“Truyền thông chiến lược” – hướng tiếp cận mới trong phòng, chống mua bán người tại Việt Nam Ngày đăng: 15/07/2022
Thực trạng tội phạm mua bán người và đưa người di cư trái phép diễn ra ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp, vì vậy, vai trò của truyền thông cũng ngày càng quan trọng và đòi hỏi phải có sự thay đổi để tiếp cận và đáp ứng yêu cầu ngăn ngừa, phòng, chống tội phạm mua bán người và đưa người di cư trái phép hiệu quả hơn.

 

 

 

 

Vấn nạn mua bán người và trách nhiệm của người cầm bút

Tại Hội thảo tập huấn “Truyền thông chiến lược và chia sẻ kinh nghiệm trong phòng chống mua bán người tại Việt Nam” do Chương trình hợp tác ASEAN - Ốxtrâylia về phòng, chống mua bán người tại Việt Nam (Chương trình ASEAN - ACT) tổ chức đầu tháng 7/2022, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo Dân Việt) chia sẻ vấn đề “Nạn buôn người và câu chuyện của người làm báo” với những dẫn chứng sinh động về mua bán phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh; mua bán người trong nội địa; mua bán người vì mục đích cưỡng bức lao động; mua bán người trong đại dịch Covi-19; mua bán người qua hình thức cưỡng bức quan hệ tình dục; mua bán người qua biên giới…

Tra cứu từ khóa “việc nhẹ lương cao" trên Google, có khoảng 955.000 kết quả trong vòng 0,36 giây. Riêng trên báo Dân trí, có 82.525 tin tức, video về "việc nhẹ lương cao". Và trong vòng 20 ngày, tính từ ngày 13/6 đến 04/7/2022, báo Dân trí đã đăng tải 15 tin/bài phản ánh về các góc cạnh của vấn nạn đưa người lao động qua biên giới tìm kiếm việc làm (từ bài “Nữ sinh 16 tuổi mất tích ngay sau khi vào TP Hồ Chí Minh làm "việc nhẹ lương cao" (đăng ngày 13/6/2022) đến bài Giải cứu 2 người bị lừa sang Campuchia làm "việc nhẹ lương cao" (đăng ngày 04/7/2022).

Giám đốc Chương trình ASEAN - ACT, Tiến sỹ Lucia Pietropaoli thông tin: Campuchia hiện nay đang là đích đến của tội phạm mua bán người trong khu vực, bao gồm Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Myanmar và cả Việt Nam, vì mục đích bóc lột trong các sòng bạc, trung tâm gọi điện lừa đảo, thường được vận hành bởi các băng nhóm Trung Quốc. Ở Lào cũng nổi lên các hình thức bóc lột trong các đặc khu kinh tế (SEZs). Xu hướng các công dân nước ngoài bị lừa đến Philippin, Campuchia với lý do làm các công việc tử tế, sau đó bị giữ lại để đòi tiền chuộc - cũng có dấu hiệu liên quan đến các băng nhóm tội phạm Trung Quốc. Một biểu hiện nữa là gia tăng các hình thức tuyển dụng và lừa đảo trực tuyến, một số trong đó bị bóc lột lao động hoặc tình dục.

Theo Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2022, các lực lượng chức năng Việt Nam đã phối hợp với nước bạn Campuchia giải cứu hơn 250 trường hợp, chủ yếu độ tuổi từ 18 -35 tuổi, bị lừa sang lao động trái phép tại các tỉnh biên giới, cảng biển và ngay cả tại thủ đô Phnôm Pênh. Nạn nhân thường bị “giam lỏng” trong các cơ sở kinh doanh, tham gia vào hoạt động lừa đảo như đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo trên không gian mạng...; hoặc bị cưỡng ép lao động từ 12-16 tiếng/ngày, bị nhốt kín trong nhà, bị bán sang các chủ sử dụng lao động khác hoặc bắt gọi điện về cho người thân, gia đình đòi tiền chuộc, với số tiền từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng mới cho về nước. Đối tượng cầm đầu hoạt động cưỡng bức lao động, đòi tiền chuộc, cưỡng đoạt tài sản chủ yếu là người Trung Quốc và có sự tham gia, giúp sức của một số đối tượng “chân rết” là người Việt Nam.

Đồng thời, đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường thông tin, tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn rủ rê, lừa gạt, tuyển mộ, giới thiệu và tổ chức đưa công dân Việt Nam ra nước ngoài trái phép dưới chiêu bài “việc nhẹ, lương cao” nhưng thực chất là cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản, nhiều trường hợp bị đe dọa, nguy hiểm đến tính mạng hoặc bỏ xác nơi xứ người…

Trước thực trạng trên, nói về trách nhiệm của người cầm bút, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho biết, cần phải tìm ra đề tài mới, cách diễn đạt mới, mang tính phát hiện mới. “Mỗi tác phẩm báo chí/truyền thông phải tạo ra giá trị vì cộng đồng. Kết nối thông tin bằng khát vọng chân chính và có ý nghĩa xã hội, từng bước lấp đầy khoảng trống về “pháp lý và lương tâm”... Qua đó, thúc đẩy thực thi pháp luật về phòng, chống mua bán người một cách nhân văn và nghiêm minh nhất”.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng ( bên phải) trao đổi với cán bộ Chương trình ASEAN-ACT

