Nỗ lực hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng tại Cần Thơ Ngày đăng: 13/01/2020
Thành phố Cần Thơ là trung tâm kinh tế, văn hóa, công nghiệp, thương mại của Đồng bằng sông Cửu Long, là đầu mối giao thông của cả vùng về đường bộ, đường thủy và đường không và là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước, đồng thời, thu hút một lượng lớn người từ các địa phương khác đến làm ăn sinh sống. Đây là một lợi thế giúp cho kinh tế của Cần Thơ ngày càng phát triển song cũng tiềm ẩn nhiều tệ nạn xã hội (TNXH), trong đó có tệ nạn mua bán người.

Theo Sở Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), hiện trên địa bàn thành phố, hoạt động mua bán người ra nước ngoài diễn biến phức tạp với những thủ đoạn ngày càng tinh vi. Trong đó, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em bị bán sang các nước như: Malaysia, Trung Quốc, Đài Loan... để phục vụ cho mục đích bóc lột tình dục, gả bán kiếm lời. Thủ đoạn hoạt động của bọn chúng hiện nay chủ yếu nhập cảnh vào Việt Nam với nhiều mục đích khác nhau, sau đó móc nối với một số đối tượng ở địa phương tìm phụ nữ tạo dựng nhiều vụ xem mặt, chọn vợ tại các quán cà phê, nhà nghỉ, khách sạn…

Bên cạnh đó, tại các vùng nông thôn, mặt bằng dân trí còn thấp, phần lớn dân cư làm nông nghiệp, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, số lao động không có tay nghề ngày càng tăng. Đa số lao động trong nhóm này thường có tâm lý tìm việc làm có mức thu nhập cao để thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn nên bị kẻ xấu lợi dụng lôi kéo, dụ dỗ bán một bộ phận trong cơ thể người hoặc tham gia hoạt động mại dâm thông qua các dịch vụ môi giới hôn nhân, tìm việc làm để đưa qua biên giới.

Đến nay, qua rà soát thống kê, trên địa bàn thành phố có 34 nạn nhân bị mua bán trở về (trong đó, có 8 trường hợp nạn nhân là nam bị lừa qua Trung Quốc bán thận; 3 trường hợp vừa là nạn nhân vừa là đối tượng mua bán người). Để phòng, chống nạn mua bán người cũng như thực hiện tốt công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, Sở LĐTBXH đã tham mưu UBND thành phố, Ban Chỉ đạo Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người thành phố (Ban chỉ đạo 138) ban hành nhiều văn bản thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; Tổ chức triển khai, thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người; Các Nghị định; Quyết định của Chính phủ, Thông tư của các Bộ, ngành… về phòng, chống nạn mua bán người.

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về nạn mua bán người cũng được chú trọng. Thời gian qua, Ban chỉ đạo 138 thành phố cũng phối hợp với các Sở, Ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội gắn liền với các Chương trình hành động phòng chống tội phạm dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Trong đó, tập trung tuyên truyền sâu rộng trong các cơ sở, vùng nông thôn, những địa bàn khó khăn để họ nắm bắt được các chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác tạo công ăn việc làm. Qua đó, giúp chị em phụ nữ nhận thấy được việc đi ra nước ngoài sẽ không thuận lợi về công ăn việc làm và tính mạng giống như các đối tượng xấu tuyên truyền. Đồng thời, Hội liên hiệp phụ nữ là chủ công trong công tác tuyên truyền cho chị em phụ nữ ở mọi tầng lớp, nhất là ở các vùng nông thôn. Đặc biệt, những nạn nhân bị mua bán được đưa về nước đều được các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể xã hội, chính quyền địa phương tiếp cận, tuyên truyền, hướng nghiệp và hỗ trợ kinh phí tham gia các lớp dạy nghề, tạo công ăn việc làm, hòa nhập cộng đồng. Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được gần 3,7 cuộc tuyên truyền, thu hút hơn 150 nghìn lượt người tham dự. Qua đó, đã làm chuyển biến tích cực về nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức cũng như trong cộng đồng dân cư trong công tác phòng, chống mua bán người.

Sở LĐTBXH thành phố Cần Thơ chỉ đạo và thường xuyên phối hợp với các ngành, địa phương rà soát nạn nhân bị mua bán trở về, lập danh sách gửi cho các địa phương cập nhật và lập hồ sơ hỗ trợ theo quy định. Đến nay, toàn tỉnh đã có 11 nạn nhân có nhu cầu trợ cấp khó khăn ban đầu được hỗ trợ với số tiền là 11 triệu đồng; 1 nạn nhân có việc làm ổn định, số còn lại không có mặt ở địa phương, tiếp tục bỏ đi làm ăn xa hoặc có chồng về gia đình chồng ở tỉnh, thành khác.

