Ngôi nhà yên bình của những người cai nghiện Ngày đăng: 15/02/2019
Nằm giữa lòng hồ Thác Bà với khung cảnh nên thơ, thấp thoáng những khu nhà sạch sẽ, gọn gàng phủ khắp một màu xanh cây trái bốn mùa, Cơ sở cai nghiện ma túy (CSCNMT) tỉnh Yên Bái (trực thuộc Sở LĐTB&XH) được ví như “ngôi nhà yên bình” của gần 350 người cai nghiện.

 

 

Trên “ốc đảo” này, họ được điều trị, tư vấn tâm lý, lao động trị liệu, học nghề với mong muốn sớm được trở về hòa nhập cộng đồng, tránh xa ma túy. Tuy nhiên, con đường về nhà của người nghiện còn rất gian nan nếu không có sự quyết tâm của chính bản thân họ, cũng như sự vào cuộc, chung tay của toàn xã hội.

Quyết tâm từ bỏ ma túy để sớm được về nhà

Anh Hà Khánh Trung, 51 tuổi ở huyện Lục Yên không nhớ nổi đã vào - ra CSCNMT bao nhiêu lần. Chỉ biết anh làm bạn với “nàng tiên nâu” từ khi còn trẻ, trong tâm tưởng lúc nào cũng muốn dứt bỏ nhưng rồi sau cai vẫn “đâu vào đấy”. Ở nhà, anh có một cửa hàng buôn bán nhỏ, cũng kiếm được đồng ra đồng vào nuôi con, nhưng đó là lúc khỏe mạnh khi mới đi cai về, còn sau đó không lâu anh lại giấu vợ con tìm đến với ma túy. Đến khi sức khỏe yếu, vợ con, anh em khuyên nhủ anh đi cai. “Tôi biết là vợ con rất khổ, tiền kiếm không ra nhưng mắc nghiện thì ngày nào cũng phải có vài trăm nghìn. Vì thế, tôi và gia đình viết đơn tình nguyện vào đây vì ở nhà không thể cai được” - anh Trung nói.  

Còn anh Thào A Khua, 35 tuổi ở xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn, từng là cán bộ lâm nghiệp nhưng cũng bị rơi vào cám dỗ của “thuốc trắng”. Anh cũng “năm lần bảy lượt” vào Cơ sở cai nghiện, lần nào cũng tỏ rõ sự quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy, nhưng rồi khi trở về nhà, bị những “đồng nghiệp” cũ rủ rê, lôi kéo, anh lại tái nghiện lúc nào không hay.

Khi vào Cơ sở, anh được cắt cơn và lao động nên thấy tinh thần thoải mái, phấn chấn hơn. Hiện, anh đang học nghề cắt tỉa, trồng cây cảnh để có thể áp dụng sau này khi về nhà. “Vào đây, tôi được các thầy động viên, chia sẻ rất nhiều nên tự nhủ đây là lần cuối cùng vào Cơ sở. Mỗi lần vào đây, nhìn thấy các thầy tôi rất xấu hổ và lần này quyết tâm học nghề vững vàng và trở về nhà để kiếm sống và nói không với ma túy”.

Học viên CSCNMT Yên Bái lao động trị liệu

Chăm sóc người nghiện như người thân

Trong số gần 350 học viên đang quản lý, điều trị tại Cơ sở, có 13 trường hợp tự nguyện, còn lại là cai nghiện bắt buộc theo Nghị định 135 và Nghị định 221. Tại Cơ sở, đối tượng được ở trong điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo, sạch sẽ; mức trợ cấp tiền ăn bằng 0,8 mức lương cơ sở đối với học viên cai nghiện bắt buộc. Công tác chăm sóc y tế được Cơ sở hết sức quan tâm, 100% học viên được khám chữa bệnh khi có nhu cầu; trường hợp ốm đau được đưa đi khám và điều trị kịp thời, nếu học viên phải điều trị dài ngày tại bệnh viện tuyến trên thì Cơ sở hoàn thiện thủ tục đề nghị Tòa án nhân dân huyện Yên Bình (nơi đơn vị đóng trụ sở) xem xét ban hành quyết định tạm đình chỉ, hoặc miễn chấp hành cho học viên đi viện tuyến trên. 

Ông Nguyễn Văn Yên - Phó Giám đốc Cơ sở cho biết: Quy trình cai nghiện, phục hồi sức khỏe, nhân cách cho người nghiện ma túy tại đây được thực hiện theo 5 giai đoạn, gồm: tiếp nhận, phân loại; điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội; giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách; lao động trị liệu, học nghề; phòng, chống tái nghiện, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng.

Cơ sở ngoài “đảo” có 2 khu A và B. Sau giai đoạn cắt cơn khoảng 15 ngày ở khu A, nếu học viên nào ốm yếu sẽ ở lại bệnh xá để điều trị tiếp, ai khỏe mạnh chuyển xuống khu lao động ở khu B. Điều đáng nói là do nằm giữa lòng hồ nên ở đây tuyệt đối không có sự thẩm lậu ma túy. Nhiều năm nay, không có học viên trốn trại, không có tai biến trong quá trình điều trị. Tất cả cán bộ, nhân viên đều coi học viên như người thân trong gia đình.

