Một số kết quả phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh Bình Dương Ngày đăng: 30/11/2022
Trong thời gian qua, Công an tỉnh thường xuyên, liên tục thực hiện các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm; tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các kế hoạch về mở đợt cao điểm tổng kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trộm cắp tài sản; Kế hoạch mở đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Quý Mão 2023 và kế hoạch phối hợp lực lượng tuần tra kiểm soát ban đêm nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Tình hình an ninh trật tự được giữ vững, ổn định.

Công an tỉnh với vai trò là Thường trực của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, đã thường xuyên, kịp thời tham mưu cho Trưởng Ban chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tổ chức thực hiện hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, phòng ngừa xã hội đối với tội phạm và tệ nạn xã hội, chủ trì tổ chức các hoạt động lớn như: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống ma túy 26/6 năm 2022 với các hoạt động như sáng tác, trưng bày tranh; văn nghệ tuyên truyền; tổ chức thăm và tặng quà cho học viên cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh; treo cờ, pano, băng rôn, phát nhiều tờ rơi tuyên truyền phòng, chống tội phạm, ma túy; thực hiện các chuyên trang, chuyên mục về công tác phòng, chống ma túy trên Báo Bình Dương, Website tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương.

Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh ra mắt mô hình “Vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm” tại 07 địa phương và tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho các thành viên mô hình, nhân dân trên địa bàn được 840 người dự, kết hợp phát 840 tờ rơi tuyên truyền trên địa bàn thị xã Bến Cát.

Tiếp tục lồng ghép phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhất là ở các địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, vận động các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm, phối hợp cùng lực lượng Công an trong phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ còn sót lại trong nhân dân... Thông qua công tác tuyên truyền, vận động đã được quần chúng nhân dân cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị, hỗ trợ lực lượng Công an khám phá nhiều vụ phạm tội, vi phạm pháp luật.

Duy trì và củng cố các mô hình phòng, chống tội phạm ở địa bàn cơ sở; phối hợp các cơ quan báo, đài và các trang mạng xã hội để tuyên truyền, cảnh báo một số phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm "tín dụng đen", tội phạm công nghệ cao, phát sóng các tin, bài về tác hại ma túy, ý nghĩa của công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy... Phối hợp Đài phát thanh - truyền hình Bình Dương phát sóng 384 tin và 87 phóng sự trên kênh BTV1- Đài phát thanh truyền hình Bình Dương; gửi 250 tin, 38 phóng sự phát sóng trên kênh truyền hình Bộ Công an (Kênh ANTV); đăng 380 tin, bài trên trang “An ninh Bình Dương” số ra Thứ ba hàng tuần trên Báo Bình Dương. Tuyên truyền trực tiếp được 33 buổi có 15.099 đoàn viên, thanh niên công nhân, học sinh, giáo viên và người dân dự nghe; tuyên truyền qua trang Fanpage “Câu Lạc bộ phòng chống ma túy tỉnh Bình Dương” được 112 tin bài tuyên truyền pháp luật phòng, chống ma túy, cách nhận biết các chất ma túy và các đối tượng phạm tội về ma túy.

Công an tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo kéo giảm tội phạm hình sự năm 2022; Kế hoạch tăng cường công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; Kế hoạch về Quản lý và phòng ngừa người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy bị loạn thần “ngáo đá” thực hiện hành vi phạm tội; Thành lập tổ tuần tra đặc biệt (171) tuần tra kiểm soát ban đêm nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Dương; mở 03 đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm và 03 đợt cao điểm truy bắt đối tượng truy nã.

Triển khai lực lượng ra quân thực hiện nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy, thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp. Qua đó, đạt nhiều thành tích nổi bật trong đấu tranh, phòng chống loại tội phạm này. Toàn tỉnh đã phát hiện 510 vụ phạm tội về ma túy, bắt giữ, xử lý 987 đối tượng; thu giữ trên 27kg ma túy các loại và nhiều loại vũ khí, tang vật khác. Khởi tố 448 vụ, 701 bị can. Điển hình: Công an tỉnh đã phối hợp Công an Hà Nội triệt xóa đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy từ Châu Âu về tỉnh Bình Dương, thu giữ 23.200 viên thuốc lắc (8,135,4913 gam) và 0,464 gam ma túy đá; Công an tỉnh phối hợp với Cục C04 – Bộ Công an phát hiện, bắt giữ các đối tượng, khởi tố điều tra vụ “Vận chuyển trái phép chất ma túy” từ Châu Âu qua đường hàng không, thu giữ số lượng ma túy (trên 26kg thuốc lắc) nhiều nhất trong một vụ án từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh.

