Cơ sở cai nghiện tỉnh Yên Bái: Giúp người nghiện làm lại cuộc đời Ngày đăng: 31/10/2019
Những năm qua, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái đã kết nối với các công ty, doanh nghiệp thành lập các tổ học nghề: mộc, hạt, chăn nuôi, tăng gia giúp học viên có một nghề trong tay sau cai nghiện

Từ sáng sớm, tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái, các học viên đã xếp hàng tập thể dục buổi sáng và tiến hành các công việc lao động trị liệu, hướng nghiệp và dạy nghề. Chữa bệnh tại Cơ sở, được cán bộ giáo dục nhận biết về tác hại ma túy, giúp đỡ cắt cơn, được hướng dẫn lao động, anh Ngụy Nam Sơn quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy, làm lại cuộc đời. Anh Sơn là học viên được đánh giá tiếp thu nhanh kỹ thuật làm thảm hạt tại tổ thảm hạt của Cơ sở.

Anh Sơn cho biết: "5 năm ngập chìm trong ma túy tôi đã làm cho gia đình quá khổ. Vào cai nghiện tại đây, tôi sẽ cố gắng học một nghề để sau này có thể đỡ đần được gia đình”. 

Cũng như anh Sơn, học viên Nguyễn Trung Thành sau khi điều trị cắt cơn đã chọn cho mình một nghề phù hợp. Anh Thành tham gia vào tổ làm tóc giả với mong muốn sau cai nghiện được gắn bó với công việc này để có thể tự kiếm sống. Anh Thành chia sẻ: "Tôi chưa bao giờ làm việc gì cẩn thận, tỉ mẩn như nghề này, tôi quyết tâm sẽ làm được”. 

Đa số các học viên đưa vào Cơ sở cai nghiện ma túy đều sử dụng nhiều loại ma túy, mắc nhiều bệnh xã hội, truyền nhiễm cho nên họ thường hay tiêu cực, liều lĩnh, manh động, sẵn sàng chống đối lại sự quản lý của cán bộ để gây rối hoặc bỏ trốn. Do vậy, Ban Giám đốc Cơ sở cũng phải chọn những nghề phù hợp với học viên. 

Hiện Cơ sở cai nghiện ma tuý của tỉnh có trên 368 học viên, trong đó có 32 học viên tham gia tổ làm tóc giả và 30 học viên tham gia tổ làm mi giả, còn lại tham gia vào tổ mộc, chăn nuôi. Những công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ nhưng cũng là cơ hội rèn tính kiên trì, nhẫn nại và tạo công ăn việc làm cho học viên sau cai nghiện. 

Những năm qua, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh đã kết nối với các công ty, doanh nghiệp thành lập các tổ học nghề: mộc, hạt, chăn nuôi, tăng gia giúp học viên có một nghề trong tay sau cai nghiện, có thêm động lực làm lại cuộc đời. 

Bên cạnh đó, Cơ sở còn tổ chức cho học viên chơi thể thao; mở thư viện với nhiều đầu sách, báo phù hợp; tổ chức các chương trình, sự kiện, giao lưu thi đấu thể thao, giúp các học viên thêm tự tin hơn khi tái hòa nhập cộng đồng. Do vậy, sau thời gian "cắt cơn”, hầu hết các học viên đều lấy lại tinh thần, mang quyết tâm từ bỏ ma túy tham gia vào các tổ học nghề. 

Ông Lê Công Huấn - Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh cho biết: "Học viên khi vào cơ sở đều được phân loại, được hỗ trợ điều trị cắt cơn, giải độc, lao động hướng nghiệp, dạy nghề. Ở đây vừa kết hợp lao động trị liệu, giúp học viên có nghề làm lại cuộc đời vừa tăng gia thêm khẩu phần ăn cho các học viên trong quá trình điều trị. Sau thời gian cai nghiện, các học viên đã lấy lại tinh thần, quyết tâm từ bỏ ma túy, làm lại cuộc đời, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội”. 

M.H (Theo báo Yên bái)