Hoàn thành cơ bản nhiệm vụ, chỉ tiêu điều trị, cai nghiện ma túy giai đoạn 2016-2020 Ngày đăng: 29/03/2021
Thực hiện Quyết định 2596⁄QĐ-TTg ngày 27⁄12⁄2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020, đến nay, công tác phòng, chống ma túy và điều trị, cai nghiện ở nước ta đã thu được nhiều kết quả trên các mặt: nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành; đấu tranh, xử lý tội phạm về ma túy; tổ chức tư vấn, điều trị cai nghiện, giúp đỡ người nghiện hòa nhập cộng đồng...

 

 

 

Hoàn thành chuyển đổi các cơ sở cai nghiện ma túy

Theo báo cáo của các địa phương, trước năm 2016, cả nước có tổng số 145 cơ sở cai nghiện ma túy, trong đó: 123 cơ sở công lập và 22 cơ sở cai nghiện tự nguyện do tư nhân thành lập. Thực hiện chuyển đổi cơ sở cai nghiện ma túy theo Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới, đến nay, cả nước còn 113 cơ sở cai nghiện, trong đó: 97 cơ sở cai nghiện công lập và 16 cơ sở cai nghiện tự nguyện do tư nhân thành lập đang hoạt động (giảm 26 cơ sở cai nghiện công lập do sắp sếp và chuyển đổi chức năng; 6 cơ sở cai nghiện tự nguyện do tư nhân thành lập). Trong số 97 cơ sở cai nghiện công lập có 6 cơ sở chỉ có chức năng cai nghiện ma túy bắt buộc (thành phố Hà Nội: 3 cơ sở; thành phố Hồ Chí Minh: 3 cơ sở); có 71 cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng: bắt buộc, tự nguyện, điều trị thay thế, quản lý người nghiện không có nơi cư trú ổn định và 18 cơ sở điều trị nghiện ma túy tự nguyện và Methadone; 2 cơ sở tiếp nhận người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định.

Sau khi thực hiện chuyển đổi, bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ, các cơ sở cai nghiện ma túy đã cơ bản ổn định và đi vào hoạt động bình thường. Công tác tiếp nhận, phân loại học viên, tư vấn, giáo dục phục hồi hành vi cho học viên được quan tâm. Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực đầu tư nâng cấp, cải tạo bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo cho công tác cai nghiện. Công tác quản lý học viên tại các cơ sở cai nghiện được đổi mới thân thiện, cởi mở giúp cho học viên yên tâm chữa trị, cai nghiện.

Theo thống kê, diện tích nhà trung bình theo quy mô thiết kế là 7,3 m2/học viên, mức bình quân phổ biến là từ 3-5 m2/học viên. Cơ sở cai nghiện của một số tỉnh, thành phố có diện tích sinh hoạt của học viên rộng rãi, thoáng mát như: Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 thành phố Hải Phòng, Cơ sở cai nghiện ma túy số 4, Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 thành phố Hà Nội, Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 thuộc Lực lượng TNXP thành phố Hồ Chí Minh, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Lai Châu, Cao Bằng, Ninh Bình... Trong khi đó, một số tỉnh, thành phố có cơ sở cai nghiện diện tích chỉ được 3 m2/học viên như: Tuyên Quang, Đồng Nai, Tiền Giang, Cà Mau... Thực tế, tại một số thời điểm, do số lượng học viên cai nghiện bắt buộc lớn, diện tích nhà ở bình quân là 1m2/học viên. Đặc biệt, cơ sở cai nghiện tại một số địa phương đã đưa vào hoạt động lâu năm nay đã xuống cấp, thiếu trang thiết bị phục vụ công tác cai nghiện ma túy. Thậm chí một số tỉnh, thành phố thực hiện ghép các đối tượng tâm thần vào cơ sở cai nghiện như: Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Giai đoạn 2016 – 2020, Chính phủ đã bố trí vốn đầu tư công trung hạn để sửa chữa, nâng cấp cho 23 cơ sở cai nghiện ma túy với kinh phí 360,078 tỷ đồng; các địa phương đã huy động nguồn lực tại chỗ để đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp các cơ sở cai nghiện ma túy đáp ứng nhiệm vụ được giao.

