Hải Phòng: Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều trị, cai nghiện ma túy trong tình hình mới Ngày đăng: 17/06/2019
Với đặc điểm của một đô thị lớn, giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường biển và đường hàng không, thời gian gần đây, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn thành phố Hải Phòng có những diễn biến phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng của thành phố đã phát hiện bắt giữ 305 vụ với 433 đối tượng, thu giữ 3,37 kg heroin; 12,22kg ma túy tổng hợp; 07 kg cần sa; 30,5 gam cocain; 729 triệu đồng và nhiều tang vật khác có liên quan đến hoạt động phạm tội về ma túy.

Những khó khăn và kết quả bước đầu

Các đối tượng tội phạm về ma túy luôn chọn Hải Phòng là một trong những địa bàn trung chuyển ma túy với số lượng lớn từ các tỉnh trên tuyến Tây Bắc, Bắc miền Trung và các tỉnh phía Nam qua Hải Phòng tiêu thụ hoặc chuyển đi các tỉnh, thành phố khác, hoặc đưa ra nước ngoài.

Thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, chúng lợi dụng những người nghiện để mua bán ma túy nên các lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn trong công tác đấu tranh, triệt phá; lợi dụng triệt để các sơ hở trong công tác quản lý của các ngành chức năng, nhất là lợi dụng các cơ chế ưu đãi về chính sách của Nhà nước trong thông quan hàng hóa, thủ tục hải quan, lợi dụng hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu để tổ chức mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, nhất là vận chuyển ma túy trên tuyến đường biển và bưu điện (đã phát hiện 01 vụ vận chuyển ma túy từ Canada qua đường bưu điện, bắt 02 đối tượng, thu 25,56 gam cocain và 19,85 gam ma túy tổng hợp; phát hiện 02 vụ, thu giữ 5,6 tấn lá Khát khai báo là chè, cà phê cất giấu trong container thông qua Cảng).

Tình trạng trồng và chiết xuất ma túy từ các loại cây chứa chất ma túy tiếp tục tái diễn (đã bắt giữ 01 đối tượng tự trồng và chiết xuất tinh dầu cần sa tại nhà ở quận Hồng Bàng). Đáng chú ý, Hải Phòng đã phát hiện loại ma túy mới là “nấm thần” hay còn gọi là “nấm ma thuật”.

Bên cạnh đó, đối tượng sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa, do chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của ma túy cũng như ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống ma túy. Tình trạng mua bán lẻ và tổ chức sử dụng ma túy tổng hợp tại các cơ sở karaoke, quán bar, vũ trường tuy đã được kiềm chế nhưng vẫn còn nhiều tiềm ẩn, nhiều cơ sở núp bóng quán karaoke nhưng được đầu tư cơ sở vật chất để biến thành sàn nhảy trá hình, vũ trường thu nhỏ nhằm lôi kéo các đối tượng sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Số người nghiện ma túy ngoài xã hội còn nhiều, đáng chú ý tình trạng người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại chất ma túy ngày càng phổ biến, số người sử dụng ma túy tổng hợp có xu hướng gia tăng. Việc sử dụng ma túy tổng hợp và các chất hướng thần, gây rối loạn tâm thần (ngáo đá) dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật đã gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân.

Theo thống kê, tính đến tháng 6/2019, toàn thành phố có 6.581 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Trong đó, 1.285 người đang quản lý tại các Cơ sở cai nghiện ma túy (chiếm 19,53%); 157 người đang cai nghiện tại gia đình, cộng đồng (chiếm 2,38%); 3.837 người điều trị thay thế bằng methadone tại 18 cơ sở (chiếm 58,30%). Riêng Ngành Lao động- Thương binh và Xã hội đang điều trị thay thế cho 1.009 người tại 06 cơ sở.

Ngoài ra, thực tế tại cộng đồng còn nhiều người nghiện chưa được phát hiện, lập hồ sơ quản lý. Đa số người nghiện không có việc làm, gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên không tự đóng góp kinh phí để cai nghiện. Tỷ lệ người nghiện ma túy tổng hợp có tiền án, tiền sự, nhiễm HIV/AIDS có chiều hướng gia tăng.

Hiện, thành phố có 3 Cơ sở có chức năng cai nghiện tập trung, 01 Trung tâm Tư vấn cai nghiện ma túy tại cộng đồng, 18 cơ sở điều trị và điểm cấp phát thuốc Methadone. Thành phố đang triển khai thực hiện 3 hình thức điều trị, cai nghiện ma túy: cai nghiện tập trung trong các Cơ sở cai nghiện ma túy (gồm cai nghiện bắt buộc + cai nghiện tự nguyện); cai nghiện tại gia đình và cộng đồng; điều trị thay thế bằng Methadone.

Song song với việc đấu tranh, triệt phá tội phạm ma túy, công tác điều trị, cai nghiện trên địa bàn thành phố Hải Phòng luôn được đặc biệt chú trọng và quan tâm triển khai, chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ, có chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Với chức năng quản lý nhà nước về công tác cai nghiện ma tuý, quản lý người nghiện sau cai nghiện và tổ chức quản lý đối với các cơ sở cai nghiện ma túy theo phân cấp, ủy quyền, những năm qua, Chi cục PCTNXH đã tích cực tham mưu cho Sở và Ủy ban nhân dân thành phố ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, quản lý công tác cai nghiện ma tuý trên địa bàn. Trong đó, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ cho các Cơ sở cai nghiện ma túy; tổ chức, quy hoạch lại các Trung tâm cai nghiện thành cơ sở điều trị, cai nghiện đa chức năng, cơ sở điều trị nghiện tự nguyện, cơ sở xã hội; hỗ trợ các xã, phường, thị trấn triển khai công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng; ban hành Quyết định hỗ trợ kinh phí cho người cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy; thí điểm xã hội hóa điều trị thay thế bằng methadone (do Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý) đã được áp dụng cho các cơ sở điều trị methadone của toàn thành phố, và được nhiều địa phương khác đến tham quan, học tập kinh nghiệm.

