Quảng Ninh đẩy mạnh công tác phòng, chống mại dâm Ngày đăng: 20/12/2019
Thời gian qua, Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, huy động sự tham gia tích cực của các cấp, ngành và toàn xã hội về phòng, chống tệ nạn mại dâm và đã thu được nhiều kết quả quan trọng.

Ngay từ đầu năm 2019, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch hoạt động, chỉ đạo các đơn vị địa phương ngoài việc tuyên truyền phòng ngừa thì tập trung nắm chắc cơ sở  kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn cơ sở thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật, đồng thời rà soát việc kiểm tra theo kế hoạch đảm bảo không chồng chéo giữa các cấp và tạo điều kiện để cơ sở kinh doanh dịch vụ hoạt động đúng quy định của pháp luật; triển khai hoạt động phong trào xây dựng xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, chỉ đạo các địa phương kiện toàn đội kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm các cấp và nâng cao hiệu quả hoạt động của Đội; Thí điểm triển khai các mô hình hỗ trợ giảm hại do hoạt động mại dâm tại cộng đồng. Có 14/14 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đã xây dựng kế hoạch phòng, chống mại dâm; Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã chủ động hướng dẫn và ban hành các kế hoạch của đơn vị mình.

UBND tỉnh quyết định kiện toàn Đội liên ngành phòng, chống mại dâm tỉnh, 8/14 huyện, thị xã kiện toàn đội kiểm tra liên ngành cấp huyện. Đội kiểm tra 178 tỉnh đã xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động của Đội năm 2019. Đội kiểm tra 178 tỉnh đã tổ chức 04 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho 269 thành viên đội kiểm tra 178 cấp huyện, xã thuộc thành phố Móng Cái, Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí: Đội Kiểm tra 178 các cấp đã thực hiện 51 đợt kiểm tra tại 445 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ; qua kiểm tra đã lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính 41 cơ sở với số tiền phạt nộp ngân sách nhà nước là 135,8 triệu đồng và hướng dẫn kiến nghị, nhắc nhở 308  lượt cơ sở về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ và pháp luật phòng, chống mại dâm.

Năm 2019, đã tổ chức 4 lớp tập huấn, bồi dưỡng ký năng, kiến thức cho đội ngũ giáo viên về tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội trong trường học. Phối với cùng Cơ quan khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội tổ chức10 lớp tập huấn về kỹ năng và nội dung tuyên truyền phòng, chống mại dâm cho hơn 1.000 đại biểu là đoàn viên, hội viên của tổ chức.... Các lực lượng ở cơ sở đã tổ chức 06 lớp tập huấn và 08 hội thảo, hội nghị tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt các câu lạc bộ cho hơn 350 hội viên, cán bộ, và hơn 2.000 lượt quần chúng nhân dân tham gia, ban hành hơn 50 thông báo về tình hình an ninh trật tự, phán ánh gương người tốt, việc tốt, xây dựng 250 buổi truyền thanh tại cơ sở có các nội dung về phòng, chống tệ nạn xã hội; tổ chức đưa hơn 500 tin, bài, ảnh tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các ngành đã cấp phát hơn 1.500 cuốn tạp chí chuyên đề. Tạp chí phòng, chống AIDS, bản tin phòng, chống tội phạm, tạp chí phòng, chống ma túy cho các cấp hội từ tỉnh đến cơ sở.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng duy trì 03 mô hình phòng chống, hỗ trợ giảm hại do hoạt động mại dâm tại cộng đồng tại thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí. Các Mô hình đã triển khai nhiều hoạt động để tiếp cận người bán dâm, người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm để tuyên truyền, tư vấn cũng như hỗ trợ cụ thể về pháp lý, y tế... để người bán dâm nâng cao năng lực, chủ động phòng tránh giảm hại cho chính bản thân và cho cộng đồng.

