Tuyên Quang: Giúp người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng Ngày đăng: 22/05/2020
Công tác phòng, chống ma túy và quản lý, điều trị cho người nghiện ma túy trong thời gian vừa qua đã được tỉnh Tuyên Quang quan tâm thực hiện. Việc điều trị, tổ chức cai nghiện ma túy gắn với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai đã góp phần giảm tình trạng tái nghiện, giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng.

Hiện nay, tỉnh có 1 cơ sở cai nghiện ma túy được thành lập (năm 2014). Cơ sở cai nghiện tỉnh đã tiếp nhận, quản lý, điều trị cai nghiện cho 361 người nghiện ma túy, trong đó tiếp nhận 141 người đang cai nghiện theo quy trình 3 giai đoạn của tỉnh; 23 người cai nghiện tự nguyện, 197 người cai nghiện bắt buộc. Ngoài việc điều trị, cai nghiện, cơ sở còn phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề cho học viên cai nghiện ma túy để tăng cơ hội có việc làm sau khi hoàn thành cai nghiện tại cơ sở.

Anh Nguyễn Văn Đồng, xã Phúc Ứng (Sơn Dương) từng cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện tỉnh cho biết, năm 2019 anh được tham gia lớp dạy nghề hàn tại Cơ sở cai nghiện tỉnh. Nhờ thế, hoàn thành cai nghiện anh có thêm nghề mới và có dự định xin đi làm việc tại các xưởng sản xuất nhôm kính ở địa phương. Việc mở lớp dạy nghề cho học viên cai nghiện là hoạt động rất ý nghĩa giúp các học viên có thêm nghề mới để làm lại cuộc đời sau khi hoàn thành cai nghiện trở về với cuộc sống cộng đồng.

Hiện nay, tại những xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có người nghiện ma túy đã thành lập các Tổ công tác cai nghiện tại các xã, phường, thị trấn. 100% các trường hợp sau khi hoàn thành cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện được Ban Chỉ đạo cấp huyện, thành phố bàn giao cho Ban Chỉ đạo cấp xã quản lý, theo dõi, giúp đỡ từng cá nhân người nghiện.

Đồng chí Ma Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Hùng Lợi (Yên Sơn) chia sẻ: "Để hỗ trợ các đối tượng sau cai nghiện hòa nhập với cộng đồng, xã đã tạo điều kiện để người sau cai được tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi, ưu tiên vay vốn phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, các tổ chức, đoàn thể của xã đã tăng cường công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân về sự nguy hại của ma túy và các tệ nạn xã hội để mọi người cùng tránh xa. Nhờ đó, số người nghiện ma túy trên địa bàn đã giảm đáng kể so với trước và đều được quản lý chặt chẽ”.

Từ năm 2008 đến nay, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức được 36 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho trên 1.000 đối tượng cai nghiện với tổng số kinh phí dạy nghề trên 100 triệu đồng. Ngành cũng tổ chức thẩm định, xét duyệt trên 149 dự án vay vốn phát triển sản xuất, tạo việc làm cho đối tượng cai nghiện giai đoạn III, đối tượng được công nhận hoàn thành cai nghiện ma túy với tổng số tiền vay trên 1,6 tỷ đồng. Từ đó, tạo việc làm cho trên 300 lao động có thu nhập ổn định. Qua kiểm tra đánh giá, các dự án đều sử dụng vốn đúng mục đích, một số dự án thực hiện xong đã trả đủ tiền gốc và lãi cho nhà nước.

Nhằm xã hội hóa công tác hỗ trợ tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy,  tỉnh còn vận động các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn tiếp nhận người cai nghiện giai đoạn III và người cai nghiện hoàn thành vào làm việc có thu nhập ổn định. Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, tỉnh đã đề ra các giải pháp trọng tâm như: Nghiêm túc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước trong công tác phòng, chống tệ nạn ma túy; thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS đến toàn dân. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học không có tội phạm và tệ nạn xã hội... Từ đó, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn phát triển.    

KD (theo Báo Tuyên Quang)