Ngay từ đầu năm 2019, Chi cục PCTNXH đã tham mưu cho Sở trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành nhiều văn bản, kế hoạch sát với diễn biến tình hình tệ nạn ma túy, giải quyết cơ bản những khó khăn vướng mắc trong công tác cai nghiện trên địa bàn thành phố, chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều trị cai nghiện ma túy, tăng cường thực hiện công tác quản lý người sử dụng ma túy trái phép, người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy, ban hành quyết định giao chỉ tiêu cho các quận, huyện đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện ma túy năm 2019; tạo điều kiện, chính sách thuận lợi cho người nghiện các chất ma túy tham gia chương trình cai nghiện tự nguyện; tập trung tham mưu xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố quy định chế độ hỗ trợ kinh phí cho người cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập, đến nay đã được UBND nhất trí trình Hội đồng nhân dân thành phố xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tổ chức vào tháng 7/2019).

Cán bộ tư vấn trao đổi với học viên điều trị Methadone

Giải pháp thời gian tới

Để nâng cao hiệu quả công tác điều trị, cai nghiện ma túy trên địa bàn trong tình hình hiện nay, thành phố Hải Phòng tập trung làm tốt một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Trong đó, chú trọng đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, cán bộ trực tiếp làm công tác cai nghiện, tư vấn ma túy. Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về công tác phòng, chống ma túy; tác hại của ma túy và nghiện ma túy, nhất là với học sinh, sinh viên, đối tượng nguy cơ cao, đối tượng thường xuyên di biến động.

Hai là, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện về cơ chế chính sách, pháp luật. Hội đồng nhân dân thành phố nghiên cứu, ban hành Nghị quyết về cơ chế chính sách hỗ trợ người cai nghiện ma túy tự nguyện tại các Cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố theo Nghị định số 80/2018/NĐ-CP ngày 17/5/2018 của Chính phủ.

Đồng thời, bố trí một cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội ở xã, phường, thị trấn; có chính sách thực hiện cơ chế đặc thù, chế độ làm việc, phụ cấp cho cán bộ nhân viên đang trực tiếp làm việc tại các cơ sở cai nghiện ma túy để đảm bảo đời sống cho cán bộ, nhân viên, người lao động yên tâm công tác.

Ba là, tăng cường phối hợp giữa các Sở, ngành và địa phương. Tổ chức xây dựng Quy chế phối hợp về công tác tổ chức, quản lý cai nghiện ma túy. Phối hợp với các địa phương tăng cường thực hiện công tác quản lý người sử dụng ma túy trái phép, người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy (rà soát, thống kê lập hồ sơ quản lý); vận động người nghiện ma túy đăng ký cai nghiện tự nguyện; có các chính sách hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm cho người sau cai nghiện khi tái hòa nhập cộng đồng.

Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác điều trị, cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện. Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức điều trị, cai nghiện và xã hội hóa để phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội trong công tác điều trị, cai nghiện và dự phòng nghiện. Làm tốt công tác quản lý học viên trong các cơ sở, giữ vững an ninh trật tự, không để xảy ra các tình huống đột xuất, bất ngờ.

Bên cạnh đó, địa phương và gia đình giúp đỡ, tạo việc làm cho người sau cai. Đây không chỉ là giải pháp quan trọng mà còn là mục tiêu của công tác cai nghiện phục hồi và phòng, chống tái nghiện, để người nghiện không tái nghiện và ổn định cuộc sống hòa nhập cộng đồng. Thực tế sau khi tái hòa nhập cộng đồng, số người nghiện có việc làm rất ít. Một phần do chính bản thân họ chưa có quyết tâm cao, còn mặc cảm, tự ti, thậm chí có tư tưởng ngại lao động, dựa dẫm. Một phần là do chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị sản xuất né tránh, không muốn nhận họ vào làm việc. Từ đó tạo cho người nghiện tâm lý chán chường, bất cần, buông xuôi đi lang thang, và trở lại con đường nghiện ngập.

Năm là, đề nghị các Bộ, ngành có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh nhằm đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản pháp luật (Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính…).

Xuất phát từ tình hình thực tế điều trị methadone của thành phố, đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh chỉ tiêu điều trị methadone do đối tượng nghiện ma túy có chiều hướng sử dụng nhiều loại ma túy tổng hợp (điều trị thay thế bằng methadone chỉ áp dụng được với người nghiện chất dạng thuốc phiện (heroin).

Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có chỉ đạo cụ thể về cơ chế hỗ trợ về công tác điều trị, cai nghiện ma túy, thí điểm hỗ trợ cai nghiện bằng thuốc đông y do Việt Nam sản xuất và cấp phép theo chỉ đạo của Chính phủ./.

Lê Thanh Tùng

Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội