Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Bình Thuận: nỗ lực vượt khó giúp người nghiện làm lại cuộc đời Ngày đăng: 16/04/2019
Công tác cai nghiện và quản lý người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Bình Thuận luôn được quan tâm. Tuy nhiên, thời gian qua, do tệ nạn ma túy tiếp diễn phức tạp khiến cho Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh Bình Thuận ngày càng phải tiếp nhận nhiều học viên dẫn đến tình trạng quá tải, gây khó khăn không nhỏ trong việc hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đối mặt nhiều khó khăn, thách thức

Tọa lạc tại thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh Bình Thuận hiện đang có hơn 280 học viên cai nghiện tại đây. Con số này đã vượt quá sức chứa hiện tại (vượt công suất 173%), mặc dù mới đây cơ sở đã được UBND tỉnh đầu tư xây dựng thêm 10 phòng tương đương với sức chứa 100 học viên nhưng vẫn không đủ sức tiếp nhận người nghiện tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Trước tình trạng quá tải, ngay từ đầu năm nay cơ sở này đã không thể tiếp nhận học viên mới.

Ông Nguyễn Văn Thoại, Phó trưởng phòng điều trị nội trú - Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Bình Thuận cho biết: “Hiện nay, cơ sở vật chất của cơ sở điều trị cai nghiện ma túy tỉnh Bình Thuận đã xuống cấp rất nghiêm trọng. Sức chứa của cơ sở là 100 học viên, tuy nhiên hiện tại số lượng học viên đã lên đến hơn 280 học viên, do đó rất khó khăn trong việc bố trí nơi ăn ở, sinh hoạt, học tập cho học viên”.

Theo số liệu thống kê, trong năm 2008, toàn tỉnh chỉ có 401 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Tuy nhiên trong vòng 10 năm, con số này đã lên đến hơn 2.800 người nghiện có hồ sơ quản lý tại 107 các xã, phường, thị trấn. Trên 80% số người nghiện ma túy trong độ tuổi thanh thiếu niên và không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định. Để có tiền sử dụng ma túy, các đối tượng này thường xuyên thực hiện các hành vi phạm tội như trộm cắp, cướp giật, cướp tài sản... gây mất an ninh trật tự tại địa phương, gây lo lắng trong nhân dân.

Với con số người nghiện cứ tiếp tục tăng như thế này, tình trạng quá tải tại cơ sở điều trị cai nghiện chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới.

“Tình trạng quá tải khiến việc tiếp nhận học viên mới gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, cơ sở đang tận dụng những công trình đã cũ và sửa chửa lại để bố trí chổ ở tạm cho học viên, tình trạng này cũng gây khó khăn trong công tác quản lý. Trước mắt, chúng tôi hiện đang thực hiện theo Kế hoạch số 153 ngày 10/01/2019 của UBND tỉnh, theo đó từ tháng 01 đến tháng 5, cơ sở sẽ không tiếp nhận học viên.” – Ông Nguyễn Văn Thoại cho biết thêm.

Học viên lao động trị liệu

Cũng theo ông Thoại, giải pháp trước mắt là kiến nghị UBND tỉnh quan tâm, tạo điều kiện mở rộng thêm nhiều phòng, gia tăng sức chứa của cơ sở.

 “Tỉnh đã có quan tâm và cho xây dựng mở rộng thêm 100 chỗ cho cơ sở. Tuy nhiên, theo số liệu của các địa phương, thì những đối tượng có hồ sơ quản lý trên toàn bộ địa bàn tỉnh là hơn 2.800 hồ sơ của người nghiện ma túy. Vì vậy, cho dù có mở rộng thêm thì tổng dung lượng chứa cơ sở là 200 – không thấm thía gì đâu vào số hồ sơ hiện tại đang có trên địa bàn tỉnh. Do đó, cơ sở cũng kiến nghị UBND tỉnh quan tâm, mở rộng thêm nhiều phòng hơn nữa để có thể mở rộng dung lượng chứa có thể tiếp nhận được nhiều hơn số học viên tại cơ sở” – Ông Nguyễn Văn Thoại cho biết.

Không chỉ đối mặt với tình trạng quá tải, hiện nay cơ sở này còn thiếu bác sĩ điều trị. Nguyên nhân là do môi trường làm việc khá đặc biệt trong khi đó chế độ đãi ngộ chưa phù hợp không thu hút được .

Ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Giám đốc sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Thuận cho biết: “Việc tuyển bác sỹ về rất khó khăn, rất nhiều năm không tuyển được. Hiện nay chúng tôi chưa được cấp phép khám chữa bệnh theo quy định của pháp luật”.

