Đồn Biên phòng Nậm Lạnh phòng, chống mua bán người và đưa người di cư trái phép Ngày đăng: 01/12/2022
Thời gian qua, rất nhiều người dân, đặc biệt là đồng bào ở vùng dân tộc thiểu số, biên giới, vùng sâu đã bị sập bẫy “việc nhẹ, lương cao” của các đối tượng xấu dẫn tới bị lừa bán, bị cưỡng bức lao động, bị đánh đập và đòi tiền chuộc nếu muốn tự do. Hầu hết các nạn nhân đều thuộc nhóm trẻ vị thành niên, trình độ nhận thức hạn chế dẫn tới dễ dàng bị lừa gạt.

Được biết, chỉ trong vài tháng gần đây, Đồn Biên phòng Nậm Lạnh, BĐBP Sơn La đã tiếp nhận đơn trình báo và giải cứu thành 9 công dân đều ở độ tuổi rất trẻ, bị lừa bán với “mồi câu” “việc nhẹ, lương cao” như cháu gái Lò Thị L và Vì Thị N mới 14 tuổi.

Theo hồ sơ vụ việc, ngày 15/8/2022, Đồn Biên phòng Nậm Lạnh tiếp nhận đơn trình báo của ông Lò Văn Bóng, sinh năm 1950 và ông Vì Văn On, sinh năm 1985, cùng trú tại bản Mường Và, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La trình báo và đề nghị hỗ trợ giải cứu hai cháu là Lò Thị L và Vì Thị N, cùng sinh năm 2008.

Đơn trình báo của hai gia đình cho thấy, qua mạng xã hội Facebook, hai cháu có quen nick Facebook Nguyễn Thanh Tuấn (Vô Thường). Tuấn giới thiệu sinh năm 2000, quê ở Vĩnh Phúc, hiện đang làm ở Hà Nội. Trong quá trình làm quen và nói chuyện, Tuấn rủ hai cháu đi thành phố Hồ Chí Minh chơi và chuyển 1,2 triệu đồng cho cháu L qua tài khoản lái xe để làm lộ phí đi đường. Sau đó, Tuấn hướng dẫn L và N đi thành phố Hồ Chí Minh, Tuấn hứa khi hai cháu đến nơi sẽ ra đón và thanh toán mọi cước phí cho nhà xe. Ngày 13/8/2022, nghe theo lời rủ rê của Tuấn, L và N đã giấu gia đình bắt xe khách đi vào thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi tiếp nhận tin báo, nhận định đây là thủ đoạn của tội phạm mua bán người, Đồn Biên phòng Nậm Lạnh đã báo cáo Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La, đề nghị chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ phối hợp điều tra, xác minh và đề ra các biện pháp nhằm ngăn chặn hành vi phạm tội của đối tượng, giải cứu hai nạn nhân. Đến 15 giờ, ngày 16/8, lực lượng nghiệp vụ BĐBP Sơn La đã liên lạc được với cháu L và nhà xe mà hai cháu đi. Lực lượng chức năng của BĐBP Sơn La đã chỉ đạo các biện pháp nghiệp vụ nhằm đảm bảo an toàn cho hai cháu tại bến xe Miền Đông (thành phố Hồ Chí Minh).

18 giờ cùng ngày, lực lượng Biên phòng ở phía Nam đã tiếp cận được hai cháu và phối hợp với tổ chức Rồng Xanh (tổ chức phi chính phủ chuyên hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán) hỗ trợ đưa hai cháu về gia đình. Các cơ quan chức năng của Bộ Tư lệnh BĐBP đang phối hợp với các lực lượng chức năng điều tra, xác minh về đối tượng Nguyễn Thanh Tuấn và những vấn đề có liên quan.

Trước đó, vào giữa tháng 7/2022, Đồn Biên phòng Nậm Lạnh cũng nhận được đơn trình báo của hai gia đình trú tại bản Huổi Dương và Huổi Ca, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp về việc con em của họ sang Campuchia làm việc nhàn hạ ở các casino sau khi quen một đối tượng trên mạng xã hội Facebook. Tuy nhiên, khi sang Campuchia, con em của họ bị ép làm việc quá sức, khi không làm việc được thì bị đánh đập và chuyển đi nơi khác, muốn về Việt Nam thì phải chuộc tiền với các mức từ 70 đến 200 triệu đồng.

