Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy Ngày đăng: 01/06/2023
Nghệ An là một trong những địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy của cả nước. Tính đến 31/12/2022, có 4.412 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (trong đó có 2.066 người nghiện có mặt tại cộng đồng, 2.348 người nghiện tại các Cơ sở cai nghiện ma túy và Cơ sở khác, 1.512 người sử dụng trái phép chất ma túy. Toàn tỉnh có 21/21 huyện, thành, thị và 351/460 xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy. Đáng chú ý, người nghiện ma túy có xu hướng trẻ hóa, tình trạng người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp, ma túy đá ngày càng có xu hướng tăng.

 

Đối tượng nghiện ma túy tổng hợp ngày càng lớn, số người nghiện bị mắc chứng bệnh rối loạn tâm thần, rối nhiễu tâm trí, trầm cảm, tự kỷ càng nhiều đòi hỏi Cơ sở phải đáp ứng được yêu cầu phục vụ cho công tác cai nghiện; cán bộ tại Cơ sở phải đảm bảo về trình độ chuyên môn, kỹ năng trong việc chẩn đoán, chăm sóc, điều trị, tư vấn, tổ chức lao động trị liệu cho đối tượng. 

Cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc số 1 tỉnh Nghệ An có chức năng tổ chức cai nghiện ma túy bắt buộc; tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện cho người nghiện ma túy. Hàng năm, Cơ sở tiếp nhận cai nghiện 350 lượt đối tượng, tổ chức tái hòa nhập cộng đồng cho 150- 200 đối tượng/năm; số đối tượng cai nghiện có tiền án tiền sự chiếm 35- 40%; số đối tượng mắc bệnh xã hội như HIV/AIDS, lao 30%; số đối tượng sử dụng dạng ma túy tổng hợp trên 70%. Cơ sở vật chất tại Cơ sở đã xuống cấp, thiếu sự đồng bộ giữa các hạng mục; trang thiết bị thiết yếu phục vụ cho công tác cai nghiện còn thiếu; một số cán bộ còn hạn chế về kỹ năng, chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 

Ngày 08/5, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1247/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xây dựng “Mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội” tại Cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc số I với các mục tiêu chung: nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ xã hội, tổ chức quản lý cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh; cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy, tham vấn, tư vấn các dịch vụ công tác xã hội khác cho đối tượng tại Cơ sở và cộng đồng góp phần đẩy mạnh xã hội hóa và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng. Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện (điều trị nghiện) và quản lý sau cai góp phần làm giảm số người nghiện ma túy, quản lý chặt chẽ người nghiện ngoài xã hội, không để phát sinh tình hình phức tạp, góp phần xây dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh. 

Huy động sự tham gia của xã hội nhất là gia đình, cộng đồng, tăng cường trợ giúp về vật chất, tinh thần trong công tác điều trị nghiện, người rối nhiễu tâm trí, giúp người nghiện dễ tiếp cận hơn với các dịch vụ điều trị nghiện phù hợp, dễ dàng trong công tác tái hòa nhập cộng đồng sau điều trị, cai nghiện, ổn định cuộc sống, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội (tiếp cận, điều trị nghiện) đối với người nghiện và người rối nhiễu tâm trí do nghiện gây nên,

Mục tiêu cụ thể của Đề án là: Tiếp nhận, tổ chức cai nghiện cho 300-350 người nghiện vào điều trị (điều trị nội trú) tại Cơ sở. 100% học viên điều trị nội trú được hỗ trợ hướng nghiệp, lao động trị liệu, tham gia các hình thức thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ, được cung cấp dịch vụ công tác xã hội theo quy định. 100% học viên cai nghiện tại Cơ sở được truyền nghề và dạy nghề...

Phạm vi thực hiện Đề án: Được triển khai tại Cơ sở cai nghiện ma túy, các đơn vị, địa phương và cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh.

Đối tượng thực hiện mô hình: Người từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc; Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Người cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở; Người sau cai nghiện và người cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Thời gian thực hiện mô hình từ năm 2023-2025.

Các nhiệm vụ của mô hình bao gồm: Cơ sở thực hiện nhiệm vụ cai nghiện ma túy tại cơ sở và cộng đồng theo quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật phòng, chống ma túy, luật xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy; tham vấn, trị liệu rối nhiễu tâm trí, khủng hoảng tâm lý và phục hồi thể chất cho đối tượng. Tư vấn giúp đối tượng thụ hưởng các chính sách xã hội; phối hợp các cơ quan, tổ chức phù hợp khác để trợ giúp đối tượng; tìm kiếm, sắp xếp các hình thức trợ giúp xã hội. Xây dựng kế hoạch can thiệp và trợ giúp đối tượng; giám sát và rà soát lại các hoạt động can thiệp; trợ giúp và điều chỉnh kế hoạch. Cung cấp dịch vụ điều trị y tế theo quy định của pháp luật. Tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, trợ giúp các đối tượng trong hoạt động tự quản, văn hóa, thể thao, các hoạt động khác phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe của từng nhóm đối tượng lao động, trị liệu theo quy định của pháp luật.

Cơ sở cai nghiện ma túy chủ trì, phối hợp với các đơn vị tổ chức dạy văn hóa, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp nhằm giúp đối tượng phát triển thể chất, trí tuệ, nhân cách và hòa nhập cộng đồng; tập huấn về công tác xã hội cho đội ngũ viên chức, người lao động và cộng tác viên cai nghiện ma túy tại cộng đồng. Cung cấp các dịch vụ về giáo dục xã hội và nâng cao năng lực. Quản lý đối tượng được cung cấp dịch vụ công tác xã hội theo quy định pháp luật và thực hiện các biện pháp phòng ngừa đối tượng cai nghiện. Phát triển cộng đồng.

Mặt khác, chủ trì, phối hợp trong việc đưa đối tượng đủ điều kiện hoặc tự nguyện xin ra khỏi Cơ sở về với gia đình, hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ tạo điều kiện cho đối tượng ổn định cuộc sống và tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức. Tổ chức vận động, tiếp nhận sự hỗ trợ tài chính, hiện vật của cơ quan, tổ chức, cá nhân... để thực hiện các hoạt động của Cơ sở và thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ khác do cấp có thẩm quyền quyết định.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, Cơ sở cai nghiện ma túy tiếp nhận, điều trị, giáo dục, tư vấn, truyền nghề, dạy nghề và lao động trị liệu cho học viên cai nghiện tại Cơ sở theo chỉ tiêu được giao; tổ chức quản lý đối tượng đảm bảo đúng quy định. Bên cạnh đó, phối hợp với các tổ chức liên quan, tổ chức các hoạt động truyền thông về tác hại của ma túy, nghiện ma túy, phòng, chống ma túy và phòng chống tái nghiện ma túy tại các địa phương có học viên cai nghiện tại Cơ sở; chia sẻ học tập kinh nghiệm về mô hình công tác xã hội cho nhân viên tại Cơ sở...

TM