Lồng ghép, đồng bộ các giải pháp về bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán Ngày đăng: 28/10/2019
Trong những năm qua, Lạng Sơn được xem là địa bàn trung chuyển mà tội phạm mua bán người lợi dụng địa hình để đưa phụ nữ, trẻ em và người lao động sang Trung Quốc bán. Từ tháng 1⁄2019 đến 15⁄10⁄2019 tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận 20 nạn nhân bị mua bán, trong đó có 3 nạn nhân là người Indonesia, 7 nạn nhân người Campuchia; 10 nạn nhân người Việt Nam.

Là địa phương có diện tích đồi núi chiếm tới 80%, lại có đến 5 huyện và 21 xã giáp với biên giới với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, với 2 cửa khẩu quốc tế và 2 cửa khẩu quốc gia, Lạng Sơn trở thành đầu mối quan trọng góp phần phát triển mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, Lạng Sơn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, trong đó có tình trạng mua bán phụ nữ, trẻ em và đưa người lao động qua biên giới làm việc trái phép và bị bóc lột sức lao động tại Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, tỉnh Lạng Sơn đang trở hành địa bàn trung chuyển mà tội phạm mua bán người lợi dụng địa hình để đưa phụ nữ, trẻ em và người lao động sang Trung Quốc bán. Số phụ nữ, trẻ em và người lao động bị mua bán và bóc lột sức lao động chủ yếu ở nông thôn vùng sâu, vùng xa, trình độ nhận thức kém, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, không có đất canh tác, thiếu việc làm... với mong muốn sang Trung Quốc tìm kiếm việc làm đã bị lừa bán với nhiều mục đích khác nhau. Đến nay, Lạng Sơn được xác định là tỉnh có diễn biến phức tạp về tình hình mua bán phụ nữ, trẻ em và lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc.

Thống kê từ tháng 1/2019 đến 15/10/2019, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Công an tỉnh và Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp nhận 20 nạn nhân bị mua bán (trong đó 3 nạn nhân là người  Indonesia; 7 nạn nhân là người Campuchia; 10 nạn nhân là người Việt Nam - người ngoài tỉnh). Số nạn nhân trên được đưa vào Cơ sở Bảo trợ xã hội, bố trí chỗ ăn, nghỉ, bảo vệ, quản lý, kiểm tra sức khoẻ và chữa bệnh ban đầu. Sau khi cơ quan công an hoàn tất công tác điều tra, xác minh, Cơ sở tiếp tục hướng dẫn nạn nhân hoàn tất thủ tục, đồng thời hỗ trợ tiền ăn đi đường, tiền tàu xe cho họ trở về gia đình.

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn cho biết, thực hiện Quyết định số 1057/QĐ-LĐTBXH ngày 12/8/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về phê duyệt Đề án "Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán" giai đoạn 2016 - 2020, với vai trò chủ trì Tiểu đề án 2 "Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về", Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn đã tham mưu Uỷ ban nhân dân  tỉnh chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp về bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; chỉ đạo việc lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người với các chương trình giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phòng, chống tệ nạn xã hội, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em; tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng về phòng, chống tội phạm mua bán người.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lạng Sơn đã phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương trong việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho các nạn nhân bị mua bán trở về được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ pháp lý, y tế; khuyến khích tổ chức, cá nhân Việt Nam tham gia công tác hỗ trợ nạn nhân... đảm bảo các nạn nhân bị mua bán trở về đều có cơ hội tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, hòa nhập cộng đồng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Tuấn, công tác phòng chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân hiện nay đang gặp một số khó khăn. Một số nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài làm mại dâm đã tìm cách trốn thoát, tự trở về với gia đình nhưng do sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử làm ảnh hưởng danh dự gia đình, sợ bọn tội phạm trả thù… nên không dám viết đơn tố giác, họ né tránh và không muốn tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, gây khó khăn cho công tác điều tra xác minh, hỗ trợ nạn nhân hoặc hướng họ vào các hoạt động trợ giúp, hoà nhập cộng đồng.

Việc tận dụng và bố trí khu nhà ở của các cháu mồ côi, khuyết tật để làm nơi ở cho các nạn nhân bị mua bán khi trở về đã gây những xáo trộn không nhỏ, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sự phát triển của các cháu mồ côi đang được nuôi dưỡng tại đây, đồng thời, cũng gây những khó khăn trong công tác quản lý của Cơ sở Bảo trợ xã hội. Kinh phí cho công tác tiếp nhận đối tượng, hỗ trợ nạn nhân còn hạn chế.

Thời gian tới, nhằm thực hiện tốt công tác phòng chống mua bán người, cũng như thực hiện hiệu quả các chương trình lồng ghép, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; sự tham gia tích cực của các đoàn thể chính trị - xã hội trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện; lồng ghép với các chương trình an sinh xã hội như dạy nghề, tạo việc làm, giảm nghèo… tạo điều kiện tốt nhất để nạn nhân tiếp cận với các dịch vụ trợ giúp sẵn có.

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người; thực hiện lồng ghép với chương trình phòng, chống tội phạm, phòng, chống tệ nạn xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em, chương trình vì sự tiến bộ của phụ nữ và chương trình khác về phát triển kinh tế - xã hội, gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư".

Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người, tổ chức các khóa tập huấn, học tập, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức, kỹ năng trong phòng, chống mua bán người gắn với thực tế công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Đẩy mạnh các hoạt động trao đổi cung cấp thông tin nạn nhân; kịp thời phối hợp hỗ trợ nạn nhân; tiếp nhận, xác minh, bảo vệ, hỗ trợ ban đầu, học văn hóa, học nghề, tìm kiếm việc làm, trợ giúp pháp lý, xã hội… tái hoà nhập cộng đồng.

Theo Chu Lương (Báo LĐXH)