Cơ sở cai nghiện ma tuý số 3 TP. Hồ Chí Minh: Gắn cai nghiện với giáo dục, dạy nghề Ngày đăng: 17/04/2019
“Trong thời gian cai nghiện tại Cơ sở, mỗi học viên được lựa chọn học một nghề phù hợp với sức khỏe và điều kiện bản thân, để khi trở về tạo lập được cuộc sống của mình, tránh những cám dỗ khi không có việc làm và đặc biệt hơn là tạo cơ hội cho họ sớm hòa nhập cộng đồng…” - ông Trương Quang Nam, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 TP. Hồ Chí Minh cho biết.

 

Được thành lập tháng 11/1999, đóng trên địa bàn huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, Cơ sở cai nghiện ma túy (CSCNMT) số 3, thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong TP. Hồ Chí Minh, là cơ sở điều trị đa chức năng (điều trị nghiện ma túy tự nguyện và bắt buộc) tiếp nhận, điều trị cho người nghiện bắt buộc theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền và người nghiện ma túy tự nguyện đăng ký cai nghiện.

Ông Trương Quang Nam, Giám đốc giới thiệu về tình hình hoạt động của Cơ sở cai nghiện ma túy số 3

Hiện nay, Cơ sở đang quản lý, điều trị, cai nghiện cho 1.270 người nghiện ma túy. Trong đó, số người sử dụng ma túy tổng hợp là 1.087 người (chiếm 86%).

 Học viên tại CSCNMT số 3

Với quan điểm “Lấy người cai nghiện làm trung tâm”, Cơ sở tổ chức các hoạt động giáo dục, phân tích và xử lý tình huống, thảo luận nhóm, chia sẻ kinh nghiệm, làm bài tập, thực hành cá nhân… với các nội dung: Tăng cường bảo vệ sức khỏe; Trách nhiệm công dân; Dự phòng tái nghiện.

Giờ học kỹ năng phòng, chống và cai nghiện ma túy

 “Nhằm giúp học viên nhận thức đúng đắn về những vấn đề thường gặp trong cuộc sống, về trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân đối với gia đình, xã hội; đặc biệt là hình thành những thói quen, hành vi văn minh, phù hợp với chuẩn mực xã hội; có kỹ năng phòng chống tái nghiện và những kỹ năng sống khác để tự tin xây dựng lại cuộc sống của mình khi tái hòa nhập cộng đồng” – ông Trương Quang Nam chia sẻ.

 Học viên học nghề điện, may, sửa chữa máy tính

Thời gian qua, CCSNMT số 3 phối hợp với cơ sở dạy nghề tổ chức dạy nghề trình độ sơ cấp cho học viên như: May công nghiệp, Điện gia dụng, Sửa xe gắn máy, Lắp ráp - cài đặt sửa chữa vi tính – điện thoại, giúp người cai nghiện sau khi trở về gia đình có khả năng tìm việc hoặc tự tạo việc làm, tái hòa nhập cộng đồng, góp phần hoàn thiện nhân cách bản thân, tránh xa cám dỗ của ma túy.

 

Học viên tham gia lao động trị liệu

Các hoạt động lao động trị liệu giúp học viên rèn luyện thể lực, có thu nhập (năm 2018bình quân đạt 483.000 đồng/người/tháng), nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày. Đặc biệt, thông qua lao động và bằng lao động đã giúp người cai nghiện có ý thức về bản thân, biết tiết kiệm, quý trọng sức lực lao động và chi tiêu hợp lý.

Một buổi thăm thân tại Cơ sở

Cơ sở xây dựng khu thăm gặp thân nhân khang trang, quy chuẩn và đảm bảo chế độ thăm gặp 01 tuần/lần. Năm 2018, Cơ sở đã tổ chức 63 buổi thăm gặp với 5.531 lượt thân nhân và 4.228 lượt người cai nghiện).

Đoàn Thanh niên của CSCNMT số 3 phát động xây dựng môi trường cai nghiên thân thiện 

Đời sống văn hóa, tinh thần của học viên luôn được đơn vị quan tâm. Ngoài các hoạt động thể thao như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bida, bóng bàn,... các hội thi Gala cười, hội chợ ẩm thực, Cơ sở còn phối hợp với các đơn vị đóng chân trên địa bàn tổ chức biểu diễn văn nghệ, giao lưu với học viên. Đồng thời, Đoàn Thanh niên phát động phong trào “3 không”, “5 nhất” xây dựng môi trường cai nghiện thân thiện./.

Như Ngọc