Truyền thông nhằm thay đổi hành vi

Nhận định tình hình mua bán người tại Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Tiến sỹ Lucia Pietropaoli chia sẻ, suy thoái kinh tế kéo dài sẽ dẫn tới mất việc làm và gia tăng tính dễ bị tổn thương của một số nhóm đối tượng như lao động di cư bị trục xuất, tự nguyện trở về hoặc bị mắc kẹt tại các nước; Nam giới, phụ nữ và trẻ em mất thu nhập và việc làm, gia tăng tình trạng bạo lực gia đình và các đối tượng cũng tham gia nhiều hoạt động trực tuyến ẩn chứa nhiều nguy cơ; Người lao động ở các khu vực phi chính thức bị ảnh hưởng thu nhập do phong tỏa phòng chống dịch, thiếu khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bảo trợ xã hội; Một số đối tượng lao động không có điều kiện tiếp cận vắc xin, thậm chí bị coi là trung gian gây bệnh.... Tất cả khó khăn đó sẽ đẩy những đối tượng này thành nạn nhân của tội phạm buôn bán người.

Trao đổi về truyền thông chiến lược trong phòng ngừa mua bán người, các diễn giả của các bộ, ngành và chuyên gia của Chương trình ASEAN – ACT chia sẻ, định hướng các kiến thức, kỹ năng bổ ích về tính dễ bị tổn thương nạn nhân của mua bán người và nguyên nhân khiến họ dễ bị tổn thương; nguyên tắc đạo đức trong truyền thông, cân nhắc về yếu tố bình đẳng giới, hòa nhập xã hội và nhạy cảm với nạn nhân và bảo vệ sự an toàn cũng như quyền lợi cho nạn nhân; truyền thông nhằm thay đổi hành vi; sức mạnh của hình ảnh trong truyền thông; đối tượng đích và các thông điệp chính; truyền thông trên nền tảng kỹ thuật số; đo lường sự thành công của truyền thông…

Theo đó, truyền thông chiến lược đảm bảo gửi đúng thông điệp nhằm đến đúng đối tượng và đúng thời điểm, địa điểm, sử dụng thông tin một cách có mục đích và ý nghĩa (với 5 bước cơ bản gồm: Thiết kế chiến lược; Thực hiện; Phát triển và thử nghiệm; Phân tích; Đánh giá và giám sát). Trong đó, điều quan trọng nhất là xây dựng được lòng tin cho độc giả thông qua việc sử dụng hình ảnh thương hiệu để tạo nên uy tín, sự tin tưởng, tránh cách tiếp cận ảnh hưởng tới vấn đề nhạy cảm giới và gây tổn hại thêm cho nạn nhân trong các hoạt động truyền thông.

Đến từ Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, bà Đặng Hương Giang, Phó ban Tuyên giáo chia sẻ về kinh nhiệm, kết quả Truyền thông, nâng cao nhận thức và vận động chính sách trong công tác phòng chống mua bán người tại Việt Nam của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Theo đó, các cấp Hội đã tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp “nhóm nhỏ” tại cộng đồng; các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các sự kiện/chiến dịch truyền thông; hội nghị, tập huấn, diễn đàn, hội thảo; văn phòng dịch vụ một điểm đến (Văn phòng OSSO)... Tiêu biểu là chiến dịch truyền thông như “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương; “Đường đến bình yên”; “Lắng nghe nạn nhân – Dẫn lối hành động”; “Mẹ đỡ đầu cho trẻ mồ côi vì Covid-19”...

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ, mỗi bài báo/thông điệp truyền thông cần tác động đến cảm xúc, ý thức và kiến thức rồi tiến tới thay đổi hành vi cho công chúng để mọi người nhận thức và tăng cường cảnh giác, cùng hành động chống nạn mua bán người. Đồng thời, có sự đồng cảm, hỗ trợ, không phán xét, kỳ thị với nạn nhân trở về cộng đồng... Và các nhà báo, người làm truyền thông đừng “bắt” nạn nhân kể đi kể lại mãi về câu chuyện của mình, vì mỗi lần như vậy là họ càng bị ám ảnh, hoang mang và đau khổ thêm.

Mặt khác, cũng cần tránh gây ra sự “lầm tưởng” như nói quá nhiều về lợi nhuận của buôn người (hàng tỷ đô/năm) sẽ dẫn dụ kẻ xấu “nhắm mắt làm càn”; đưa tin về “nạn nhân tương lai” làm gia tăng nguy cơ bị mua bán, lừa gạt; hoặc gây lầm tưởng cho cộng đồng về nạn nhân của mua bán người chỉ là phụ nữ và trẻ em gái – trong thực tế, ngay cả nam giới và trẻ em trai cũng thuộc nhóm nguy cơ cao.

Đồng quan điểm, bà Dyana Savina, Điều phối viên về bình đẳng giới và hòa nhập xã hội của Chương trình ASEAN - ACT nhấn mạnh: “Không nên khai thác chuyện buồn của nạn nhân để có sản phẩm truyền thông”,  truyền thông phải tạo ra tri thức, có những thông điệp cụ thể để từ đó thay đổi hành vi, để họ và người thân trong gia đình có những hành động tích cực trong cuộc sống.

Chính vì vậy, ngay lúc này, vai trò của truyền thông càng quan trọng và đòi hỏi phải có sự thay đổi để đáp ứng được yêu cầu phòng ngừa, chống lại tội phạm mua bán người và đưa người di cư trái phép/bất hợp pháp có hiệu quả hơn./.

Như Ngọc