Hiệu quả hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã tại tỉnh Bình Dương Ngày đăng: 20/09/2022
Các thành viên của Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã đa số làm công tác kiêm nhiệm tại khu dân cư như Trưởng, phó khu phố, bảo vệ dân phố ... nên thường xuyên trực tiếp tiếp xúc, gặp gỡ người dân, tham gia công tác hòa giải tại cơ sở, giúp đỡ nhóm người yếu thế vươn lên thoát nghèo, giới thiệu việc làm đến các doanh nghiệp, góp phần hoàn thành các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và an ninh trật tự trên địa bàn.

 

 

Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã thành lập được 84 Đội công tác xã hội tình nguyện (Đội CTXHTN) cấp xã với 579 tình nguyện viên. Các tình nguyện viên là những người có lý lịch tốt, rõ ràng và có uy tín tại nơi cư trú, tinh thần nhiệt huyết với công việc; tham gia hoặc đã từng làm việc tại địa phương như cộng tác viên công tác xã hội, dân quân thường trực, dân phòng,...

Thông qua hoạt động nắm bắt thông tin tại địa bàn phụ trách của từng thành viên, Đội CTXHTN đã phát hiện và cung cấp tố giác nhiều trường hợp vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội cho cơ quan chức năng tiếp nhận và kịp thời tiếp cận, ngăn chặn, cảm hoá, hỗ trợ cho các đối tượng, qua đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý địa bàn, hỗ trợ các đối tượng trong quá trình điều trị, ổn định tâm lý, thay đổi nhận thức, hành vi, tạo điều kiện sinh kế hoà nhập với cộng đồng.

Từ công tác tiếp cận, tham vấn cho các nhóm đối tượng kịp thời, các tình nguyện viên đã tạo điều kiện giới thiệu việc làm cho 08 đối tượng vào các công ty, xí nghiệp; giới thiệu vay cho 31 trường hợp tại Ngân hàng CSXH Dĩ An với tổng số tiền 600 triệu đồng; hỗ trợ động viên trên 60 phần quà (mỗi phần có giá trị 300.000 đồng, gồm sữa, mì, dầu ăn ...; mua 02 thẻ BHYT tự nguyện cho những đối tượng sau cai nghiện có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Mỗi Đội CTXHTN phân công cho các tình nguyện viên phụ trách địa bàn cụ thể, quản lý trực tiếp những người nghiện ma túy, người cai nghiện, người bán dâm hoàn lương, nạn nhân bị mua bán hàa nhập cộng đồng; phối hợp với cảnh sát khu vực tiếp cận gia đình nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng kịp thời giúp đỡ họ... Căn cứ vào danh sách công an phường quản lý đối tượng sau cai nghiện, người nhiễm HIV,... thành viên tiếp cận thông qua thăm hỏi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và đề xuất những cách thức hỗ trợ trong khả năng của Đội.

Để đảm bảo hoạt động, các Đội CTXHTN xây dựng lịch sinh hoạt, nội dung sinh hoạt theo quy chế định kỳ hàng tháng với các nội dung như: báo cáo việc theo dõi, vận động cảm hoá đối tượng hoà nhập cộng đồng. Thường xuyên thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, quản lý, chữa bệnh, giáo dục người nghiện tự nguyện cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng. Tổ công tác cai nghiện ma túy thường xuyên theo dõi người sau cai nghiện, thực hiện tuyên truyền, động viên người sau cai nghiện tham gia các lớp học nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 với hơn 50 người tham dự, để tạo điều kiện cho người sau cai nghiện trong việc học nghề, lao động sản xuất.

Đồng thời, tình nguyện viên luôn có sự phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể các cấp và gia đình để quản lý, hỗ trợ người cai nghiện, người bán dâm... trên địa bàn. Phối hợp với cơ quan công an cùng cấp giáo dục, viết cam kết cai nghiện cho 100% người nghiện và gia đình họ; giám sát các đối tượng khai báo có hồ sơ quản lý chặt chẽ trong công tác lập hồ sơ, đảm bảo đúng đối tượng, trình tự thủ tục theo quy định.

Về công tác tuyên truyền, Đội CTXHTN phối hợp tổ chức tuyên truyền về công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, mua bán người với nhiều hình thức. Cụ thể: tổ chức 1.245 cuộc họp với 18.453 lượt người tham dự; phát thanh 10.101 giờ, đọc 3.170 tin qua sách, báo, tài liệu; tham gia tuyên truyền ra quân hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy 26/6” hàng năm; phát 7.660 tờ rơi tuyên tuyền về tác hại của ma túy và những phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại đối tượng và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Ngoài ra, còn phối hợp với đài truyền thanh cấp xã thông báo cho người dân về cách thức phòng ngừa tội phạm trộm tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; phương thức hoạt động của tội phạm trên không gian mạng...

Ngoài ra, Đội CTXHTN còn phối hợp cùng Công an cấp xã xây dựng kế hoạch phổ biến pháp luật cho các đối tượng tại địa phương, tổ chức gọi hỏi, giáo dục cho các đối tượng đối tượng ma túy; cờ bạc, đối tượng hình sự, đối tượng chấp hành xong án phạt tù, đi cai về địa phương và thực hiện việc cam kết không tái phạm; tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy, mại dâm, giảm lây nhiễm và tác hại của HIV/AIDS, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại cộng đồng.

Tiêu biểu trong hoạt động hỗ trợ các đối tượng người bán dâm hoàn lương, nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng hoà nhập cộng đồng là Đội CTXHTN phường An Thạnh (thành lập từ  ngày 08/11/2019, với 07 đội viên). Mỗi thành viên trong Đội được phân công phụ trách 01 khu phố, thường xuyên phối hợp với Hội người cao tuổi, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên… và làm cầu nối gặp gỡ riêng từng gia đình của đối tượng để trợ giúp gia đình ở những nơi thích hợp như quán cà phê, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, những khó khăn vướng mắc như tạo công ăn viêc làm và tham gia vào các hoạt như động xã hội tại địa phương.

Chính từ những hoạt động này, Đội CTXHTN phường An Thạnh đã cảm hoá được 5 trường hợp trở thành công dân tốt cho gia đình, xã hội; hỗ trợ cho 04 trường hợp đủ điều kiện vay vốn để làm ăn, ổn định cuộc sống.

Theo đánh giá của Sở LĐ-TBXH Bình Dương, các Đội CTXHTN trên địa bàn tỉnh có nhiều hoạt động sáng tạo, gần gũi, tạo cầu nối giữa chính quyền với gia đình và nhóm yếu thế để hỗ trợ họ hoà nhập cộng đồng, đem lại những hiệu quả tích cực trong việc nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về tác hại của ma tuý, phòng chống ma tuý, mại dâm và các biện pháp phòng ngừa; đồng thời, giúp cấp uỷ, chính quyền địa phương nắm chắc các đối tượng để tiếp cận tư vấn, giáo dục, cảm hoá, vận động, hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội./.

Như Ngọc