Trong năm 2019, mô hình “Hỗ trợ tăng cường năng lực của nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, Câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới” tại thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí: đã tiếp cận, cung cấp thông tin giảm hại, tư vấn cho  trên 6.000 lượt người về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, các nhiễm khuẩn qua đường tình dục và giảm hại do HIV/AIDS; tuyên truyền thúc đẩy hành vi tình dục an toàn. Tập huấn nâng cao năng lực làm việc theo nhóm, trang bị kiến thức kỹ năng cần thiết trong hoạt động tiếp cận, giảm hại cho 46 thành viên nòng cốt và mạng lưới liên kết của mô hình. Tổ chức 01 cuộc hội thảo giữa các thành viên nòng cốt, thành viên mạng lưới tham gia hoạt động mô hình với đơn vị cung cấp dịch vụ y tế, pháp lý, tư vấn tâm lý, phòng, chống bạo lực giới, an ninh trật tự, dạy nghề, giới thiệu việc làm, phương pháp tiếp cận với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để thuận lợi trong việc chuyển gửi người bán dâm đến đúng địa chỉ cung cấp dịch vụ cho 60 lượt người tham gia. Tổ chức 06 cuộc tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dâm tại cộng đồng, tại 06 phường trên 03 địa bàn thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí cho trên 300 lượt người đại diện tổ dân phố, khu phố, cơ sở kinh doanh dịch vụ và các thành viên nòng cốt của mô hình. Tập huấn kỹ năng cho việc triển khai xây dựng mô hình cho 90 lượt người tham gia.

Mô hình đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn thành phố Hạ Long: đã tiếp cận, tư vấn về quyền của người lao động cho trên 905 lượt người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, duy trì hoạt động trợ giúp pháp lý cho người lao động có nhu cầu. Tổ chức 03 cuộc hội thảo chuyên đề giữa chủ cơ sở và nhóm đồng đẳng tại 03 địa bàn thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí cho 70 lượt người. Xây dựng phương án khảo sát cơ sở dạy nghề và tổ chức hỗ trợ học nghề pha chế đồ uống cho 12 người bán dâm; ký thỏa thuận hợp tác với phòng khám sản phụ khoa Tâm Đức, hỗ trợ khám sức khỏe sinh sản, phòng chống phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và các nhiễm khuẩn qua đường tình dục cho 100 lượt chị em nhóm của 03 mô hình và hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, bàn ghế, biển hiệu cho phòng khám với kinh phí 20 triệu đồng. Hợp đồng với văn phòng trợ giúp pháp lý- hội luật gia tỉnh Quảng Ninh tư vấn pháp lý cho 20 trường hợp, hỗ trợ làm giấy tờ tùy thân cho 10 trường hợp là nhân viên đang làm việc tại các cơ sở dễ phát sinh tệ nạn mại dâm.

Mô hình Cung cấp dịch vụ cho người bán dâm tại cộng đồng thông qua hoạt động của Câu lạc bộ Chúng tôi là phụ nữ Quảng Ninh, đã tiếp cận được 986 lượt người bán dâm, nghi bán dâm trên địa bàn thành phố Hạ Long để tư vấn, hỗ trợ họ tiếp cận các dịch vụ xã hội như y tế, pháp lý. In phát hành miễn phí 250  sổ tay tài liệu đảm bảo quyền cho người lao động làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ thông qua hội thảo chuyên đề đảm bảo quyền cho người lao động giữa cơ quan quản lý nhà nước với chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ và người lao động. Tổ chức 01 hội nghị đối thoại 3 bên giữa cơ quan quản lý nhà nước, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ và người lao động, 04 cuộc hội thảo nhóm với đơn vị cung cấp dịch vụ cho 166 lượt người tham gia.

Các địa phương Hạ Long, Uông Bí, Cẩm phả, Đông Triều, Quảng Yên tiếp tục duy trì Mô hình phát huy sức mạnh cộng đồng trong phòng chống mại dâm, hòa nhập cộng đồng tại 8 phường, trong đó, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân; hỗ trợ chính quyền địa phương nắm địa bàn, phát giác, tố cáo hành vi liên quan đến hoạt động mại dâm.

Có thể thấy, hoạt động hiệu quả của các mô hình thí điểm bước đầu tạo điều kiện thuận lợi cho người bán dâm dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ can thiệp dự phòng, khám và điều trị HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Giúp đỡ người bán dâm giảm các tổn thương do bị lừa gạt, bạo lực, bóc lột tình dục và hỗ trợ người bán dâm thay đổi nghề nghiệp, từng bước ổn định cuộc sống.

Triệu Mạo