Phòng chống mua, bán người thông qua di cư ra nước ngoài Ngày đăng: 22/08/2019
Những năm qua, với chính sách mở cửa, hội nhập, số lượng người xuất - nhập cảnh qua cửa khẩu biên giới nước ta ngày càng gia tăng. Cùng với đó, đường biên giới với nhiều cửa khẩu và nhiều đường mòn, lối mở đã trở thành điều kiện thuận lợi để bọn tội phạm mua bán tăng cường hoạt động, trốn tránh sự phát hiện của các cơ quan bảo vệ pháp luật...

 

Nhiều thủ đoạn lừa gạt của tội phạm mua bán người

 Theo thống kê của các cơ quan chức năng, mỗi năm có khoảng 6 triệu lượt người Việt xuất cảnh ra nước ngoài và khoảng 6 triệu người Việt nhập cảnh về nước theo đường chính thức. Trong đó, đáng chú ý nổi lên tình hình di cư qua nước ngoài có liên quan đến hoạt động tội phạm mua bán người như: vì mục đích kinh tế (người lao động đến các nước láng giềng qua biên giới đường bộ); đi du học nước ngoài (trong đó, phần lớn đi du học tự túc); vì mục đích kết hôn có yếu tố nước ngoài; do người nước ngoài nhận con nuôi là người Việt Nam.

Các đối tượng lợi dụng khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác hoặc tục lệ cưới hỏi của đồng bào dân tộc ít người để lừa phụ nữ bán sang Trung Quốc tại các tỉnh miền núi phía Bắc; hoặc lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin như Zalo, Feacbook, Viber..., làm quen, giả vờ yêu đương, kết bạn nhằm môi giới hôn nhân nước ngoài trái phép có xu hướng tăng mạnh ở các tỉnh phía Nam. Đã có nhiều trường hợp người phạm tội lừa dối hoặc cưỡng ép bán người thân thích của mình cho người khác.

Bên cạnh đó, tình trạng mua bán trẻ em, nhất là học sinh các trường dân tộc nội trú diễn biến phức tạp. Các đối tượng người nước ngoài vào Việt Nam câu kết với đối tượng cò mồi, môi giới tổ chức nhiều vụ đưa người trái phép ra nước ngoài lao động. Khi đến nước sở tại, chúng giữ giấy tờ tùy thân để cưỡng bức lao động; dụ dỗ, lôi kéo những người có nhu cầu xuất khẩu lao động với chi phí thấp, mức lương cao, thủ tục đơn giản, tổ chức xuất cảnh ra nước ngoài, sau đó bán để cưỡng bức lao động...

Bà Mạc Thị Liên, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Hà Giang cho biết: Những năm qua, với chính sách mở cửa, hội nhập, số lượng người xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu biên giới nước ta ngày càng gia tăng. Tỉnh Hà Giang có đường biên giới với nhiều cửa khẩu và nhiều đường mòn, lối mở đã trở thành điều kiện thuận lợi để bọn tội phạm mua bán người nói chung, mua bán phụ nữ, trẻ em nói riêng tăng cường hoạt động, trốn tránh sự phát hiện của các cơ quan bảo vệ pháp luật... Chúng tôi đã phối hợp với các ngành liên quan phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tìm và phát huy tốt vai trò của những người có uy tín, già làng, trưởng bản, trưởng họ, làm nòng cốt trong các phong trào; lựa chọn những mô hình tiêu biểu để triển khai, nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình phòng, chống tội phạm mua bán người.

Qua phân tích từ các vụ mua bán người được phát hiện, xử lý cho thấy, đặc điểm chung của các nạn nhân là nhận thức và trình độ còn hạn chế, thiếu việc làm, đời sống còn nhiều khó khăn. Ngoài việc bị cưỡng bức tình dục, họ còn phải lao động nặng nhọc, nếu tìm cách bỏ trốn, thì bị đánh đập thậm tệ. Có một vấn đề đáng quan tâm là phần lớn vụ việc mua bán phụ nữ, trẻ em chỉ được phát giác sau khi nạn nhân trốn thoát hoặc được giải cứu nhưng với tỷ lệ may mắn là rất nhỏ so với thực tế.

Cần phối hợp các giải pháp

Từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg phê duyệt chọn ngày 30/7 hằng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”, công tác truyền thông phòng, chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại cộng đồng được đẩy mạnh, xây dựng, duy trì hàng nghìn mô hình, câu lạc bộ lồng ghép phòng, chống mua bán người và di cư an toàn.

Nguyên nhân chính tội phạm mua, bán người trái phép thông qua di cư ra nước ngoài vẫn là do sự khó khăn về kinh tế và lạc hậu về nhận thức xã hội cũng như bản chất nhẹ dạ, dễ tin của không ít phụ nữ, trẻ em gái ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, khiến cho các “mẹ mìn” dễ lợi dụng, lừa gạt. Vì vậy, cần khắc phục những sơ hở trong các lĩnh vực xuất khẩu lao động, kết hôn có yếu tố nước ngoài, đồng thời, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền đến từng bản làng, từng gia đình về phương thức, thủ đoạn lừa gạt của bọn tội phạm.

Thực tế cho thấy, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật và sự nguy hại của tội phạm mua bán người, các cấp, các ngành cần xác định rõ nhiệm vụ, thống nhất nhận thức, tăng cường chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, tạo sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các tổ chức, đường dây mua bán người xuyên quốc gia. Các lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ địa bàn, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn tình trạng di cư trái phép ra nước ngoài ngay từ địa bàn bản, làng, thôn, xã. 

Song song đó, cần tiếp tục hoàn thiện, xây dựng hệ thống luật pháp, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình, xử lý nghiêm minh tội phạm và các tổ chức tội phạm mua bán trẻ em, nhất là đối với các đường dây xuyên quốc gia. Theo bà Vi Thị Bình, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Sơn La, Luật Phòng, chống mua bán người quy định nhiều chính sách rất nhân đạo, đã tạo điều kiện cho nạn nhân trở về sớm hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, để thực hiện đạt hiệu quả cao hơn, trong thời gian tới, cần tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật về phòng, chống mua bán người, đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định về hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân.

Cũng theo bà Bình, hiện chưa có lực lượng chuyên trách làm công tác phòng, chống tội phạm mua bán người ở địa phương, phần lớn là kiêm nhiệm. Kinh phí phục vụ cho công tác này còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, nạn nhân sau khi bị lừa bán trở về ít trình báo, không hợp tác với cơ quan công an vì các lý do như mặc cảm, sợ bị trả thù dẫn đến công tác xác minh, điều tra, thu thập chứng cứ, xử lý đối tượng gặp nhiều khó khăn... Một giải pháp quan trọng khác là cần có biện pháp hỗ trợ hiệu quả cho những phụ nữ, trẻ em bị lừa bán ra nước ngoài trở về, tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân nâng cao cảnh giác với các thủ đoạn lừa gạt của bọn “mẹ mìn”. Đồng thời, công tác phòng chống nạn mua bán phụ nữ, trẻ em phải luôn được coi là một công tác trọng tâm của các cấp, các ngành, nhất là chính quyền cơ sở./.

D.Anh