Nhiều hoạt động tuyên truyền phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân trong các cấp hội phụ nữ Ngày đăng: 25/12/2020
Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã phát huy thế mạnh trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống mua bán người với cách tiếp cận truyền thông đa dạng, phối hợp nhiều hình thức tổ chức như các phiên chợ truyền thông, phiên tòa giả định, triển lãm, các hoạt động giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm giữa các huyện hai bên biên giới và chủ động can thiệp, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về có việc làm tăng thu nhập, để có cuộc sống ổn định.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Câu lạc bộ phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em thôn Đại Thượng, xã Đại Đồng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh diễn vở kịch ngắn “Lật tẩy những màn kịch lừa bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới”. Vở kịch được đông đảo người dân trong xã ủng hộ và hưởng ứng. 3 tháng 1 lần sinh hoạt nhưng vào tất cả những ngày kễ, kỉ niệm đặc biệt, câu lạc bộ Phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em đều cho ra mắt những tiết mục đặc sắc và độc đáo như thế này.

Chị Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đại Đồng cho biết: những hoạt động thường xuyên như thế này dễ dàng truyền tải thông điệp tới người dân hơn cách đọc tài liệu qua loa phát thanh xã trước đây. Bằng chứng rõ nét nhất là 12 năm nay, từ đơn vị đứng đầu miền Bắc có nhiều chị em phụ nữ bị bán sang Trung Quốc, xã đã phấn đấu không còn trường hợp nào xảy ra hiện nay.

Tại huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện, xã thường kết hợp tổ chức tuyên truyền vào các ngày chợ phiên. Đây là nơi giao lưu gặp gỡ của đông đảo bà con dân tộc. Tuyên truyền kết hợp với diễn văn nghệ, các tiểu phẩm có nội dung phong phú, sát thực tế và diễn bằng tiếng dân tộc nên đã thu hút đông đảo chị em quan tâm, lắng nghe. Qua những chương trình này, chị em phụ nữ hiểu rõ hơn những âm mưu, thủ đoạn của những kẻ buôn bán người.

Ngoài hoạt động truyền thông tại chợ Phiên, Hội Phụ nữ tỉnh còn xây dựng các chương trình phối hợp với bộ đội biên phòng, công an huyện, huyện đoàn tổ chức truyền thông tại các nhà trường. Các phiên tòa giả định được tổ chức ở nhiều cụm dân bản, người dân tham dự được nghe chính những kẻ buôn bán người kể về những thủ đoạn của chúng khi lừa bán phụ nữ sang biên giới, những gì phụ nữ phải chịu khi bị bán sang nước bạn… Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp cũng tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, cảnh giác cho chị em phụ nữ thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt CLB, sinh hoạt chi/tổ hội viên, đặc biệt là phụ nữ các địa phương gần biên giới, tránh việc vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê để bị lừa bán; chủ động trong việc đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em; vận động người thân trong gia đình, quần chúng nhân dân mạnh dạn đấu tranh, tố giác tội phạm mua, bán người...  Bà Trần Thị Yến Nga, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Giang mong muốn, những chương trình thực tế này sẽ giúp người dân đặc biệt là phụ nữ và trẻ em thêm cảnh giác trước các thủ đoạn buôn bán người:

Tại tỉnh Nghệ An, cán bộ Hội phụ nữ phối hợp với đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, nông dân lực lượng công an tham gia tập huấn, cập nhật những thủ đoạn mới của bọn buôn người. Để rồi từ đó, lực lượng nòng cốt này sẽ tỏa xuống các nhà dân, trò chuyện với từng người.

Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về phục hồi và hòa nhập cộng đồng

Được thành lập từ năm 2007, mô hình Ngôi nhà Bình yên (Thuộc Trung tâm Phụ nữ và phát triển) đã cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân toàn diện và tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả, là điểm sáng về bảo vệ và hỗ trợ phụ nữ và trẻ em.

So với các cơ sở hỗ trợ nạn nhân khác, Ngôi nhà bình yên là cơ sở dành riêng cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực trên cơ sở Giới với đội ngũ quản lý và nhân viên xã hội đều là phụ nữ. Điều này cho phép việc tiếp cận và cung cấp các dịch vụ, đặc biệt trong tư vấn tâm lý, hỗ trợ mọi mặt cho phụ nữ, trẻ em được thuận lợi và hiệu quả. Điểm khác biệt là nạn nhân không phải ở cùng các nhóm đối tượng như các Trung tâm bảo trợ xã hội khác, người tạm trú của Ngôi nhà bình yên được hỗ trợ trong môi trường chỉ có những người cùng hoàn cảnh, cùng chung các vấn đề tâm lý và thiếu chung một số kỹ năng là một lợi thế và là điều kiện rất quan trọng đảm bảo sự an toàn, tránh bị kỳ thị và sự tự ti, tăng cường khả năng tự chủ, chia sẻ, hòa nhập và phục hồi của họ.

Các hỗ trợ tại Ngôi nhà bình yên được thực hiện theo nguyên tắc linh hoạt, trên cơ sở kết quả phân tích tình trạng, khả năng và nhu cầu của từng cá nhân, lấy người tạm trú là trung tâm tuân thủ phương pháp tiếp cận dựa trên quyền; qua đó, sự hỗ trợ của Ngôi nhà bình yên đã đến được với mỗi cá nhân một cách phù hợp, đáp ứng đúng nhu cầu của các cá nhân với các dịch vụ hỗ trợ toàn diện, bao gồm: nơi ăn, ở an toàn; khám và điều trị, phục hồi sức khỏe thể chất; tư vấn ổn định, phục hồi sức khỏe tâm thần; tư vấn, hỗ trợ pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích; hỗ trợ văn hóa và học nghề, giới thiệu việc làm; hướng dẫn, tập huấn kỹ năng sống; hỗ trợ và theo dõi hồi gia trong vòng 24 tháng. Nạn nhân bị mua bán có thể tạm trú trong Ngôi nhà bình yên trong vòng 6 tháng và có thể được gia hạn hỗ trợ nếu các điều kiện hồi gia chưa được đảm bảo. Ngoài ra, hỗ trợ cả con của nạn nhân phải đi theo mẹ, đặc biệt về tâm lý và giáo dục.

Việc tiếp tục theo dõi trong quá trình hồi gia với thời gian 24 tháng còn là một điểm mạnh rất quan trọng của Ngôi nhà bình yên so với các cơ sở hỗ trợ nạn nhân khác. Với sự hỗ trợ liên tục này, phụ nữ được tiếp tục trợ giúp cả khi đã trở về cộng đồng và do vậy họ được tái hòa nhập an toàn và bền vững./.

Xuân Bính