Cai nghiện ma túy, phòng chống mại dâm và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh Gia Lai Ngày đăng: 02/12/2022
Trong tháng 8/2022, Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh đã tiếp nhận 05 trường hợp là nạn nhân mua bán người do Công an xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện, Gia Lai bàn giao. Sau khi xác minh thông tin Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh đã giúp các cháu trở về với gia đình, ổn định cuộc sống.

Thực hiện Kế hoạch số 1097/KH-UBND ngày 31/5/2022 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện “Tháng hành động phòng, chống ma tuý” và “Ngày toàn dân phòng, chống ma tuý 26/6”, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức treo băng rôn tuyên truyền phòng, chống ma tuý năm 2022, đồng thời xây dựng Kế hoạch tổ chức tập huấn hướng dẫn triển khai thực hiện công tác cai nghiện ma tuý theo Luật phòng, chống ma tuý và Nghị định 116/2021/NĐ-CP. Tích cực tuyên truyền, vận động, khuyến khích người nghiện, gia đình người nghiện tự giác khai báo tình trạng nghiện, tự nguyện tham gia các biện pháp, hình thức cai nghiện phù hợp. Tổ chức tốt các hoạt động tư vấn để dạy nghề, vay vốn, tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng.

Cơ sở tư vấn và cai nghiện ma tuý đã tổ chức tuyên truyền Luật phòng, chống ma tuý và các tệ nạn xã hội đối với học viên cai nghiện với chủ đề “Thanh niên nói không với ma tuý và các tệ nạn xã hội”. Ngoài ra, Cơ sở cũng đã lồng ghép hoạt động tuyên truyền thông qua việc tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao nhân kỷ niệm 47 năm ngày Giải phóng hoàn toàn Miền Nam (30/4/1975-30/4/2022) và ngày Quốc tế Lao động 1/5, kỷ niệm 132 năm ngày sinh nhật Bác (19/5/1890-19/5/2022) tạo không khí vui vẻ, sôi nổi giúp học viên ổn định tư tưởng, vơi nỗi nhớ nhà, yên tâm chữa bệnh.

Bên cạnh đó, Cơ sở tư vấn và cai nghiện ma tuý xây dựng chương trình phối hợp đồng hành cùng học viên sau cai nghiện ma tuý tái hoà nhập cộng đồng. Trong đó, xác định rõ mục đích, nội dung, quy trình, biểu mẫu, phương pháp, thời gian và trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân nhằm hỗ trợ học viên sau khi hoàn thành chương trình điều trị nghiện ma túy, hạn chế nguy cơ tái nghiện, có cuộc sống lành mạnh. Tăng cường mối quan hệ hỗ trợ của chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể, gia đình đối với học viên trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng.

Kết quả từ 15/12/2021 đến 14/11/2022, cơ sở cai nghiện ma túy đã tiếp nhận 126 học viên (26 bắt buộc, 28 tự nguyện, 72 chờ xử lý). Số học viên hoàn thành thời gian cai nghiện trở về cộng đồng gồm 115 học viên (100 bắt buộc, 15 tự nguyện). Hiện tại, cơ sở đang quản lý 148 học viên (104 bắt buộc, 23 chờ xử lý, 21 tự nguyện).

Công tác tư vấn, điều trị cho học viên được thực hiện thường xuyên. Qua thăm khám, các trường hợp bệnh thông thường được chuẩn đoán và điều trị kịp thời, không có tai biến, biến chứng nào xảy ra.

Cơ sở cũng tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho học viên về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giáo dục chuyên đề về phòng chống các bệnh xã hội, nhất là căn bệnh HIV/AIDS, chuyên đề về gia đình, giới tính… Định kỳ tổ chức sinh hoạt chuyên đề cho học viên 01 lần/tháng, tiến hành tư vấn nhóm, tư vấn cá nhân cho các đối tượng thuộc giai đoạn cắt cơn giải độc, giai đoạn chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng (phòng, chống tái nghiện).

Tổ chức lao động trị liệu, lao động sản xuất cho học viên như: Chăm sóc cà phê, chăn nuôi gia súc, trồng rau màu theo mùa vụ,… nhằm tạo thêm thu nhập, cải thiện bữa ăn hàng ngày cho học viên.

