Một số kết quả hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh Ngày đăng: 25/08/2022
Trong thời gian qua, để đối phó với dịch bệnh Covid-19, các lực lượng chức năng của Việt Nam và Trung Quốc đã thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới; đồng thời, tỉnh Quảng Ninh cũng triển khai các biện pháp phòng ngừa phù hợp (như tuyên truyền để người dân hiểu biết, cảnh giác đối với các loại tội phạm...) làm giảm điều kiện hoạt động của tội phạm mua bán người. Tuy nhiên, dự báo trong thời gian tới tội phạm mua bán người vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ, diễn biến phức tạp vì Quảng Ninh là địa bàn có đường biên giới trên bộ dài với nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối mở sang Trung Quốc, khó kiểm soát triệt để nên các đối tượng, đường dây mua bán người vẫn lựa chọn Quảng Ninh làm địa bàn trung chuyển để đưa người lao động, lừa phụ nữ, trẻ em bán sang Trung Quốc với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu trình Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định, Kế hoạch của tỉnh triển khai công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, cùng công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, cai nghiện ma túy của tỉnh. Định hướng, phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể, địa phương triển khai đảm bảo mục tiêu 100% nạn nhân bị mua bán trở về có hộ khẩu thường trú và tiếp nhận qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh đều được hỗ trợ kịp thời theo quy định của Nhà nước; đồng thời, tăng cường truyền thông, nâng cao hiểu biết, nhận thức của cộng đồng dân cư, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác hỗ trợ nạn nhân thuộc quản lý của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản liên quan đến phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai kịp thời đến các cấp, ngành và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh đảm bảo chỉ tiêu 100% các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người đã được chuyển tải kịp thời. Ngoài ra, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thiết kế 07 Pano đặt dọc trục đường quốc lộ, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các thủ tục về cấp phép, in ấn và cấp phát 40.000 tờ rơi giới thiệu các dịch vụ của Ngôi nhà Ánh Dương, trong đó có nội dung về phòng, chống mua bán người. Thực hiện đăng tải 01 tin bài về các hoạt động thành lập thí điểm 05 Câu lạc bộ phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân tại 05 phường trên địa bàn thành phố Hạ Long.

Từ tháng 12/2021 đến tháng 01/2022, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã tiếp nhận 02 trường hợp là phụ nữ được các cơ quan chức năng thành phố Móng Cái bàn giao (01 trường khoảng 60 tuổi; 01 trường hợp sinh năm 1999). Trung tâm đã quản lý và chăm sóc, phối hợp với cơ quan chức năng để xác định quê quán, thân nhân của đối tượng. Trung tâm đã bàn giao 01 trường hợp cho gia đình, địa phương; 01 trường hợp bàn giao cho Tổ chức Rồng Xanh đưa đối tượng trở về gia đình. Bên cạnh đó, Trung tâm còn duy trì Tổng đài tư vấn miễn phí 18001769, trực 24/24 để tiếp nhận tất cả các trường hợp cần tư vấn, đặc biệt là các trường hợp cần sự hỗ trợ khẩn cấp như: nạn nhân bị bạo lực, xâm hại, nạn nhân/thông tin về nạn nhân bị mua bán. Bố trí 10 phòng tạm lánh của Trung tâm và hệ thống cơ sở vật chất của Ngôi nhà Ánh Dương luôn sẵn sàng tiếp nhận và hỗ trợ các trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp và các nạn nhân bị mua bán. Cung cấp miễn phí thức ăn, nước uống, quần áo và các dụng cụ thiết yếu khác cho các nạn nhân bị mua bán và các trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp khi được Trung tâm phát hiện và tiếp nhận. Phối hợp với các ban ngành, chính quyền và các cá nhân khác để cung cấp các dịch vụ công tác xã hội cho nạn nhân như tư vấn tâm lý, kết nối nguồn lực, tìm kiếm địa chỉ, quê quán… cho nạn nhân bị mua bán. Hỗ trợ cung cấp các dịch vụ về y tế, việc làm và các nhu cầu thiết yếu khác để trợ giúp nạn nhân bị mua bán.

