Cơ sở cai nghiện tỉnh Sóc Trăng: Nơi giúp học viên cai nghiện hòa nhập cộng đồng Ngày đăng: 23/10/2019
Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Sóc Trăng (trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) có chức năng tư vấn, điều trị, hỗ trợ người nghiện cắt cơn, giải độc; giúp người nghiện ma túy có nhu cầu điều trị tự nguyện ổn định tâm lý, sức khỏe; phòng, chống tái nghiện; tổ chức dạy văn hóa, dạy nghề; tổ chức lao động sản xuất và hỗ trợ người nghiện ma túy chuẩn bị các điều kiện tái hòa nhập cộng đồng.

Trong những năm qua, bằng sự tâm huyết yêu nghề cùng với tất cả tinh thần và trách nhiệm, tập thể cán bộ, công nhân viên trong đơn vị luôn khắc phục mọi khó khăn, đoàn kết hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để đơn vị trở thành một trong những địa chỉ tin cậy giúp đỡ các đối tượng từng một thời lầm lỡ trên địa bàn cũng như nhiều đối tượng nghiện ma túy ở các địa phương khác. Đặc biệt, nhằm thu hút các đối tượng tham gia cai nghiện, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương, đơn vị đã áp dụng đa dạng hóa các biện pháp và mô hình như điều trị nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và điều trị bắt buộc tại cơ sở cai nghiện, tạo điều kiện cho người nghiện dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ điều trị nghiện phù hợp.

Nhằm khuyến khích, hỗ trợ người nghiện ma túy tự nguyện tham gia cai nghiện, năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành Đề án số 06 "Thí điểm cai nghiện ma túy tự nguyện lần đầu không thu phí" giai đoạn 2018 – 2020. Đối tượng của Đề án áp dụng cho người lần đầu nghiện ma túy, có hộ khẩu thường trú hoặc đăng ký tạm trú dài hạn (KT3) tại tỉnh, ưu tiên người thuộc diện gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng không còn người thân, hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn... Theo đó, người cai nghiện tự nguyện theo Đề án phải đóng khoản chi phí nào, thời gian cai nghiện trong vòng 6 tháng. Dự kiến trong giai đoạn 2018 – 2020, sẽ thực hiện thí điểm cai nghiện cho khoảng 200 học viên.

Ông Nguyễn Hoàng Phong, Phó Giám đốc Sở Lao động – TBXH tỉnh Sóc Trăng cho biết: tính đến 15/7/2019, tổng số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh là 1.879 người. Trong đó, 800 người có hồ sơ quản lý; 1.079 người nghiện chưa có hồ sơ quản lý. Số người cai nghiện tại Cơ sở năm 2018 chuyển sang là 168 người, trong đó, theo Quyết định của tòa án là 161 người; theo Đề án 06 là 05 người; tự nguyện có thu phí là 02 người. Riêng 7 tháng đầu năm 2019, đơn vị đã tiếp nhận 149 đối tượng, trong đó, theo quyết đinh của tòa án là 82 người; đối tượng có nơi cư trú là 28 người; theo Đề án số 06 là 30 người và tự nguyện có thu phí là 09 người. Đến nay, có 74 người hoàn thành cai nghiện ma túy tại cơ sở, trong đó, theo quyết định của Tòa án là 56 người; theo Đề án 06 là 09 người; tự nguyện có thu phí là 09 người.

Ngay khi tiếp nhận đối tượng, Cơ sở tiến hành lập hồ sơ và phân loại học viên dựa trên cơ sở độ tuổi, đặc điểm nhân thân, mức độ nghiện, tiền án, tiền sự để lên kế hoạch sắp sếp chỗ ở cho phù hợp, thuận tiện trong công tác quản lý và giáo dục. Tiếp đó, Phòng Y tế - Phục hồi sức khỏe sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe ban đầu, phân loại tình hình sức khỏe, vào bệnh án để có hướng điều trị, theo dõi cho phù hợp với từng học viên và thực hiện quy trình cắt cơn, giải độc cho đối tượng theo phác đồ đồ điều trị cắt cơn bằng thuốc ATK. Thông qua việc kiểm tra sức khỏe ban đầu, đơn vị sẽ tổ chức phân loại đối tượng nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp bị bệnh nặng vượt quá khả năng điều trị, đồng thời, phối hợp với gia đình đưa học viên đi điều trị tại bệnh viện tuyến trên hoặc bàn giao đối tượng về gia đình quản lý, chăm sóc nhằm hạn chế tối đa trường hợp xấu xảy ra.

