TP. Hồ Chí Minh thực hiện đa dạng hóa chương trình phòng, chống mại dâm Ngày đăng: 04/08/2020
Triển khai thực hiện Quyết định số 361⁄QĐ-TTg ngày 07 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 – 2020, trong 5 năm qua, các cấp, ngành và địa phương trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện đa dạng hóa chương trình phòng, chống mại dâm và đã thu những những kết quả tích cực.

 

 

 

Tập trung công tác phòng ngừa

Theo ông Trần Ngọc Du, Chi cục trưởng Chi cục PCTNXH thành phố Hồ Chí Minh, nhiều năm qua, công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn thành phố đã đạt những kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào việc ổn định và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Theo số liệu thống kê, toàn thành phố hiện có 9.018 cơ sở kinh doanh dịch vụ (trong đó: 5.512 cơ sở lưu trú; 2.107 cơ sở nhà hàng, cơ sở karaoke, cơ sở massage, spa; 31 cơ sở vũ trường, quán bar, công ty giải trí; 1.368 cơ sở kinh doanh dịch vụ khác), trong đó, có 8.512/9.018 cơ sở đã cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống mại dâm, chiếm tỷ lệ 94,38%.

Để triển khai cụ thể hóa Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 – 2020 và kế hoạch của thành phố, hàng năm, Sở LĐ-TBXH đã tham mưu với UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch, biện pháp về phòng, chống mại dâm, đồng thời chủ trì và phối hợp với các Sở, ban ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể xã hội từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã, thị trấn triển khai thực hiện với mục tiêu phòng ngừa, kiểm soát đẩy lùi tệ nạn mại dâm; dự phòng lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục nhằm giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm đối với đời sống xã hội. Việc kéo giảm tệ nạn mại dâm góp phần làm giảm sự lây nhiễn HIV/AIDS, các bệnh xã hội khác trong cộng đồng, hạn chế tình hình tội phạm và một số tệ nạn xã hội khác.

Với phương châm lấy "phòng ngừa là chính", trong 5 năm qua, thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật của nhà nước về phòng, chống tệ nạn mại dâm trong cộng đồng dân cư. Nhiều quận, huyện trên địa bàn đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, hoạt động mại dâm đã giảm thiểu đáng kể. Cụ thể, đã tổ chức 24.669 buổi tuyên truyền với 1.687.446 lượt người tham dự; xây dựng và phổ biến 1.146.334 tài liệu tuyên truyền, tờ rơi, bảng tin, tờ bướm và khẩu hiệu, panô, áp phích cổ động trực quan; 10.140 lượt phát thanh về phòng, chống mại dâm trên địa bàn.

Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền kết hợp với đấu tranh, triệt phá đường dây, tổ chức, các tụ điểm hoạt động mại dâm, UBND thành phố cũng chỉ đạo triển khai thực hiện các mô hình thí điểm hỗ trợ xã hội đối với người bán dâm tại cộng đồng dưới nhiều hình thức khác nhau như: tiếp cận trực tiếp, tiếp cận qua các ứng dụng điện thoại, mạng xã hội... Kết quả, giai đoạn 2016 - 2020, đã tiếp cận 287.604 lượt người có nguy cơ cao và phụ nữ bán dâm (đạt 80% tỉ lệ phụ nữ bán dâm, 70% người quan hệ đồng giới nam có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận chương trình phòng, chống HIV/AIDS), cấp phát 12.833.466 bao cao su, 11.829.859 bơm kim tiêm (khống chế tỉ lệ nhiễm HIV/AIDS trong nhóm phụ nữ bán dâm ở mức 5%), 2.170.607 người sử dụng dịch vụ tư vấn, xét nghiệm tại các điểm tư vấn tự nguyện nhằm phát hiện sớm và điều trị HIV, các bệnh lây qua đường tình dục khác.

Mại dâm đồng tính nam núp bóng tiệm spa tại TP. Hồ Chí Minh bị lực lượng chức năng triệt phá

Hỗ trợ người bán dâm hoàn lương

Đặc biệt, thành phố triển khai xây dựng thí điểm 3 mô hình tư vấn, can thiệp, giảm hại nhằm hỗ trợ cho phụ nữ có nhu cầu hoàn lương trên địa bàn, cụ thể: mô hình "Hỗ trợ hỗ trợ, can thiệp giảm hại đối với nữ lao động đang làm việc tại cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm" được triển khai tại tuyến đường Bùi Viện, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1; mô hình "Hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm" được triển khai tại phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân và mô hình: "Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội đối với người bán dâm trên địa bàn thành phố".

Bên cạnh đó, phối hợp cùng với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã xây dựng 258 Câu lạc bộ, đội nhóm như: Câu lạc bộ "Phụ nữ vươn lên", "Lá chắn", Phụ nữ xa quê", "Nữ chủ nhà trọ"... tập hợp hơn 3.885 phụ nữ tham gia. Thông qua các buổi sinh hoạt đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi giúp các đối tượng vững vàng vươn lên mưu sinh lập nghiệp bằng chính khả năng lao động của mình. Bên cạnh đó, thành phố cũng tiến hành tư vấn, trợ giúp pháp lý cho 1.008 lượt người; hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe cho 45.122 lượt người; hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm cho 560 người; hỗ trợ vốn kinh doanh mua bán nhỏ cho 520 lượt người.

Các chương trình, mô hình, hoạt động can thiệp giảm hại đã góp phần ngăn ngừa tệ nạn mại dâm đối với nhóm người bán dâm hoàn lương, đồng thời phòng ngừa tệ nạn mại dâm với nhóm người có nguy cơ cao và cung cấp thêm kiến thức về chăm sóc sức khỏe, phòng chống bạo lực giới.

Ông Du cho biết thêm, nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn, giai đoạn 2021 – 2025, thành phố đề ra mục tiêu phấn đấu 100% phường, xã, thị trấn tổ chức triển khai chương trình phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn, thông qua các hoạt động thông tin, truyền thông bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong công tác phòng, chống mại dâm, giảm sự kỳ thị và phân biệt đối với người bán dâm;

Đồng thời, tiếp tục đấu tranh triệt phá các đường dây, ổ nhóm hoạt động mại dâm và xử lý nghiêm 100% vụ việc vi phạm được phát hiện và nhân rộng, nâng cao hiệu quả của các mô hình thí điểm về công tác hỗ trợ giúp đỡ người bán dâm hòa nhập cộng đồng, người bán dâm và người có nguy cơ cao tham gia mô hình được cung cấp các dịch vụ về tư vấn pháp lý, chăm sóc tâm lý - sức khỏe, phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS, dạy văn hóa, dạy nghề, giải quyết việc làm và hỗ trợ vay vốn gắn với các chương trình an sinh xã hội của địa phương, giúp cho họ ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng bền vững./.

Ng. Trực