Lập mới hồ sơ đưa đi cơ sở cai nghiện bắt buộc 658 trường hợp. Toàn tỉnh hiện đang quản lý 3.128 người nghiện ma túy. Trong đó: Số người nghiện ngoài xã hội: 2.040; Trại tạm giam, nhà tạm giữ: 466 và Cơ sở cai nghiện: 622. Lập 44 hồ sơ đối tượng giáo dục tại xã phường, thị trấn, 03 trường hợp đi cơ sở giáo dục bắt buộc, 03 trường hợp đi trường giáo dưỡng; gọi hỏi, răn đe 997 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy và các đối tượng có khả năng, điều kiện phạm tội về ma túy nhằm hạn chế phát sinh tội phạm.

Tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh nổi lên với hành vi Mua bán người dưới 16 tuổi”, đặc biệt là trẻ sơ sinh, có tổ chức, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố và hành vi lừa gạt, dụ dỗ những cô gái trẻ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn với chiêu trò làm việc nhẹ lương cao, tuy nhiên, sau đó đã bán nạn nhân vào các cơ sở massage, karaoke, muốn về nhà phải đóng các khoản chi phí để chuộc về.

Công an tỉnh đã phát hiện, khởi tố 04 vụ, bắt, khởi tố 18 đối tượng. Đáng chú ý là vụ án “Mua bán người dưới 16 tuổi” là trẻ sơ sinh có quy mô lớn, “Sử dụng, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” với quy mô liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước (gồm Bình Dương, Tp.Hồ Chí Minh, Bình Phước, Tây Ninh, Vũng Tàu, Đắk Nông, Long An, Kiên Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long...), do đối tượng Nguyễn Thị Ngọc Như cầm đầu thực hiện, bắt giữ thêm 08 đối tượng khác có liên quan.

Về phòng, chống mại dâm, toàn lực lượng Công an đã ra quân tiến hành tổ chức kiểm tra cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, qua kiểm tra, phát hiện 1.219 cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự vi phạm; khởi tố 20 vụ, 36 đối tượng; xử phạt hành chính 1.213 lượt cơ sở vi phạm trong quá trình hoạt động kinh doanh, với tổng số tiền phạt hơn 10.140.000.000 đồng; đình chỉ hoạt động và thu hồi 114 Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự. Qua đó, Công an tỉnh đã phát hiện, khởi tố 05 vụ, bắt 06 đối tượng môi giới mại dâm; xảy ra ở các địa bàn huyện Bàu Bàng, huyện Phú Giáo, thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Thuận An, thành phố Dĩ An.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp về phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội, nhất là sử dụng các loại vũ khí nóng, hung khí để gây án; tội phạm trộm cắp tài sản; cướp, cướp giật, lừa đảo; tội phạm giết người, cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội, tội phạm ma túy... Vì vậy, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, Công an tỉnh xác định, tập trung thực hiện tốt một số công tác trọng tâm.

Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương trong công tác phòng, chống tội phạm, trọng tâm là: Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống và kiểm soát ma túy; Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW, ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới” và Kết luận số 15-KL/TW ngày 30/9/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW, ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới”; Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 – 2025 và định hướng đến năm 2030; Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”;…

Triển khai các giải pháp phòng, chống tội phạm từ địa bàn cơ sở. Làm tốt công tác nắm tình hình, tiếp tục tấn công trấn áp mạnh các loại tội phạm nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm giết người, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, trộm cắp tài sản, cướp, cướp giật tài sản, tội phạm liên quan đến người nước ngoài, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm xâm hại phụ nữ, trẻ em đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em, tội phạm ma túy, mua bán người,…

Đẩy mạnh công tác phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể thực hiện các hoạt động phòng ngừa xã hội để kéo giảm các loại tội phạm. Nâng cao chất lượng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; củng cố, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả như: Đội Công nhân xung kích tự quản về an ninh trật tự trong doanh nghiệp; Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm; Camera an ninh… Kịp thời biểu dương, khen thưởng gương người tốt, việc tốt trong công tác phòng, chống tội phạm. Nâng cao chất lượng công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, gắn với việc kiểm tra chấn chỉnh, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong hoạt động điều tra, không để bỏ lọt tội phạm.

Bá Phúc