“Chúng tôi tiếp tục đề xuất Trung ương và tỉnh quan tâm đầu tư thêm 300 phòng nâng sức chứa lên 500 chỗ ở, hiện tại người nghiện là hơn 2.000 thì 500 chỗ chưa nhiều nhưng trong điều kiện khó khăn thì cũng đề nghị xây thêm 200, 300 chỗ”.

Mặt dù gặp phải những khó khăn nêu trên, tuy nhiên, trong thời gian qua nhìn chung, đội ngũ công chức, viên chức, lao động cơ sở đã có nhiều cố gắng để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, trong đó tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là đảm bảo tình hình an ninh trật tự, không để xảy ra các sự cố gây rối, đánh nhau nghiêm trọng trong cơ sở. Các chỉ tiêu chủ yếu được lãnh đạo Sở giao đều hoàn thành. Các nhiệm vụ khác được cơ sở chấp hành tốt theo chỉ đạo của lãnh đạo sở.

Trong năm, Cơ sở đã điều trị, cắt cơn cho 252 học viên, đảm bảo an toàn, không xảy ra sự cố chuyên môn; khám bệnh, cấp thuốc cho hơn 1.200 học viên.

Theo ghi nhận của Phóng viên Cổng Thông tin Điện tử tỉnh tại Cơ sở, tuy số lượng học viên đông nhưng cơ sở vẫn giữ nề nếp sinh hoạt, học tập, lao động theo nội quy, quy chế đã ban hành. Ngoài nội dung theo chương trình giáo dục phục hồi hành vi nhân cách, giáo dục pháp luật, giáo dục y tế, giáo dục kỹ năng sống trao đổi và rèn luyện nhân cách, giá trị trung thực, nhận thức về bản thân và giáo dục truyền thống nhân các ngày Tết, lễ, kỷ niệm lớn trong quý cùng với các hoạt động thể thao, vui chơi, giải trí.

Chia sẻ thêm về việc này, ông Nguyễn Văn Thoại cho biết: “Tại cơ sở, chúng tôi rất chú trọng đào tạo dạy nghề cho các học viên, nhất là các công việc có thể giúp các em tái hòa nhập cộng đồng có thể tìm được việc làm. Các năm gần đây, cơ sở luôn phối hợp với Trường Cao đẳng nghề để tổ chức các lớp nghề như là bảo trì điện nước, dân dụng, điện lạnh, kỹ thuật hàng. Do cơ sở không đủ điều kiện để mở lớp, vì vậy, chúng tôi luôn cố gắng phối hợp với nhà trường để tạo điều kiện cho các học viên học tập, lao động”.

Được biết, hằng năm, cơ sở luôn mở 02 lớp sơ cấp nghề kỹ thuật hàn, lắp đặt và bảo dưỡng điện – nước dân dụng cho 60 học viên cai nghiện bắt buộc, qua đó tư vấn, định hướng cho học viên học nghề và tìm kiếm việc làm khi tái hòa nhập cộng đồng nhằm chống tái nghiện. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì loại hình gia công làm kim băng móc đèn thanh long, đan hàng thủ công mỹ nghệ cho học viên lao động trị liệu. Số tiền thu được từ hoạt động này đã được tính toán trả tiền công cho học viên. Ngoài ra, cơ sở còn tổ chức cho học viên cuốc đất trồng rau, làm cỏ xung quanh khu vực trong và ngoài cơ sở. Thời gian làm việc cho học viên được bố trí vào các buổi trong tuần khoảng 04 tiếng/ngày (trừ thứ năm, chủ nhật). Tính đến nay, Cơ sở đã bàn giao cho gia đình 08 học viên cai nghiện tự nguyện và 99 học viên cai nghiện bắt buộc hết thời gian cai nghiện tại cơ sở.

Chia sẻ về môi trường học tập, lao động tại Cơ sở, anh Nguyễn Tú Dũng – một học viên cai nghiện tại Cơ sở cho biết: “Khi vào trong đây em cảm thấy khỏe ra, điều kiện ăn uống rất tốt đối với bản thân mình và các anh em xung quanh. Các hoạt động lao động đều vừa tầm với sức vóc của bản thân. Bản thân em rất mong muốn mình sớm hoàn thành việc cai nghiện, tái hòa nhập vào cộng đồng để làm lại cuộc đời”./.

K.H (Theo Báo Bình Thuận)