Nhờ sự kiên trì, quan tâm giúp đỡ của đội ngũ y tá, bác sỹ, chỉ sau vài ngày cắt cơn giải độc, các học viên đã bắt đầu phục hồi sức khỏe; nghiêm chỉnh học tập nội quy, quy chế tại cơ sở, chấp hành quy trình tổ chức cai cắt cơn nghiện theo quy định. Nhiều đối tượng đã có những chuyển biến rõ rệt so với ban đầu, không còn cảm thấy hụt hẫng, dằn vặt bản thân và có thêm quết tâm cai nghiện để từ bỏ ma túy.

Sau giai đoạn cắt cơn, công tác giáo dục pháp luật, đạo đức, rèn luyện thể chất phục hồi hành vi nhân cách, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho học viên cũng được đơn vị quan tâm thực hiện. Đơn vị luôn duy trì đầy đủ, kịp thời và chính xác các chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày cho học viên theo quy định, đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng bữa ăn, không để xảy ra tình trạng rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, đơn vị cũng chú trọng đến việc xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh theo mùa, làm tốt công tác kiểm tra vệ sinh dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm; thường xuyên cử cán bộ y tế trực tiếp xuống buồng, đội để thăm khám, theo dõi nắm bắt tình hình dịch bệnh, nhất là đối với các học viên ốm đau, đang trong thời kỳ cắt cơn nghiện ma túy.

Công tác kết nối với gia đình, thân nhân người nghiện cũng luôn được duy trì thường xuyên nhằm duy trì trách nhiệm cộng đồng giữa gia đình người nghiện với Cơ sở và tìm ra giải pháp tốt nhất để hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện thực hiện quy trình cai nghiện, sớm hòa nhập cộng đồng. Thực hiện công khai, minh bạch các chế độ liên quan đến học viên. Mọi vấn đề thắc mắc của học viên được giải thích, tư vấn kịp thời, không để bức xúc, mâu thuẫn nảy sinh, tạo được niềm tin của học viên đối với cán bộ. Ngoài ra, Cơ sở còn bố trí hộp thư tại các khu nhằm nắm thông tin phản ánh của học viên, nhất là các học viên có hoàn cảnh khó khăn hoặc có yêu cầu cần hỗ trợ, giúp đỡ.

Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, công tác quản lý, tuyên truyền, giáo dục, cảm hóa, phục hồi hành vi, nhân cách học viên tại cơ sở cai nghiện trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng vẫn còn gặp không ít khó khăn do phần lớn người nghiện còn rất trẻ, nhiều tiền án, tiền sự; một số đối tượng có lối sống buông thả dẫn đến nghiện các chất kích thích, trong người mang nhiều mầm bệnh. Số người nhiễm HIV chiếm 20 – 30%, có lúc lên đến 40% và các bệnh truyền nhiễm khác. Bên cạnh đó, nhận thức của học viên còn hạn chế, luôn tỏ ra manh động, bất hợp tác với đội ngũ quản lý trực tiếp và giáo dục. Ngoài ra, với quy mô khoảng 300 học viên, cơ sở vật chất của đơn vị mặc dù được đảm bảo về cơ bản nhưng số lượng cán bộ mỏng dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý học viên. Dự kiến trong thời gian tới, các huyện, thị xã, thành phố sẽ tăng chỉ tiêu người cai nghiện bắt buộc vào cơ sở từ 80 – 100 học viên, dẫn đến quá tải so với quy mô cũng như thiếu hụt nguồn nhân lực.

Thời gian tới, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác điều trị, cai nghiện; thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; tăng cường công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện; tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động các điểm Tư vấn, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng. Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành thực hiện tốt Quy chế phối hợp để quản lý đối tượng theo Quyết định số 08/2019/QĐ-UBND tỉnh và Hướng dẫn số 09/HD-CAT-SYT-STP-SLĐTBXH-TANDT ngày 25/4/2019 của liên ngành hướng dẫn cụ thể công tác phối hợp xử phạt hành chính. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện Đề án số 06 và Thông báo số 13/TB-SLĐTBXH về giải đáp một số nội dung còn vướng mắc khi thực hiện Đề án 06.

Song song đó, đơn vị cũng sẽ đẩy mạnh công tác phối kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh nhằm tuyên truyền, vận động các gia đình  quan tâm tới con em; trang bị những kiến thức cơ bản về tác hại của ma túy, nhất là các loại ma túy mới; các kỹ năng phòng tránh, từ chối khi bị lôi kéo, dụ dỗ của đối tượng xấu; chú ý đến những sinh hoạt bất thường của con em mình như học tập sa sút hoặc có những biểu hiện khác thường để kịp thời can thiệp, ngăn ngừa trước khi sa chân vào con đường sử dụng ma túy. Đặc biệt, huy động sự chung tay, góp sức của cả gia đình người nghiện và cộng đồng xã hội giúp đỡ người nghiện ổn định cuộc sống, phòng, chống tái nghiện có hiệu quả./.

N.C