Khó khăn trong công tác cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng Ngày đăng: 08/07/2020
Tính đến hết 30⁄4⁄2020, cả nước có 97 CSCNMT công lập với tổng số học viên đang được quản lý là 34.982 người; và 16 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện do tổ chức, cá nhân thành lập và được cấp giấp phép hoạt động, đã điều trị cho 1.103 người. Số người đang được cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện tự nguyện là 746 người. Có 13⁄63 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, trong 5 tháng đầu năm 2020 đã cai nghiện cho 1.711 người.

 

 

Được “cứu” bởi vòng tay cộng đồng

Nguyễn Thế D. (thôn Phú Hào, xã Nam Thái, Nam Trực, Nam Định) là một trong số ít những người cai nghiện thành công. Đã một thời, ba anh em D. ra đất cảng Hải Phòng làm ăn, rồi “làm mưa làm gió” và mắc nghiện. Hơn chục năm nghiện ma túy đã khiến đại gia đình của D. lâm vào kiệt quệ. Em út của D. chết vì sốc thuốc. D. cùng em trai là Nguyễn Văn H. bị “ném” trở lại quê. Năm 2009, H. cũng mất vì ma túy, chỉ còn D. quằn quại, phá phách.

Khi ấy, ông Nguyễn Trung Kiên, đang trông coi chùa Đông Linh Tự (thôn Phú Hào) thấy D. khổ sở, ông rất thương. Một lần ông nói chuyện, D. bảo mình đã tự “đặt vé” cho mình trên “chuyến tàu về bên kia thế giới”. Ông Kiên nghĩ, cứu một mạng người bằng xây bảy ngôi chùa. Sau vài lần trò chuyện, ông thấy mầm thiện ở D. vẫn còn. Một lần D. lê la ở cổng chùa, ông gọi vào nói chuyện. D. nói: “Con chẳng còn gì bố ạ. Nên chết đi cho đỡ nhục”. Ông Kiên đã đưa tay ra nắm lấy bàn tay gầy guộc của D. mà động viên. Rồi cũng chính ông Kiên đã động viên người làng giúp đỡ, đưa D. ra ở chùa để ông đích thân giúp D. cai nghiện. Đó là một hành trình vô cùng gian nan. Nhưng D. đã vâng theo người lành. Ở nơi cửa Phật, ông Kiên dần dà làm cho “máu” nghiện ngập hơn chục năm trong người D. nguôi dần. Sau bốn tháng D. đã cắt nghiện. Ông Kiên nghĩ nếu D. sẽ thay đổi hẳn nếu có vợ con. Trong lúc “bí”, ông gọi cô con gái của mình đang làm công nhân ở Bình Dương về gả cho D., rồi cắt cho 7 sào ruộng để đôi vợ chồng cày cấy, có cái làm cái ăn, ổn định cuộc sống. Ba năm nay, D. đưa vợ trở ra Hải Phòng mở hàng ăn, kinh doanh phát đạt, giúp đỡ nhiều người khác có việc làm.

Một trường hợp khác được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, gia đình và cộng đồng đã cai nghiện, trở thành người tốt, đó là anh Nguyễn Văn S. (sinh năm 1989, ở thôn Eo Rú, xã Hoa Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình). Hiện S. đang dạy phụ đạo môn toán cho nhiều học sinh địa phương chuẩn bị thi đại học. Lớp học của S. là mô hình dạy phụ đạo học sinh khá tốt của Công an Quảng Bình.

Là con thứ 3 trong một gia đình có năm anh chị em, từ nhỏ S.  đã học rất khá và đã thi đỗ vào ngành xây dựng dân dụng của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Ba năm đầu, anh luôn là sinh viên giành được học bổng của trường. Nhưng rồi anh bị lôi kéo bởi nhiều bạn xấu ở quê nhà, nên mắc nghiện, bỏ học. Gia đình đưa S. đi cai nghiện đến cả tám chín lần nhưng cứ về được một thời gian lại tái nghiện. Sau cùng S.  được gia đình cho cai nghiện ở nhà. Gia đình và người thân cam tâm chịu khổ để mong một ngày S.  đoạn tuyệt với ma túy. Sau đằng đẵng ba tháng trời, S.  đã thành công. Từ đó S. dạy phụ đạo cho hai em hàng xóm. Thấy có hiệu quả nên nhiều em đã đến nhờ anh dạy kiến thức. Rồi cũng một học trò xinh xắn đem lòng yêu S.. Một đám cưới giản dị, ấm cúng diễn ra. Bây giờ S. đã có một công việc bình dị, một gia đình hạnh phúc và đoạn tuyệt hẳn với sự quyến rũ của ma túy.