Hiện nay, tổng số người làm việc trong các cơ sở cai nghiện công lập là 6.583 người. Trong đó, trình độ sau đại học: 177 người; đại học: 3.280 người; cao đẳng: 659 người; trung cấp, sơ cấp: 1.613 người; chưa qua đào tạo: 844 người. Về chuyên môn đào tạo: y dược: 985 người; công tác xã hội: 845 người; luật: 603 người; sư phạm: 400 người; ngành khác: 3.463 người.

Bộ LĐTBXH đã phối hợp với các tổ chức quốc tế như UNODC, The Colombo Plan, CDC, SAMHSA, FHI360... đào tạo giảng viên nguồn cấp quốc gia cho hơn 100 người. Đồng thời, ban hành Thông tư số 04/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/4/2016 quy định khung chương trình đào tạo về tư vấn, điều trị nghiện ma túy và bộ tài liệu về tư vấn điều trị nghiện cho cán bộ quản lý, cán bộ trực tiếp làm công tác cai nghiện.

Công tác cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện luôn được các cấp chính quyền quan tâm, chỉ đạo thực hiện từ Trung ương đến địa phương. Trong giai đoạn 2016-2020, cả nước đã tổ chức cai nghiện cho 172.963 lượt người tại cơ sở cai nghiện.

Tư vấn cho học viên tại CSCNMT Lâm Đồng

Nhiều mô hình thí điểm điều trị nghiện đạt kết quả

Trong giai đoạn 2016-2020, thực hiện chủ trương đa dạng hóa công tác cai nghiện theo Đề án đổi mới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai thí điểm các mô hình điều trị, cai nghiện và đã mang lại nhiều kết quả khả quan.

Đầu tiên phải kể đến mô hình điều trị, cai nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc đông y do Việt Nam sản xuất như: Cedemex, Bông Sen, Heantos… Đánh giá kết quả ban đầu thí điểm điều trị bằng thuốc Cedemex tại Thái Nguyên, Hưng Yên…, với thời gian điều trị 6 tháng, tỷ lệ không sử dụng lại ma túy là 38% và sau thời gian 1 năm tỷ lệ là 27%. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các địa phương tiến hành tổng kết đánh giá và báo cáo Chính phủ hỗ trợ kinh phí để triển khai nhân rộng tại cơ sở cai nghiện và cộng đồng.

Tiếp đó, mô hình hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, mô hình “tiền xét xử” liên quan đến “Tòa ma túy”… đã tạo điều kiện kết nối người nghiện ma túy tham gia các dịch vụ ngay tại cộng đồng như: tư vấn tâm lý, dạy nghề, tạo việc làm, điều trị cắt cơn và điều trị HIV…

Mô hình Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng đã triển khai có hiệu quả tại nhiều tỉnh, thành phố như Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa...

Trong giai đoạn 2016-2020, cả nước thành lập và đang hoạt động 4.450 điểm tư vấn, chăm sóc hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng với địa điểm chủ yếu được đặt tại trạm y tế xã, phường với hơn 8.500 lượt cán bộ tham gia và tổ chức tư vấn cho 103.022 lượt người nghiện. Việc triển khai các mô hình thí  điểm đã mang lại nhiều cách tiếp cận mới trong công tác điều trị cai nghiện ma túy. Tuy nhiên, để nhân rộng các mô hình này cần phải có chính sách và nguồn lực phù hợp.

Giai đoạn 2021-2025, Bộ LĐTBXH sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai thí điểm mô hình về dự phòng nghiện ma túy (dự phòng nghiện ma túy trong trường học; dự phòng nghiện ma túy trong doanh nghiệp cho nhóm người có nguy cơ cao; dự phòng nghiện ma túy tại cộng đồng) nhằm nâng cao hiệu quả công tác điều trị, cai nghiện, giúp cho người nghiện có cơ hội hòa nhập cộng đồng./.

Như Ngọc