Tình trạng mua bán người ở các tỉnh biên giới vẫn còn diễn biến phức tạp Ngày đăng: 28/12/2020
Mấy năm gần đây, tình hình mua bán người đang có chiều hướng phức tạp, đặc biệt là nạn mua bán phụ nữ và trẻ em đang là một hiện tượng nhức nhối hiện nay. Tình trạng này không chỉ xâm hại đến quyền con người, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần, tính mạng của nạn nhân mà còn tác động xấu đến đạo đức, giống nòi, lối sống, thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh, trật tự của đất nước.

       Lợi dụng nhận thức của bà con còn nhiều hạn chế, ở không ít bản làng vùng cao Tây Bắc, các đối tượng tội phạm đã dùng nhiều thủ đoạn để lừa bán phụ nữ, trẻ em sang bên kia biên giới. Thế nhưng, công tác điều tra, khởi tố  đưa ra xét xử nghiêm minh để răn đe xem ra chưa được như mong đợi.

Với những gì mà em Chẻo Mý Hin phải trải qua trong nhiều năm tháng đau khổ ở Trung Quốc có lẽ cả cuộc đời em cũng không thể quên được. Mọi chuyện bắt đầu khi người bác ruột ở cùng bản gọi em qua nhà và rủ em sang Trung Quốc chơi, thăm chị họ. Tin tưởng bác ruột, Hin theo hai người con của bác là Tẩn A Thiên và Tẩn Phấy Phấu đi trong đêm 01/02/2008. Sau nhiều giờ di chuyển bằng xe máy, đến bến xe cũ Lai Châu, em bị Tẩn A Thiên bỏ lại cùng Tẩn Phấy Phấu để sáng hôm sau di chuyển bằng xe khách lên cửa khẩu Lào Cai gặp người con gái của bác ruột là Tẩn Pà Mấy lấy chồng bên Trung Quốc đã chờ sẵn. Đến đây, em bị tách khỏi Tẩn Phấy Phấu và nhận ra mình đã bị lừa đưa sang phía bên kia biên giới theo đường sông. Ở bên kia con sông, trên đất khách quê người, em phải sống chuỗi ngày kinh hoàng khi bị chính anh rể người Trung Quốc nhốt trong nhà và xâm hại tình dục nhiều lần. Và sau đó, Tẩn Pà Mấy đã bán em cho một người đàn ông Trung Quốc tật nguyền với giá 3 vạn tiền Trung Quốc (tương ứng với 100 triệu đồng tiền Việt Nam). Ở tuổi 14, Hin đã phải chịu biết bao tủi cực trong cuộc hôn nhân cưỡng ép.

Chẻo Mý Hin nhớ lại: “Họ đưa em sang đấy bán em cho một người đàn ông Trung Quốc làm vợ. Nếu không chịu nghe theo thì họ không cho ăn cơm và bị đánh đập dọa giết. Nhiều năm đầu làm vợ, em bị nhốt trong nhà chỉ để sinh con và nấu ăn phục vụ nhà chồng. Một bước chân của em cũng bị họ theo dõi. Tiếng thì không biết, tiền không có. Nhiều lần em cố tìm cách trốn đi nhưng đều không thành. Có những lúc em chỉ nghĩ đến cái chết để không phải sống trong cảnh “ngục tù” nhưng rồi nghĩ đến đứa con nhỏ mang hai dòng máu, nghĩ đến bố mẹ nơi quê nhà, em lại cố sống hy vọng trốn thoát trở về”.

Tình trạng bắt cóc, chiếm đoạt phụ nữ, trẻ em đưa sang Trung Quốc cũng diễn biến phức tạp ở các tỉnh biên giới phía Bắc như Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái... Đặc biệt, thời gian gần đây, phát hiện một số phụ nữ dân tộc Mông ở Điện Biên sang Trung Quốc lấy chồng trở về móc nối với một số đối tượng là người dân tộc Mông ở Lai Châu, Điện Biên, Thanh Hóa. Lợi dụng quan hệ thân tộc vượt biên sang Hủa Phăn, Phong Sa Lỳ... (Lào) để lừa phụ nữ Mông (Lào) đưa sang Trung Quốc bán vào các động mại dâm hoặc hôn nhân trái phép

Chị Chang Thị Sàng, ở xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái cho biết, chị bị đối tượng Lý A Dì, sinh năm 1997, trú tại bản Trống Páo Sang, xã La Pán Tẩn cũng thuộc Mù Cang Chải lừa bán ra nước ngoài. Vốn có vẻ ngoài trắng trẻo, thư sinh, lại khéo ăn nói, nên Dì dễ dàng làm quen và kết bạn với những cô gái ở các vùng lân cận, trong đó có Sàng. Sau đó hứa hẹn yêu đương, rủ đi chơi xa, Dì đã bán Sàng cho người nước ngoài. May mắn, chị Sàng đã trốn thoát khỏi đường dây mua bán người của đối tượng Lý A Dì.

Chị Sàng nói: Được Dì làm quen và rủ đi chơi, tôi đã đồng ý. Khi đi qua cửa khẩu Lào Cai thì gặp 2 vợ chồng người Trung Quốc, Dì bảo tôi chờ ở đây để đi vay tiền đi chơi tiếp, sau khi Dì đi rồi 2 người này mới nói rằng tôi đã bị bán cho họ. Ở đây được một thời gian tôi may mắn trốn thoát được nên đã tố cáo đến cơ quan chức năng.

Trung bình mỗi năm, các lực lượng chức năng phát hiện hàng trăm vụ mua bán người với hàng trăm nạn nhân. Trong đó, số vụ án mua bán người ra nước ngoài chiếm khoảng 80%. Các đối tượng thường lợi dụng trình độ của bà con vùng cao còn nhiều hạn chế, đời sống vật chất và tinh thần còn nhiều khó khăn, rồi sử dụng chiêu thức, thủ đoạn là làm quen, kết bạn qua mạng xã hội, hay trực tiếp đến nơi để tiếp cận nạn nhân, tạo sự tin tưởng; hứa hẹn đưa sang bên Trung Quốc lấy chồng sẽ có cuộc sống khấm khá hơn so với ở nhà làm nương… Sau đó, chúng thiết lập đường dây buôn người. Tình trạng này vẫn có chiều hướng gia tăng ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như con số mà bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thông tin: Tình trạng mua bán phụ nữ và trẻ em diễn ra rất phức tạp, 80% nạn nhân của những vụ mua bán phụ nữ và trẻ em là người dân tộc thiểu số. Và họ là nạn nhân của những vụ mua bán người, mua bán bào thai, đẻ thuê, cưỡng ép hôn nhân, nô lệ tình dục.

Theo ông Nguyễn Văn Tráng, đại diện Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, cùng với sự quyết liệt của lực lượng công an, các ngành chức năng, chính quyền địa phương cũng cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền nâng cao hiểu biết của người dân trước những chiêu thức của các đối tượng xấu để bảo vệ gia đình và bảo vệ chính mình. Song song với đó là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng cao để không có kẽ hở cho những kẻ buôn người lợi dụng./.

Quốc Tuấn