Cán bộ y tế phường Phương Sơn (Nha Trang) tư vấn cho người nghiện

Còn nhiều vướng mắc, rào cản

Anh D., anh S. chỉ là hai trong hàng trăm người nghiện đã được cộng đồng, gia đình giúp đỡ, cai nghiện thành công. Song không phải ai cũng được may mắn như thế, đó vẫn là con số quá nhỏ so với con số thực tế người mắc nghiện. Đáng báo động tình hình người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy ngày càng phổ biến; việc sử dụng ma túy tổng hợp và các chất hướng thần gây rối loạn tâm thần “ngáo đá” dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật và gây ra các vụ án giết người vô cớ gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân.

Theo báo cáo của Bộ Công an, tính đến tháng 12/2019, cả nước có 235.314 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, chưa kể số người không được công khai trong cộng đồng. Điều đáng nói, trong khi người nghiện ma túy ngày càng gia tăng (tăng hơn 10.000 người/năm) và có xu hướng trẻ hóa thì công tác cai nghiện hiện nay vẫn gặp vô vàn khó khăn. Việc tổ chức cai nghiện ở gia đình, cộng đồng cũng thiếu về nguồn lực, yếu về con người và chưa có nhiều cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại cộng đồng.

Đại diện lãnh đạo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết, việc tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng rất khó có hiệu quả, bởi về nguyên tắc, cai nghiện là việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ về tâm lý, xã hội, y tế mang tính chuyên môn kỹ thuật và ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người, do vậy, phải do các cơ quan chuyên môn bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn thực hiện. Trong khi UBND cấp xã là cơ quan hành chính, không phải là đơn vị cung cấp dịch vụ. Các dịch vụ hỗ trợ không thuộc UBND cấp xã quản lý nên việc huy động để hỗ trợ người cai nghiện rất khó khăn. Thêm nữa, nguồn lực ở nhiều xã, phường không bảo đảm cho việc tổ chức cai nghiện...

Bên cạnh đó, hiện nay, chính sách, pháp luật liên quan công tác cai nghiện còn bất cập như: Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính có sự mâu thuẫn với nhau. Cụ thể Luật Phòng, chống ma tuý quy định việc đưa người nghiện ma tuý vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quyết định của chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Tuy nhiên, theo Điều 105 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thẩm quyền áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma tuý bắt buộc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện.

Ngoài ra, tại Khoản 1 điều 29, Luật Phòng, chống ma túy, quy định người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định thì được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có phân khu dành riêng cho họ để được hỗ trợ tư vấn, giáo dục, phục hồi sức khỏe, hành vi và nhân cách. Việc đưa người chưa thành niên đi cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy không bị coi là biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, theo Khoản 1 điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính, quy định việc đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người nghiện từ 18 tuổi trở lên, không có quy định áp dụng với người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Trong khi đây là đối tượng dễ bị lôi kéo sử dụng trái phép chất ma túy và nghiện ma túy nên cần được quan tâm hơn, giúp đỡ các em từ bỏ ma túy, làm lại cuộc đời và trở thành người công dân có ích cho xã hội. Đây là biện pháp tạm cách ly xã hội để bảo vệ, chăm sóc trẻ em theo quy định tại Điều 29 và Điều 66 của Luật Trẻ em năm 2016.

Thêm nữa, việc xác định người nghiện ma túy là một trong các nội dung khó khăn nhất trong tổ chức thực hiện áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc. Các quy định của pháp luật hiện hành về xác định nghiện ma túy không khả thi ở cả góc độ đối tượng, thẩm quyền, điều kiện để xác định, tiêu chuẩn chẩn đoán và quy trình xác định nghiện.

Vì vậy, theo Lãnh đạo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, cần rà soát, sửa đổi để hoàn thiện đồng bộ giữa Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Phòng, chống HIV/AIDS) bảo đảm phù hợp với thực tế và các quy định pháp luật khác có liên quan. Từ đó xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tiếp nhận người nghiện ma túy, người sau cai nghiện vào làm việc./.

Ng.Trực