Quảng Ninh: Tăng cường giải pháp cai nghiện ma túy có hiệu quả Ngày đăng: 13/06/2019
Thời gian qua, công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ ngành Trung ương và Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh; sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban ngành, đoàn thể, sự ủng hộ của quần chúng nhân dân và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực.

Theo thống kê, đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có gần 70% người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được điều trị nghiện bằng các hình thức phù hợp, trong đó 52,2% người được điều trị thay thế bằng methadone; trên 22,2% người cai nghiện tập trung (chủ yếu là tự nguyện); còn lại được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và tại các cơ sở trại giam, nhà tạm giam.

Tuy nhiên, tình hình tệ nạn ma tuý trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Hoạt động mua bán, tàng trữ, sử dụng ma túy tổng hợp trong giới trẻ (nhất là ma túy dạng đá và một số dạng mới có hình thức, nhãn mác trá hình tinh vi, nguồn gốc từ Trung Quốc) có xu hướng tăng. Số người nghiện ma túy chưa được điều trị còn cao và chưa có chiều hướng giảm; số đối tượng tha tù, người sau cai nghiện về cộng đồng tỷ lệ tái nghiện còn cao; có tình trạng người nghiện ma túy điều trị Methadone tự bỏ trị hoặc vẫn sử dụng các loại ma túy khác hoặc có biểu hiện mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy; công tác cai nghiện tại cộng đồng còn hình thức, chưa thực chất... ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội cũng như thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

Để cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về phòng, chống và điều trị, cai nghiện ma túy tại Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 theo Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 16/12/2014 của Chính phủ về việc “Tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma tuý trong tình hình mới”, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều Kế hoạch để chỉ đạo, triển khai thực hiện như: Kế hoạch số 1977/KH-UBND ngày 16/4/2015 về thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma tuý giai đoạn 2015-2020; Kế hoạch số 1502/KH-UBND ngày 24/3/2015 về thực hiện tăng cường công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma tuý trong tình hình mới; Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 06/4/2017 về thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020, với các giải pháp đã được triển khai đồng bộ, quyết liệt như sau:

Trước hết, tỉnh tập trung đầu tư nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất Cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh. Chỉ đạo đổi mới hoạt động và nâng cao chất lượng công tác điều trị tại Cơ sở theo hướng đơn vị cung cấp dịch vụ cai nghiện, thực hiện cai nghiện cho đối tượng bắt buộc, tự nguyện, người không có nơi cư trú ổn định. Bên cạnh công tác điều trị, cắt cơn, Cơ sở còn làm tốt các hoạt động hỗ trợ tư vấn tâm lý, dự phòng tái nghiện, vui chơi giải trí, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm cho người cai nghiện.

Thứ hai, ban hành chính sách hỗ trợ cho người cai nghiện ma túy tự nguyện, tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy. Từ năm 2015, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 206/2015/NQ-HĐND ngày 15/7/2015 về chính sách hỗ trợ cho người tự nguyện chữa trị, cai nghiện ma tuý tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, giai đoạn 2015 -2020. Theo đó, người nghiện ma túy có hộ khẩu thường trú tại Quảng Ninh tự nguyện vào Cơ sở cai nghiện từ đủ 6 tháng trở lên được hỗ trợ 100% chi phí (gồm tiền ăn, ở, điện nước sinh hoạt, văn nghệ thể thao, đồ dùng thiết yếu...) với mức hỗ trợ bằng mức chi đối với người cai nghiện bắt buộc theo quy định của Nhà nước. Mỗi năm, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ cho 400-500 người nghiện trên địa bàn có cơ hội được cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở.

