết các vấn đề hỗ trợ xã hội đối với người nghiện ma túy, người bán dâm, giúp đỡ họ hòa nhập cộng đồng, ổn định sinh kế./.

Ngọc Hoàn