Hải Dương: Nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy với thanh thiếu niên Ngày đăng: 22/08/2019
Trong số học viên đang cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy (CSCNMT) Hải Dương, đa phần đều ở tuổi thanh, thiếu niên. Người nghiện gồm đủ các thành phần, lứa tuổi, nghề nghiệp trong xã hội. Trong khi đó, thực tế hiệu quả công tác cai nghiện rất thấp. Đặc biệt, hiện số người nghiện, người sử dụng ma túy tổng hợp đang có chiều hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa.

 

Từ đặc điểm tâm lý của lứa tuổi

Cùng với các loại ma túy đã xuất hiện trước đây như thuốc phiện, heroin, cần sa… thì hiện nay, các loại ma túy tổng hợp, các chất hướng thần như “Ma túy đá”, “Cỏ Mỹ”, “Ketamine”… xuất hiện càng nhiều. Tình hình thanh, thiếu niên có lối sống đua đòi, sử dụng các chất ma túy tổng hợp dạng “đá” ngày càng gia tăng. 

Trong CSCNMT tỉnh Hải Dương, đa số người cai nghiện lần đầu đều là thanh niên. Cơ sở hiện có 360 học viên thì gần 70% trong độ tuổi này. Ông Vũ Thành Phương, Giám đốc Cơ sở cho biết, người nghiện ma túy đang có dấu hiệu trẻ hóa, nhiều trường hợp là học sinh THPT, THCS đã phải nghỉ học để đi điều trị, cai nghiện. Nguy hiểm hơn, trong khi gia đình thấy con em mình có biểu hiện rối loạn tâm thần, hoang tưởng vì dùng ma túy thì bố mẹ lại cho là bình thường. 

Hiện, trên địa bàn của tỉnh Hải Dương, nhiều địa phương đang có xu hướng phát triển các loại hình kinh doanh quán bar, karaoke, nhà nghỉ, nhà trọ... thu hút số lượng lớn thanh, thiếu niên đến vui chơi, giải trí. Sự quản lý lỏng lẻo của các điểm vui chơi và các cơ sở kinh doanh lưu trú như khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ đã tạo điều kiện cho thanh, thiếu niên tụ tập sử dụng ma túy tổng hợp, tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Ngoài sự tò mò, hiếu kỳ, lối sống ăn chơi, buông thả, một bộ phận thanh, thiếu niên còn thiếu nhận thức về tác hại của các loại ma túy tổng hợp. Cho rằng sử dụng ma túy tổng hợp khó gây nghiện nên nhiều thanh, thiếu niên đã rủ nhau dùng thử, dẫn tới lạm dụng và nghiện nặng.

Cần thay đổi nhận thức và sự phối hợp của gia đình

Gần đây, tình hình mua bán, sử dụng ma túy tổng hợp có chiều hướng tăng tại các điểm kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn, quán karaoke và có xu hướng lan rộng “vươn vòi bạch tuộc” về các vùng nông thôn. Nhiều địa phương trong tỉnh đã tăng cường tập trung, đi sâu tuyên truyền đối với các cơ sở kinh doanh dễ phát sinh tệ nạn xã họi và các đối tượng có nguy cơ cao, đồng thời, thành lập các đội thanh niên xung kích tuyên truyền ở các địa bàn dân cư, trong các trường học… bước đầu mang lại tác dụng thiết thực trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy và kiểm soát tệ nạn ma túy trên địa bàn.

Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là sự quan tâm, phối hợp giữa gia đình và xã hội trong việc ngăn ngừa con em mình sử dụng ma túy và khi phát hiện người thân nghiện ma túy thì vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc đều trị, cai nghiện ma túy như thế nào để có hiệu quả.

Gia đình với chức năng nuôi dưỡng, quản lý, giáo dục con em, là nơi có nhiều thuận lợi nhất về mọi phương diện để giúp các em nhận rõ tác hại ghê gớm của ma túy và từ đó có cách phòng chống tốt nhất. Thực tế, nhiều gia đình thiếu phương pháp giáo dục thích hợp với tâm lý lứa tuổi (quá nuông chiều, đáp ứng đầy đủ những yêu cầu vật chất không chính đáng), thiếu kiến thức về phòng chống ma túy, chủ quan, xao nhãng việc quan tâm tới con cái. Nhất là ở các gia đình có người phạm tội, có người sử dụng ma túy, dẫn đến các thành viên không hòa thuận, thường xuyên cãi vã, thiếu người chăm sóc, giáo dục, thanh thiếu niên dễ dàng bị bọn xấu rủ rê, thậm chí có hành vi đồng lõa, khuyến khích các em sử dụng và buôn bán ma túy.

Trong buổi tuyên truyền về Tháng hành động, phòng chống ma túy năm 2019 với chủ đề “Hãy suy nghĩ trước khi bắt đầu” của CSCNMT tỉnh Hải Dương tại Trường THCS Văn Đức (TP. Chí Linh), cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Nhà trường trao đổi với chúng tôi: Động cơ dẫn các em đến với ma túy rất nhiều, từ tò mò thử xem, bạn bè rủ rê, lôi kéo, không hiểu tác hại của ma túy, tiếp xúc với ma túy dễ dàng… Sự tò mò của lớp trẻ và những trò rủ rê cùng trang lứa là cái “huých” đầu tiên đưa các em đi vào thử dùng ma túy. Thực tế ở nhiều trường phổ thông cho thấy, không chỉ học sinh mà nhiều thầy, cô giáo của trường, hiểu biết về ma túy và tác hại của nó cũng còn hạn chế. Hiện nay, các loại ma túy mới liên tục xuất hiện thì việc thiếu kiến thức càng nguy hiểm. Khi nghe học sinh của mình có nhận thức quá mơ hồ về ma túy như “”Đá” không phải ma túy, không nghiện, chơi thử ma túy một lần chắc không sao, HIV lây truyền qua đường ăn uống... Chúng tôi rất lo lắng cho các em. Thông qua buổi tuyên truyền như hôm nay, phần nào học sinh đã hiểu rõ hơn về tệ nạn ma túy hiện nay.

Nhà trường là môi trường có ảnh hưởng to lớn đến sự hình thành nhân cách của các em, là một tổ chức có vai trò quan trọng nhất trong việc phòng ngừa cho các em trước hiểm họa của ma túy. Đồng thời, giúp các em phòng tránh các hành vi vi phạm pháp luật, tụ tập chơi bời, từ đó dễ bị tệ nạn ma túy lôi kéo, quyến rũ. Hiện nay, nhiều em vì thiếu hiểu biết, nên đã vô tình biến mình thành “nô lệ” của ma túy.

Ông Nguyễn Thành Phương chia sẻ thêm, để bảo vệ giới trẻ trước tệ nạn ma túy, thì gia đình, nhà trường và cả hệ thống chính trị cần tích cực vào cuộc, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức về tác hại của ma túy, đặc biệt với nhóm thanh thiếu niên và các nhóm người có nguy cơ cao trong việc lạm dụng chất ma túy.

Đối với các em, ngoài sự tò mò, hiếu kỳ, lối sống ăn chơi, buông thả, các em còn thiếu nhận thức về tác hại của các loại ma túy tổng hợp. Cho rằng sử dụng ma túy tổng hợp khó gây nghiện nên nhiều thanh, thiếu niên đã rủ nhau dùng thử, dẫn tới lạm dụng và nghiện lúc nào không hay./.

 

Như Ngọc