Vềc ông tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, Gia Lai không phải là điểm nóng về tệ nạn mại dâm, tuy nhiên, hiện nay các hoạt động mại dâm vẫn diễn ra trên địa bàn tỉnh. Các đối tượng dùng nhiều phương thức, thủ đoạn đối phó với lực lượng chức năng, nhất là hoạt động lợi dụng việc kinh doanh dịch vụ có điều kiện (như nhà nghỉ, khách sạn…), trao đổi, liên lạc qua điện thoại di động để tổ chức chứa và môi giới mại dâm…., gây khó khăn cho công tác phát hiện, đấu tranh triệt phá.

Từ ngày 15/12/2021 đến ngày 14/11/2022, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, bắt quả tang 02 vụ/09 đối tượng. Kết quả khởi tố 02 vụ/02 bị can (Tội chứa mại dâm).  Xử phạt hành chính 07 đối tượng (04 đối tượng mua dâm, 03 đối tượng bán dâm), với số tiền 7.500.000 đồng

Đối với công tác phòng chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Thực hiện Chương trình số 368/CTr-UBND ngày 30/3/2021 của UBND tỉnh về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021- 2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Quyết định số 525/QĐ-LĐTBXH ngày 06/5/2021 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về Ban hành Kế hoạch thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2021-2025 và định hướng 2030, Sở Lao động – TB&XH đã ban hành Kế hoạch số 15/KH-SLĐTBXH ngày 30/3/2022 của Sở Lao động -  Thương binh và Xã hội về triển khai thực hiện công tác phòng, chống ma tuý, cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma tuý; phòng, chống tệ nạn mại dâm và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán năm 2022. Sở đã đẩy mạnh lồng ghép công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật và các quy định về công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; tuyên truyền để mọi người hiểu, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong đấu tranh phòng, chống các loại tệ nạn xã hội. Tiến hành khảo sát, thống kê, phân loại đối tượng, địa bàn trọng điểm để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hoạt động liên quan đến hoạt động môi giới, ngăn chặn tình trạng lợi dụng nhu cầu xin việc làm để thực hiện mua bán người. Phối hợp với các ngành chức năng trong việc điều tra, triệt phá các tổ chức tội phạm liên quan đến mua bán ngừoi. Lồng ghép chương trình, chính sách an sinh xã hội với các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để tạo nhiều cơ hội tiếp cận với các dịch vụ trợ giúp như đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho phụ nữ, trẻ em, các hộ gia đình nghèo nhằm phòng ngừa các nguy cơ liên quan đến mua bán người. Tổ chức tốt công tác tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ tạo việc làm và giúp đỡ người sau khi bị mua bán trở về.

Trong tháng 8/2022, Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh đã tiếp nhận 05 trường hợp là nạn nhân mua bán người do Công an xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện, Gia Lai bàn giao. Sau khi xác minh thông tin Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh đã giúp các cháu trở về với gia đình, ổn định cuộc sống.

Qua triển khai thực hiện công tác phòng, chống tội phạm có liên quan ma túy, mại dâm và mua bán người cho thấy, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc; nhận thức của cán bộ, đảng viên về trách nhiệm trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy, cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy; phòng, chống tội phạm mua bán người và tội phạm mại dâm được nâng lên.

Công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, mua bán người đã được các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, quyết liệt nên được các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ, phản ánh kịp thời những nghi vấn về lợi dụng giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động,.. để thực hiện hành vi. Thời gian qua đã giảm về số vụ và số người vi phạm về hoạt động mại dâm so với cùng kỳ mọi năm

Bên cạnh những kết quả và thuận lợi nêu trên, công tác cai nghiện ma túy, phòng chống mại dâm và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh gặp những khó khăn nhất định. Cơ sở tư vấn và cai nghiện ma túy Gia Lai là đơn vị duy nhất của tỉnh thực hiện chức năng tiếp nhận quản lý, giáo dục, chữa bệnh, cai nghiện phục hồi đối với người nghiện ma tuý, tuy nhiên cơ sở vật chất chưa đảm bảo, không có bác sĩ, thiếu cán bộ chuyên môn nên công tác quản lý, chữa bệnh cho học viên gặp rất nhiều khó khăn. Công tác phối hợp quản lý giáo dục đối tượng sau cai nghiện tại địa phương hiệu quả chưa cao. Nguồn lực đầu tư cho công tác phòng, chống mại dâm hiện nay còn hạn hẹp, phương tiện vật chất chưa đáp ứng đầy đủ cho công tác này, vì vậy hiệu quả trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm chưa cao. Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên công tác thanh, kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ chưa được thường xuyên liên tục; thông tin tố giác của quần chúng nhân dân đối với các tụ điểm, ổ nhóm,.. hoạt động mại dâm chưa nhiều./.

Huệ Minh