Phòng chống HIV⁄AIDS ở huyện Nậm Pồ Ngày đăng: 12/08/2019
Nậm Pồ là huyện có tỷ lệ người nhiễm HIV cao của tỉnh Điện Biên. Theo số liệu từ cơ quan chức năng, tính đến ngày 31⁄5⁄2019, lũy tích số người nhiễm HIV ở Nậm Pồ là 60 người, cư trú tại 12⁄15 xã.

Trong đó, 22 người đã tử vong, 2 người mất dấu không tìm thấy, hiện có 36 người nhiễm HIV/AIDS đang được quản lý. Số bệnh nhân HIV được điều trị ARV đến thời điểm hiện tại là 17 (điều trị tại huyện Mường Chà và Bệnh viện Ða khoa tỉnh 3 người; điều trị tại phòng khám ngoại trú (OPC) Trung tâm Y tế 14 bệnh nhân); lây truyền bệnh chủ yếu là do dùng chung bơm kim tiêm chích ma túy.

Ðể giảm thiểu tình trạng lây nhiễm HIV, Trung tâm Y tế huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền phòng, chống HIV đến người dân, đặc biệt, chú trọng những đối tượng có nguy cơ cao. Ngoài ra, Trung tâm phối hợp với Phòng Giáo dục và Ðào tạo tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và hành vi phòng, chống HIV/AIDS trong học sinh. Chủ động xây dựng kế hoạch hỗ trợ các trạm y tế xã tiếp cận, tư vấn và kết nối điều trị cho người bị nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn. Từ đầu đầu năm đến nay, Trung tâm đã tư vấn xét nghiệm sàng lọc HIV cho 368 người là đối tượng có nguy cơ cao và các đối tượng khác tại bệnh viện, trong các trường hợp: làm thủ thuật, phẫu thuật, khám tuyển nghĩa vụ quân sự, xét nghiệm tự nguyện nhưng không phát hiện trường hợp dương tính với HIV. Công tác tư vấn, xét nghiệm sàng lọc cho bà mẹ mang thai trước và trong khi sinh tại bệnh viện huyện tiếp tục được duy trì; kết quả, đã thực hiện xét nghiệm sàng lọc cho 151 bà mẹ, không phát hiện trường hợp dương tính với HIV. Huyện tiếp tục duy trì hoạt động cấp bơm kim tiêm sạch, bao cao su miễn phí cho người nghiện chích ma túy tại 15/15 xã. Cụ thể, cấp 29.000 bơm kim tiêm sạch, 8.500 bao cao su cho 417 lượt người nghiện ma túy trên địa bàn.

Bác sĩ Trần Hạnh Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ cho biết: công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do địa bàn rộng, dân cư phân bố không đều; đa phần là người dân tộc Mông, trình độ, nhận thức còn hạn chế; phụ nữ còn tâm lý e ngại hoặc không biết tiếng phổ thông nên rất khó khăn cho công tác tuyên truyền. Một số trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV, khi cán bộ y tế đến tận nhà tuyên truyền, tư vấn, điều trị bằng thuốc ARV nhưng không nhận mình mắc bệnh; có trường hợp nhận thuốc về nhưng không sử dụng. Bệnh nhân điều trị ARV không thường xuyên liên tục vì hay di chuyển khỏi địa bàn đi làm ăn xa; đa phần người nhiễm HIV có tiêm chích ma túy, khi điều trị ARV gây mệt mỏi nên thường uống thuốc không đầy đủ, hay bỏ liều... Ðể thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn, hướng tới Mục tiêu 90 - 90 - 90, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phổ biến Luật Phòng, chống HIV/AIDS; Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS; đồng thời, tăng cường giới thiệu, quảng bá rộng rãi, chi tiết các cơ sở cung cấp dịch vụ dự phòng và chăm sóc điều trị HIV/AIDS sẵn có để người dân, đặc biệt là người nhiễm HIV dễ dàng tiếp cận và sử dụng.../.

Thanh Ngân