Tăng cường phòng, chống mại dâm khu vực biên giới Ngày đăng: 24/06/2020
Trong những năm qua, trên các tuyến biên giới, vùng biển, hoạt động mại dâm vẫn diễn ra kín đáo, thủ đoạn tinh vi, hình thức tổ chức nhỏ lẻ, chủ yếu ở các khu vực có hoạt động du lịch, thương mại, dịch vụ vui chơi, giải trí… và thường có liên quan đến địa bàn ngoại biên tiếp giáp với Việt Nam. Trọng điểm là khu vực biên giới, vùng biển các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Bà Rịa- Vũng Tàu… và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Trước tình hình trên, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đầu mối trực thuộc triển khai đồng bộ các biện pháp nắm chắc tình hình địa bàn, quản lý chặt chẽ các loại đối tượng liên quan đến mại dâm, mua bán người vì mục đích mại dâm; các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện; đặc biệt, chỉ đạo Bộ đội biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát biên giới, tập trung điều tra sâu các tuyến, địa bàn, tụ điểm phức tạp về tội phạm và tệ nạn xã hội ở nội, ngoại biên; kịp thời phát hiện đấu tranh hiệu quả, triệt phá các tụ điểm, đường dây, tổ chức hoạt động mại dâm, mua bán người vì mục đích mại dâm. Từ năm 2016-2020, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị Bộ đội biên phòng xây dựng và triển khai 212 kế hoạch nghiệp vụ, xác lập và đấu tranh thắng lợi 74 chuyên án về mua bán người; môi giới, tổ chức hoạt động mại dâm, xuất nhập cảnh trái phép liên quan đến hoạt động mại dâm.

Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và tệ nạn xã hội Bộ Quốc phòng đã bám sát các nội dung hoạt động của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm hàng năm để xây dựng kế hoạch, hướng dẫn Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và tệ nạn xã hội cấp trực thuộc Bộ, triển khai các hoạt động tuyên truyền về chủ trương, chính sách phòng, chống mại dâm, HIV/AIDS, ma túy và mua bán người. Chỉ đạo các đơn vị toàn quân tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, ban ngành đoàn thể, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, tập trung công tác phòng, chống mại dâm, HIV/AIDS, ma túy và mua bán người. Đáng chú ý, từ năm 2016-2019, lực lượng Bộ đội biên phòng đã tuyên truyền được 12.635 cuộc với 315.875 người dân khu vực biên giới tham gia, từ đó, nâng cao nhận thức cảnh giác của nhân dân trong phòng, chống mại dâm, HIV/AIDS, ma túy và mua bán người.

Các đơn vị Quân đội đã phối hợp với cơ quan truyền thông tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng 550 phóng sự, trên 3.500 tin, bài liên quan đến phòng, chống mại dâm, HIV/AIDS, ma túy và mua bán người; in ấn, phát hành trên 3.000 tờ rơi, áp phích, băng đĩa hình tuyên truyền về phòng, chống mua bán người; lực lượng Bộ đội biên phòng đã phối hợp với Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) thiết kế, in 230 pa nô tuyên truyền Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em, phòng, chống mua bán người (Tổng đài 111).

Thông qua các hoạt động tuyên truyền trong Quân đội đã góp phần hướng dư luận xã hội vào việc tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh trật tự ngày càng được củng cố và phát triển sâu rộng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động; quần chúng nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội, xây dựng địa bàn lành mạnh.

TM