“Người nghiện hầu hết từ các địa phương trong tỉnh, có cả thành phần tri thức, ở thành phố, thị trấn, nhưng phần lớn là người dân tộc thiểu số. Hiện có 8 người nhiễm HIV đang được điều trị ở khu A. Trước khi vào đây, họ sử dụng ma túy tổng hợp, có cả ma túy đá, nhiều người nhân thân rất phức tạp, có nhiều tiền án, tiền sự, mức độ hợp tác của học viên đối với công tác cai nghiện mới khi vào Cơ sở là không cao. Nếu như ở các cơ sở y tế bên  ngoài, người bệnh tìm đến chữa trị bệnh thì ở đây, chúng tôi phải mời họ đến để thăm khám, tư vấn và điều trị. Thậm chí mời họ còn không đến, gia đình không muốn hợp tác với cán bộ Cơ sở, giấu bệnh, mặc cảm. Do đó, đây là vấn đề rất khó khăn cho chúng tôi trong điều trị cai nghiện” - ông Nguyễn Văn Yên chia sẻ thêm.

Biện pháp nào quản lý người sau cai?

Anh Hà Khánh Trung, Thào A Khua cũng như những người nghiện đang được điều trị cắt cơn, sinh hoạt ở CSCNMT Yên Bái đều nhận thức rất đầy đủ về tác hại của ma túy và chuyên tâm cai nghiện để sớm trở về hòa nhập cộng đồng. Thế nhưng nhiều người trong số họ vẫn tái nghiện. Nguyên nhân một phần do bản lĩnh không vững vàng, một phần là do hoàn cảnh xã hội. Song trên hết, khao khát của họ là sau cai sẽ có sức khỏe tốt, công việc ổn định để kiếm sống, tránh xa ma túy. Lãnh đạo Cơ sở nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nhất là tạo nghề cho học viên để khi về nhà họ có thể tìm được việc làm ổn định, có thu nhập, tránh xa tệ nạn và tái nghiện.

Điều đó có thể thấy rõ ràng ở khu B, nơi hàng trăm học viên đang lao động tại xưởng mộc, chăn nuôi hay chăm sóc vườn rau. Sử dụng máy cưa, bào thuần thục trong xưởng đóng bàn ghế, anh Nguyễn Tiến Tài, 48 tuổi ở xã Sơn Thịnh, Văn Chấn cho biết, anh vào Cơ sở cai nghiện đã được 2 tháng. Ở nhà làm nông nghiệp và biết chút ít nghề mộc. Vào đây, anh được một số anh em học viên hướng dẫn thêm về nghề nên bây giờ các đường bào, đôi tay đục đẽo đã thuận thục hơn. Tổ mộc của anh hiện có trên 30 học viên, có một số rất thạo nghề, khéo tay, có thể vận hành được máy móc, nên người biết chỉ cho người chưa biết cùng làm. Nguyên vật liệu, dụng cụ, mẫu mã được Cơ sở cung cấp. Từ đôi tay khéo léo, cần mẫn của các học viên, những bộ bàn ghế, giường tủ, kệ giày dép... lần lượt ra đời. Các sản phẩm không bán ra ngoài mà quay lại phục vụ chính nhu cầu của học viên tại Cơ sở.

Còn anh Giàng A Pó, ở xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải vốn quanh năm làm ruộng, nuôi bò nên sau giai đoạn cắt cơn anh tình nguyện làm việc ở trại chăn nuôi. Hiện trại có 68 con bò, 9 con trâu và gần 20 con dê. Công việc của anh cùng các học viên là chăm sóc đàn dê, đi cắt cỏ cho trâu, bò. Anh Pó hồ hởi cho biết: “Tôi còn 3 tháng nữa là được về rồi. Trước tôi nghiện thuốc phiện, phải bán hết bò, ngô để lấy tiền hút thuốc. Vào đây được cắt cơn, lao động, tôi thấy sức khỏe tốt lên. Các thầy dạy cho nghề chăn nuôi, trồng trọt nên về nhà tôi sẽ vay vốn đầu tư nuôi bò lấy thịt, không dùng ma túy nữa”.

Ông Lê Công Huấn - Giám đốc CSCNMT Yên Bái khẳng định, đào tạo nghề cho học viên trong quá trình cai nghiện rất quan trọng. Cơ sở cũng rất dân chủ, để học viên tự chọn nghề mình yêu thích và theo khả năng. Điều mấu chốt là làm sao để anh em có tay nghề vững vàng, tìm được việc làm hoặc tự mở cơ sở sản xuất, kinh doanh sau khi về địa phương, từ đó họ cảm thấy thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, không bị mặc cảm, biết trân trọng đồng tiền làm ra, tránh xa tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cơ sở, khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa có kinh phí đào tạo nghề cho học viên, trong khi với lực lượng mỏng nên đa số cán bộ của Cơ sở là kiêm nhiệm. Việc dạy nghề chủ yếu qua “dắt tay chỉ việc”, chưa thực sự bài bản. Nhiều học viên là người dân tộc thiểu số, trình độ hạn chế, thiếu ý chí nên chất lượng học nghề cao không cao.

Bên cạnh đó, quản lý học viên sau cai cũng còn nhiều khoảng trống. Ông Lê Công Huấn khuyến nghị: “Cơ sở chỉ quản lý học viên đến khi họ hết đợt cai, thời gian từ 12 - 24 tháng do Tòa án nhân dân quyết định. Chúng tôi cũng tham mưu cho chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp sau cai để giảm tỷ lệ tái nghiện. Khi học viên trở về, chính quyền địa phương, gia đình phối kết hợp tạo công ăn việc làm cho anh em, tránh để họ có thời gian nhàn rỗi cũng như có điều kiện giao tiếp với bạn bè cũ. Các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn cũng không nên kỳ thị đối với quá khứ của người nghiện mà từ chối họ vào làm việc. Các cấp, các ngành nên truyên truyền, vận động để người dân thay đổi cách nhìn về người nghiện ma túy, không nên xa lánh họ. Nếu bản thân người nghiện quyết tâm, cùng với sự chung tay của gia đình, cộng đồng, thì công tác cai nghiện mới thành công”./.

Như Ngọc