Nhận thấy có dấu hiệu của tội phạm lừa đảo, mua bán người, Đồn Biên phòng Nậm Lạnh đã báo cáo Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La và chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ của đơn vị nắm tình hình, thu thập tài liệu. Trên cơ sở đó, Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La đã lập Chuyên án SL822P “đấu tranh với hoạt động lừa gạt, mua bán người, xuất nhập cảnh sang Campuchia qua khu vực biên giới tỉnh Tây Ninh nhằm cưỡng bức lao động”. Ban Chuyên án đã chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ khắc phục mọi khó khăn, xác định vị trí ở, làm việc của các lao động; phối hợp với cơ quan nghiệp vụ cấp trên, các đơn vị BĐBP các tỉnh biên giới phía Tây Nam và lực lượng chức năng Campuchia hỗ trợ giải cứu lao động trở về.

Từ cuối tháng 7 đến ngày 20/9/2022, Ban Chuyên án SL822P đã phối hợp giải cứu được 14 người (tỉnh Sơn La 12, Điện Biên 1, Hà Giang 1). Trong đó, Đồn Biên phòng Nậm Lạnh đã tiếp nhận đơn trình báo của 9 gia đình trên địa bàn huyện Sốp Cộp. Tính đến ngày 17/10, đơn vị đã phối hợp giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ 9 người trở về địa phương gồm: Lường Thành Đ, sinh năm 2004; Lò Thị L, sinh năm 2008; Vì Thị N, sinh năm 2008; Lèo Văn Ch, sinh năm 2003; Sộng Bả L, sinh năm 2001 (đều trú tại xã Mường Và); Vừ A L, sinh năm 2004, trú tại xã Sốp Cộp; Lường Văn H, sinh năm 2004; Cà Văn Th, sinh năm 2002; Lò Văn Đ, sinh năm 2004, đều trú tại xã Púng Bánh.

Qua tiếp cận các vụ án kể trên, chúng tôi nhận thấy, hầu hết người lao động bị lừa đều rất trẻ, trình độ nhận thức còn hạn chế, dễ dàng kết bạn qua các nền tảng mạng xã hội với những đối tượng xa lạ. Sau đó, họ bị các đối tượng xấu rủ rê, dụ dỗ và lừa gạt với những thủ đoạn, hình thức rất tinh vi. Có người kể lại rằng, sau khi được mời uống nước thì không biết gì nữa, đến khi tỉnh dậy thì đã ở đất Campuchia. Bên cạnh đó, các đối tượng sẵn sàng chiêu đãi rất hào phóng, tô vẽ những điều tốt đẹp trước mắt để mê hoặc vờ yêu để dễ bề dụ dỗ, lừa gạt “con mồi”.

Đã có nhiều giải pháp được triển khai để phòng chống tệ nạn mua bán người, tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, giải pháp căn cơ nhất vẫn là tăng cường tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân để không bị “sập bẫy” của tội phạm mua bán người.

Trung tá Đinh Văn Quang, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nậm Lạnh cho rằng, cùng với việc đẩy mạnh đấu tranh quyết liệt với các đường dây tội phạm, nắm chắc tình hình địa bàn, quản lý đối tượng có dấu hiệu tội phạm thì điều quan trọng hơn cả vẫn là ý thức cảnh giác của người dân, bởi nếu người dân cảnh giác, thì các đối tượng tội phạm không dễ lừa gạt được họ. Do đó, cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân nhận biết thủ đoạn của bọn buôn người. Khi người dân có hiểu biết, nhận thức đúng đắn, họ sẽ tự trang bị cho mình “lớp áo giáp” để phòng tránh những cái bẫy đã được giăng sẵn của các đối tượng mua bán người. Bên cạnh đó, các gia đình cũng cần phối hợp với nhà trường quan tâm, giáo dục, quản lý các mối quan hệ xã hội của con em mình để tránh xảy ra việc đã rồi./.

Dương Phương (t/h)