Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em: cần chú trọng tuyên truyền song hành với thực hiện các biện pháp răn đe hữu hiệu Ngày đăng: 05/10/2019
Ngày 3⁄10, Đoàn Giám sát Quốc hội do ông Phan Thanh Bình, Uỷ viên TƯ Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, làm Trưởng đoàn đã có cuộc giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn TP. Cần Thơ

 Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương bình và Xã hội TP. Cần Thơ, tình hình xâm hại trẻ em trong thời gian qua có nhiều diễn biến phức tạp. Số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2011 đến 2019, trên địa bàn TP. Cần Thơ có 282 trẻ bị xâm hại tình dục. Trong đó, giai đoạn 2011-2015 xảy ra 114 trường hợp; 2015 - 2019, xảy ra 168  trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục.

Từ các vụ việc cho thấy, hầu hết các đối tượng xâm hại trẻ em thiếu hiểu biết về pháp luật, không có việc làm ổn định, nghiện rượu, một số đối tượng sử dụng ma túy hoặc chất kích thích khác. Ngoài ra, còn một số đối tượng ăn chơi đua đòi, thường xuyên tiếp cận với các loại hình văn hóa phẩm đồi trụy thông qua mạng internet. Từ các vụ việc về xâm hại trẻ em gần đây cho thấy, đa số đối tượng xâm hại trẻ em đều là người thân hoặc có mối quan hệ quen biết với nạn nhân.

Các đối tượng nhắm vào các em có độ tuổi từ 6 đến 16, đặc biệt là đối với các bé gái nhỏ, lợi dụng vào sơ hở của người quản lý trẻ để tiếp cận các em, dụ dỗ, lừa gạt bằng nhiều hình thức như cho quà, tiền, chở đi chơi, chiều theo ý của trẻ… sau đó thực hiện hành vi. Đa phần các em bị xâm hại là do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không được đi học hoặc bỏ học sớm để lao động phụ giúp gia đình.

Sở Lao động – Thương binh và xã hội TP. Cần Thơ cho biết, hiện việc tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan đến các vụ việc xâm hại trẻ em gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do tâm lý của trẻ em sau khi bị xâm hại hoang mang, sợ hãi, không dám nói với người lớn, hoặc vụ việc xảy ra một thời gian dài mới tiết lộ thông tin gây khó khăn cho công tác thu thập chứng cứ để điều tra.

Đặc biệt, tâm lý của gia đình trẻ em bị xâm hại ngại công khai vụ việc vì sợ dư luận bàn tán, ảnh hưởng đến trẻ nên nhiều gia đình thay vì tố cáo kẻ xâm hại lại thỏa thuận để được bồi thường, không tố giác tội phạm. Chính điều này cũng khiến cho công tác hỗ trợ trẻ em gặp nhiều khó khăn. Nhiều gia đình không muốn cho cán bộ làm công tác trẻ em tiếp xúc với trẻ do lo ngại thông tin bị lộ, cũng như chưa nhận thức được vai trò của can thiệp tâm lý cho trẻ em.

Thực tế cho thấy,  công tác hỗ trợ trẻ em phần lớn chỉ dừng lại ở việc thăm hỏi, động viên, tặng quà, tiền, chưa chú trọng đến việc hỗ trợ tâm lý, theo dõi, quản lý trẻ em theo tiến trình lâu dài.

Cũng theo Sở Lao động - Thương binh và xã hội TP. Cần Thơ, số lượng thông tin, thông báo, tố cáo, tố giác về vụ việc xâm hại trẻ em thực tế đang tăng lên do công tác tuyên truyền được đẩy mạnh nên nhận thức của người dân về bảo vệ trẻ em ngày càng được củng cố, địa điểm tiếp nhận thông tin tố giác các hành vi xâm hại trẻ em được tăng lên.

Tại buổi giám sát, các đại biểu cũng đã trao đổi các nội dung liên quan đến những vấn đề được xã hội quan tâm như bạo lực học đường; công tác phối hợp giữa các đơn vị trong phòng, chống xâm hại trẻ em; giải pháp về nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em…

Đoàn giám sát cho rằng, hiện TP. Cần Thơ đang kiềm chế tốt tình trạng trẻ em bị xâm hại. Tuy nhiên. thành phố cũng lưu ý, hiện có nhiều trường hợp xâm hại trẻ em tái phạm do việc răn đe không đủ mạnh. Do vậy, trong công tác thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, thành phố cần chú trọng tuyên truyền song hành với thực hiện các biện pháp răn đe hữu hiệu./.

D.T