Bên cạnh đó, nhằm phòng ngừa nhóm phụ nữ có nguy cơ cao (phụ nữ nghèo, không việc làm...) dễ bị kẻ xấu lợi dụng, thành phố đã đẩy mạnh thực hiện lồng ghép Quyết định số 1956/QĐ-UBND ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, qua đó, đã tổ chức 5 lớp dạy nghề hơn 150 trường hợp học viên nữ; Sở LĐTBXH thành phố phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố mở 14 lớp dạy nghề (may gia dụng, may công nghiệp, đan giỏ xách…) cho 490 phụ nữ; tư vấn giới thiệu việc làm cho 3.797 chị em.

Cùng với đó, nhiều mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng được triển khai rộng rãi trên địa bàn thành phố Cần Thơ, được đánh giá cao về tính hiệu quả và thực tiễn. Tiêu biểu trong số các mô hình, có thể kể đến mô hình “Nhóm tự lực”. Mục tiêu chính của mô hình này là nhằm xây dựng các nhóm sinh hoạt định kỳ hàng tháng cho những nạn nhân mua bán người sinh sống trong cùng khu vực, để cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn, hiểu biết về phòng, chống HIV/AIDS. Ban phụ trách quản lý của các nhóm tự lực cũng phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, cung cấp gói hỗ trợ khởi nghiệp cho các thành viên, hỗ trợ con giống trong chăn nuôi hoặc hỗ trợ vay vốn từ nguồn dự án; Hỗ trợ đào tạo nghề theo nhu cầu giúp các thành viên tìm kiếm việc làm phù hợp để cải thiện cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng bền vững. Đến nay, trên địa bàn thành phố có gần 200 nạn nhân là thành viên Nhóm tự lực có cuộc sống ổn định, bền vững thông qua các hoạt động của nhóm. Mô hình cũng có tác động tốt đối với sự phát triển kinh tế tại vùng khó khăn, giảm bớt áp lực về tìm kiếm việc làm cho nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Ngoài ra, Sở LĐTBXH cũng phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố thực hiện mô hình “Phòng ngừa và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng” tại những khu vực có đông phụ nữ lấy chồng nước ngoài thông qua dịch vụ “cò” môi giới.  Sau một thời gian triển khai quyết liệt các hoạt động truyền thông cộng đồng về phòng, chống mua bán người cho phụ nữ và trẻ em có nguy cơ bị mua bán; thành lập các câu lạc bộ “Lá chắn” hỗ trợ vay vốn, tăng thu nhập cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, đến nay nhiều quận, huyện gần như đã chấm dứt hẳn tình trạng phụ nữ bị lừa bán sang nước ngoài.

Thành phố cũng phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam thành lập mô hình “Đường dây nóng phòng, chống mua bán người” với phạm vi tiếp nhận và xử lý thông tin không chỉ trong phạm vi thành phố, mà trên toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đến nay, đường dây nóng đã tiếp nhận gần 1.500 cuộc gọi liên quan đến tư vấn tâm lý, chính sách và quy trình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Trong đó, nhiều cuộc gọi kết nối, chuyển tuyến thành công, góp phần giải cứu nhiều em nhỏ và phụ nữ bị mua bán, đồng thời cũng giúp các nạn nhân có được kiến thức cơ bản về các chế độ hỗ trợ của Nhà nước, giúp họ tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn thành phố Cần Thơ cũng gặp một số khó khăn như: Nạn nhân bị mua bán trở về thường có hoàn cảnh khó khăn, nghèo, học vấn thấp, tâm lý thường hay thay đổi, thiếu định hướng, gây khó khăn cho công tác hướng nghiệp, dạy nghề, một số nạn nhân thiếu nhận thức, quen cách sống đua đòi, thiếu ý chí vươn lên, sau khi được tiếp nhận trở về lại tiếp tục rời địa phương tìm việc làm ngoài tỉnh hoặc tái nghề. Nhiều nạn nhân bị mua bán trở về không tự khai báo với chính quyền địa phương do mặc cảm, sợ bị kỳ thị của cộng đồng nên cán bộ địa phương không thực hiện các thủ tục xác định là nạn nhân bị mua bán trở về không cập nhật được thông tin; Không thực hiện các thủ tục pháp lý; Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.

Trong thời gian tới, Cần Thơ tiếp tục tăng cường phối hợp với Cục PCTNXH, các tổ chức quốc tế tổ chức tập huấn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong công tác hỗ trợ nạn nhân và giúp họ tái hòa nhập cộng đồng; Triển khai xây dựng thí điểm các mô hình hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng; Đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình thành công; Tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân tại các địa phương; Xây dựng các phóng sự tuyên truyền về công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở. Ngoài ra, lồng ghép công tác hỗ trợ nạn nhân với các chương trình  kinh tế - xã hội khác như giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm; Khuyến khích các địa phương huy động mọi nguồn lực trong công tác hỗ trợ, từng bước xã hội hóa, khuyến khích người dân và các tổ chức doanh nghiệp trên địa bàn cùng tham gia đóng góp trong việc hỗ trợ các nạn nhân trở về hòa nhập cộng đồng./.

Ph.Đông