Kết quả cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi Ngày đăng: 03/12/2022
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cai nghiện ma túy luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh quan tâm và triển khai thực hiện. Tuy nhiên, tỉnh Quảng Ngãi có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, khoảng cách chênh lệch mức sống giữa các vùng, miền, giữa các dân tộc còn cao, tình hình tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy tiếp tục tiềm ẩn và diễn biến phức tạp.

Quảng Ngãi là tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, có tổng diện tích tự nhiên 5.152,95km2, với 13 đơn vị hành chính cấp huyện (05 huyện miền núi, 05 huyện đồng bằng, 01 thị xã, 01 thành phố và 01 huyện đảo); 173 đơn vị hành chính cấp xã, với 954 thôn, tổ dân phố; dân số hơn 1,247 triệu người, thu nhập bình quân đầu người 3.836USD/người.

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cai nghiện ma túy luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh quan tâm và triển khai thực hiện. Tuy nhiên, tỉnh Quảng Ngãi có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, khoảng cách chênh lệch mức sống giữa các vùng, miền, giữa các dân tộc còn cao, tình hình tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy tiếp tục tiềm ẩn và diễn biến phức tạp.

Người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn tỉnh có xu hướng ngày càng trẻ hóa; đa số sử dụng ma túy tổng hợp; tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy tổng hợp tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự như: quán bar, nhà nghỉ, karaoke... diễn ra ngày càng nhiều. Việc xác định tình trạng nghiện, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn và áp dụng các hình thức cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy chưa hiệu quả, còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Các hình thức cai nghiện ma túy cũng như điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone mang lại hiệu quả chưa cao; công tác quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức.

Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc công tác phòng, chống ma túy theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là công tác quản lý người sử dụng, người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, vận động người nghiện đi cai nghiện đạt hiệu quả. Trong đó, Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội tổ chức 04 lớp tập huấnvề thực hiệnquản lý sau cai nghiện ma túy, với hơn 760 đại biểu tham gia; tổ chức 05lớp tập huấn triển khai các văn bản liên quan đến công tác phòng chống tệ nạn xã hội, cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy (Luật Phòng, chống ma túy 2021 và các văn bản liên quan dưới Luật...), với hơn 950 lượt đại biểu đại biểu tham gia; phối hợp với Đài Phát thanh của 13 huyện, thành phố, Báo Quảng Ngãi, Báo Lao động – Xã hội xây dựng 10 chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội; phối hợp với lực lượng Công an các cấp và các ngành chức năng, các cơ quan đoàn thể tuyên truyền, phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở các khu dân cư; tổ chức 13 cuộc truyền thông về công tác phòng, chống mại dâm, ma túy tại xã, phường, thị trấn với hơn 4.567 lượt người tham gia. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức 08 lớp truyền thông chuyên đề “Kỹ năng phòng, chống: Bạo lực, xâm hại trẻ em, mại dâm, ma túy và an toàn trên môi trường mạng” với sự tham gia của 2.541 giáo viên, học sinh các Trường THCS trên địa bàn tỉnh.

Công an tỉnh tổ chức 65 đợt tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy; phát động phong trào toàn dân tham gia lên án, tố giác tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy tại UBND xã, phường, thị trấn, các khu dân cư, trường học với 837 đợt, có hơn 57.000 lượt người tham dự; phối hợp đưa trên 175 tin, 20 bài, 04 phóng sự về phòng, chống tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy trên các trang mạng xã hội và phương tiện thông tin đại chúng. Tuyên truyền bằng xe ô tô lưu động có trang trí hàng trăm panô, áp phích tuyên truyền trực quan, hình ảnh sinh động tại địa bàn cơ sở; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, mại dâm, các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và cho viết cam kết không vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh đối với 20 chủ cơ sở.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnhtổ chức 02 lớp tập huấn nhóm nòng cốt cho các đại biểu ở cơ sở; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tổ chức 07 Hội nghị tập huấn, với sự tham gia của 1.000 đại biểu, nội dung bồi dưỡng kỹ năng vận động phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội và bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Sở Y tế phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Quảng Ngãi, các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm cung cấp các thông tin về cơ sở điều trị nghiện các dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. Trong năm, đã có 03 bài viết đăng trên Báo Quảng Ngãi và phát trên chương trình phát thanh của Trung tâm văn hóa thể thao cấp huyện.

Có thể nói, công tác tuyên truyền được thực hiện linh hoạt, đổi mới với nhiều nội dung và hình thức phong phú, thích hợp với nhiều thành phần và lứa tuổi, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy.

Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 32 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (30 người nghiện có mặt tại địa phương; 02 người nghiện không có mặt tại địa phương); 260 người sử dụng trái phép chất ma túy được lập hồ sơ theo dõi, quản lý (218 người có mặt tại địa phương, 42 người không có mặt tại địa phương).

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện hướng dẫn việc kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực cho tình nguyện viên giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và hòa nhập cộng đồng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 168 Đội Công tác xã hội tình nguyện, có trên 1.239 tình nguyện viên. Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã sắp xếp, cải tạo một phần của Trung tâm (tại cơ sở 2) thành khu cai nghiện ma túy để thực hiện lộ trình chăm sóc người nghiện tại Trung tâm tốt hơn. Người nghiện khi vào Trung tâm chữa bệnh đều có hồ sơ quản lý và sau khi cai nghiện, chữa bệnh xong trở về cộng đồng đều được thông báo cho chính quyền địa phương biết, phối hợp quản lý.

Trong năm, Trung tâm đã tiếp nhận 03 người cai nghiện ma túy bắt buộc, 01 người cai nghiện ma túy tự nguyện. Các xã, phường, thị trấn tiếp tục tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho 22 lượt người nghiện; đồng thời, tổ chức quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú cho 14 lượt người sau cai nghiện. Đến nay, chưa có địa phương nào đủ điều kiện tổ chức thực hiện cai nghiện tại cộng đồng. Công tác quản lý sau cai được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương triển khai bằng nhiều hình thức như: Xây dựng kế hoạch trợ giúp xã hội sau cai nghiện ma túy, hướng dẫn, giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng; tư vấn để đối tượng thay đổi nhận thức, hành vi; hỗ trợ đối tượng học nghề, tìm việc làm và tạo điều kiện để người sau cai nghiện tham gia các hoạt động xã hội nhằm phòng, chống tái nghiện.

Duy trì 01 cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tại thành phố Quảng Ngãi. Hiện nay, cơ sở điều trị Methadone thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có hồ sơ quản lý 169 đối tượng. Nhìn chung, phương pháp điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone mang lại một số kết quả đáng kể như: Giúp người nghiện cải thiện sức khỏe, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV, viêm gan B, C… Tuy nhiên, do chưa có cơ chế cụ thể nên số lượng người nghiện bỏ điều trị chiếm tỷ lệ cao; tình trạng người nghiện vừa uống Methadone vừa sử dụng trái phép chất ma túy, vi phạm pháp luật còn phổ biến.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác cai nghiện và quản lý sau cai trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cũng gặp một số khó khăn như: Việc cung cấp các dịch vụ tư vấn điều trị nghiện tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh chưa được thực hiện thường xuyên; Công tác tổ chức cho người nghiện ma túy cai nghiện tại gia đình, cộng đồng đạt hiệu quả thấp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có 01 cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy gặp nhiều khó khăn. Công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng có triển khai nhưng thiếu hiệu quả./.

Nguyễn Hà