Tại Cơ sở Bảo trợ chăm sóc Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh: hiện cơ sở đang chăm sóc 04 trẻ em bị mua bán trở về, trong đó có 01 cháu là nữ; 03 cháu là nam, các cháu đều dưới 16 tuổi. Cơ sở thực hiện công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đảm bảo các cháu được học tập, phát triển khả năng của bản thân và tham gia các hoạt động trong Cơ sở cũng như ở nhà trường nơi các cháu đang theo học.

Nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức 30 lớp tập huấn kỹ năng tư vấn, tuyên truyền về công tác phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về cho 2.700 cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội thuộc 03 Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện và 30 xã, phường trên địa bàn thị xã Đông Triều, Quảng Yên và thành phố Uông Bí.

Thực hiện Kế hoạch số 103/KH-UBND ngày 25/5/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai, thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 10/01/2022 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2022, trong đó có nội dung: Tiếp tục duy trì hoạt động mô hình “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” tại 05 phường của thành phố Hạ Long trên cơ sở tích hợp hiệu quả của dự án, làm cơ sở nhân rộng tại một số địa phương khác trong thời gian tới. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định, Kế hoạch về việc thành lập thí điểm 05 Câu lạc bộ phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân trên địa bàn thành phố Hạ Long. Đến nay đã tổ chức ra mắt Câu lạc bộ và 05 cuộc tập huấn kỹ năng tiếp cận, truyền thông về phòng, chống mua bán người cho thành viên nòng cốt tham gia Câu lạc bộ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hỗ trợ nạn nhân trên địa bàn tỉnh cũng gặp một số khó khăn như: Quảng Ninh có đường biên giới giáp với Trung Quốc dài, người dân các vùng giáp ranh chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên nhận thức còn nhiều hạn chế vì vậy tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm mua bán người và người dân dễ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người (bị dụ dỗ sang làm ăn và bị lừa; việc di cư sang Trung Quốc lao động bất hợp pháp). Nạn nhân mua bán người phần lớn là người ở địa phương khác bị lừa bán; khi khai báo về đối tượng lừa dẫn thường không đủ thông tin, tài liệu để mở rộng điều tra hoặc đề nghị phía Trung Quốc cùng phối hợp điều tra, xác minh. Bên cạnh đó, nhiều nạn nhân giấu nhân thân, nên không xác minh được theo yêu cầu của phía bạn, hết thời hạn phía Trung Quốc đẩy về qua biên giới, gây khó khăn trong tiếp cận, hỗ trợ nạn nhân.

 Hầu hết các nạn nhân bị mua bán có trình độ văn hóa thấp, đời sống kinh tế khó khăn, nạn nhân chủ yếu tại các địa phương trong nội địa, vùng sâu, vùng xa. Khi bị bán ra nước ngoài bất đồng ngôn ngữ, không biết địa chỉ nơi ở nước ngoài; việc xác minh, giải cứu phụ thuộc nhiều vào phía Trung Quốc, thời gian xác minh kéo dài; nhiều trường hợp nạn nhân có thể do mặc cảm, tự ti nên không cung cấp thông tin chính xác cho các lực lượng chức năng.

Trong thời gian tới, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tham mưu, thực hiện tốt Chương trình phối hợp liên ngành số 4018/LN-LĐTBXH-CA-BCHBP ngày 18/11/2021 giữa Sở Lao động - TB&XH, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh về phối hợp trong tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và bàn giao, trao trả nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Chủ động phối hợp cùng các cơ quan liên quan kịp thời nắm tình hình nạn nhân bị mua bán trở về để hỗ trợ.

Tiếp tục lồng ghép tuyên truyền, tập huấn về phòng, chống mua bán người, các chính sách hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trong các hoạt động tuyên truyền, tập huấn của Sở đặc biệt quan tâm đến cộng đồng dân cư vùng biên giới, dân tộc thiểu số và các nhóm có nguy cơ cao. Duy trì hiệu quả hoạt động của 05 Câu lạc bộ phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân thuộc Mô hình “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” tại 05 phường của thành phố Hạ Long./.

Phương Châm