Do đặc thù người nghiện chủ yếu sử dụng ma túy tổng hợp (chiếm gần 70%) nên tính chất, môi trường làm việc, sinh hoạt trong Cơ sở cai nghiện ngày càng phức tạp, có nhiều áp lực. Để tạo điều kiện tốt hơn cho người nghiện yên tâm điều trị bệnh, đồng thời, động viên, thu hút cán bộ yên tâm công tác, từ cuối năm 2018, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 144/2018/NQ-HĐND quy định chính sách thực hiện cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ 01/01/2019, người cai nghiện ma túy (kể cả bắt buộc và tự nguyện) có hộ khẩu Quảng Ninh tham gia ký hợp đồng cai nghiện từ đủ 6 tháng trở lên sẽ được hưởng tiền ăn bằng 1,0 mức lương cơ sở/người/tháng; chi phí chăn, màn, chiếu, gối, quần áo, đồ dùng sinh hoạt cá nhân (và băng vệ sinh đối với học viên nữ) bằng 1,5 mức lương cơ sở/người/năm; hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao, sách báo, truyền hình và các hoạt động vui chơi giải trí khác là 10.000đ/người/tháng; được đào tạo nghề nếu chưa được học và chưa có nghề... Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh được hỗ trợ may trang phục, dụng cụ với mức 2.000.000đồng/người năm, đồng thời được hưởng mức trợ cấp  7.500.000 đ/người/tháng đối với bác sỹ và mức 2.500.000 đồng/người/tháng cho các cán bộ, nhân viên còn lại.

Lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu cho cán bộ trực tiếp thực hiện công tác cai nghiện ma túy

Thứ ba, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác quản lý và cán bộ trực tiếp thực hiện công tác cai nghiện ma túy các cấp, đảm bảo đủ điều kiện để thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công. Đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền phòng, chống và cai nghiện ma túy (nhất là tác hại của việc sử dụng ma túy tổng hợp, chất hướng thần mới…) phù hợp với từng nhóm đối tượng nhằm nâng cao nhận thức, chủ động dự phòng nghiện, giảm nguy cơ mắc các tệ nạn xã hội.

Hằng năm, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đều tổ chức các lớp tập huấn, củng cố kiến thức cho cán bộ theo dõi, quản lý công tác phòng chống, cai nghiện ma túy các cấp. Năm 2019, để chuẩn hóa kiến thức về tư vấn, điều trị nghiện ma túy cho cán bộ các cấp, Sở đã phối hợp với Trường Đào tạo cán bộ, công chức, lao động - xã hội tổ chức 05 lớp bồi dưỡng kiến thức cơ bản cho gần 200 cán bộ quản lý và 04 lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về tư vấn và điều trị nghiện ma túy cho 140 cán bộ trực tiếp làm công tác điều trị, cai nghiện từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã và Cơ sở cai nghiện ma túy theo Thông tư số 04/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/4/2016. Việc tập huấn, đào tạo thường xuyên giúp cán bộ vững vàng, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Thứ tư, tổ chức triển khai các biện pháp thúc đẩy cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng. Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết quy định ngân sách tỉnh chi toàn bộ chi phí xác định tình trạng nghiện, khám sức khỏe, các xét nghiệm để chuẩn bị cắt cơn theo giá dịch vụ y tế; hỗ trợ cho người cai nghiện ma túy cai nghiện tại gia đình, cộng đồng tiền thuốc cắt cơn mức 650.000đồng/người/lần; tiền ăn mức 40.000đồng/người/ngày, thời gian tối đa 15 ngày; hỗ trợ 01 lần tiền học nghề cho người cai nghiện chưa có nghề theo đơn giá nghề học (tối đa 2.000.000 đồng/người/lần).

Tổ chức thí điểm triển khai cai nghiện ma túy tại các Điểm tư vấn, hỗ trợ người cai nghiện tại cộng đồng và cai nghiện bằng thuốc đông y do Việt Nam sản xuất (thuốc Cedemex). Đồng thời, chủ động nắm tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn và đồng hành cùng các địa phương trong việc tổ chức, triển khai các biện pháp cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.

Với nhiều giải pháp đồng bộ như trên, trong những năm vừa qua, Quảng Ninh đã triển khai có hiệu quả Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy và kỳ vọng đến năm 2020, nhận thức của các cấp, các ngành, người dân về phòng, chống và điều trị, cai nghiện ma túy sẽ thay đổi rõ rệt theo đúng quan điểm định hướng chỉ đạo của Chính phủ; giảm phát sinh người nghiện ma túy mới; 100% cán bộ làm công tác quản lý, tư vấn, cai nghiện ma túy được đào tạo kiến thức phù hợp;  90% người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được điều trị, cai nghiện (tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh và tại gia đình, tại cộng đồng), góp phần giảm tỷ lệ gia tăng người nghiện, giảm tác hại do nghiện ma túy gây ra đối với cộng đồng, đảm bảo an sinh xã hội và giữ vững trật tự an toàn xã hội./.

Lê Minh Sơn

Phó Giám đốc Sở Lao động-TBXH