Ghi nhận từ mô hình cai nghiện tại cộng đồng Ngày đăng: 22/05/2018
Nhiều năm qua, nhờ đẩy mạnh thực hiện mô hình quân dân y kết hợp trong công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần đáng kể trong việc giảm thiểu số người nghiện ma túy trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Theo đánh giá của cơ quan chức năng và các chuyên gia, đây là mô hình cai nghiện tại cộng đồng rất hiệu quả, cần được nhân rộng.

Từng có một gia đình hạnh phúc với hai cô con gái và một cậu con trai, nhưng vì nghe theo lời của kẻ xấu rủ rê, trong những chuyến đi làm ăn xa gia đình, anh Cử Bá Chò, ở bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã nhẹ dạ dùng thử ma túy và dần dần mắc nghiện lúc nào không hay.

Năm 2015, Bệnh xá Quân dân y Tiểu khu Kỳ Sơn phối hợp với UBND xã Nậm Cắn tổ chức cai nghiện tập trung tại nhà văn hóa bản Tiền Tiêu. Nhờ sự động viên của gia đình, anh Chò đã tự nguyện đăng ký tham gia cai nghiện. Sau 30 ngày được y, bác sĩ Bệnh xá tận tình chăm sóc, giúp đỡ và sử dụng thuốc đầy đủ kết hợp tham gia các hoạt động thể chất, anh Chò đã cắt được cơn nghiện. Anh Cử Bá Chò vui vẻ cho biết: tôi may mắn nhận được sự giúp đỡ của các y, bác sĩ Bệnh xá Quân dân y Tiểu khu Kỳ Sơn và chính quyền địa phương nên đã cai nghiện ma túy thành công. Từ khi cai nghiện trở về thì anh em trong bản ai cũng mừng vì họ thấy mình khỏe lên, không dính líu đến tệ nạn xã hội, tham gia đầy đủ các hoạt động ở địa phương.

Huyện Kỳ Sơn có 11 xã biên giới với trên 100 bản làng, mật độ dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số Mông, Thái và Khơ Mú… sinh sống. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bà con, bọn tội phạm đã dụ dỗ người dân tham gia vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy. Đây chính là nguyên nhân làm gia tăng số người nghiện, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Trước thực trạng này, từ năm 2010, Bệnh xá Quân dân y Tiểu khu Kỳ Sơn đã phối hợp với các đồn Biên phòng và chính quyền các xã giáp biên giới tiến hành thành lập Tổ công tác cai nghiện, vận động người nghiện ma túy, gia đình có người nghiện ma tuý đăng ký cai nghiện và tổ chức quản lý sau cai nghiện. Đồng thời, tăng cường phối hợp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên về tác hại của ma túy để mọi người tự bảo vệ mình và tham gia tích cực vào công tác phòng, chống ma túy, xóa bỏ nạn tái trồng cây thuốc phiện, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, tạo công ăn việc làm cho người dân.

Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn, Lầu Bá Thái cho biết: quân y bộ đội biên phòng ngoài việc tổ chức cắt cơn cai nghiện tập trung tại bệnh xá còn tổ chức về tại bản vận động người nghiện tập trung tại các điểm như nhà văn hóa, trạm xá để cắt cơn, cai nghiện. Sau khi cai nghiện, chính quyền địa phương, ban quản lý bản và các lực lượng kịp thời động viên, giúp đỡ để người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng, tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng.

Theo Bệnh xá trưởng Bệnh xá Quân dân y Tiểu khu Kỳ Sơn, Đại úy Cao Thanh Lĩnh, trong những năm qua, Bệnh xá đã tiến hành nhiều đợt xuống tận địa bàn phối hợp với chính quyền các xã trên địa bàn huyện tổ chức cắt cơn, cai nghiện và giúp người cai nghiện hòa nhập cộng đồng. Trong những năm tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, đặc biệt là các đồn Biên phòng, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của ma túy để họ không tham gia buôn bán, sử dụng chất ma túy. Đối với những người đã mắc nghiện, sẽ tư vấn để họ lựa chọn hình thức cai nghiện hoặc điều trị bằng Methadone.

Ngoài địa bàn xã Nậm Cắn, hàng năm, Bệnh xá Quân dân y Tiểu khu Kỳ Sơn còn triển khai từ 1 đến 2 đợt cai nghiện ở tất cả 11 xã biên giới, mỗi đợt cắt cơn cai nghiện kéo dài từ 15 đến 20 ngày cho khoảng 30 đến 50 người nghiện theo quy trình kép kín, từ khâu cách ly, đưa vào cắt cơn cai, giúp người nghiện lấy lại sức khỏe, thể trạng, trở lại với cộng đồng. Đặc biệt, từ cuối năm 2015 đến nay, Bệnh xá quân dân y Tiểu khu Kỳ Sơn còn là địa điểm cấp phát thuốc Methadone đầu tiên cho người nghiện ma túy ở địa bàn huyện biên giới Kỳ Sơn. Tính đến nay, mô hình này đã tổ chức cai nghiện cho hàng trăm lượt người mắc nghiện, nhiều người cai nghiện ma túy trên địa bàn huyện đang hòa nhập cộng đồng một cách nhanh chóng.

Bên cạnh kết quả bước đầu đã đạt được, quá trình thực hiện mô hình này vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Tỷ lệ tái nghiện vẫn còn, công tác giám sát, quản lý sau cai, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng vẫn chưa đạt được như mong muốn… Nguyên nhân của những hạn chế trên là do địa hình biên giới xa xôi, cách trở, đa số các người nghiện đều có cuộc sống hết sức khó khăn; người dân chưa hiểu rõ về tác hại của ma túy, còn xem ma túy như một thuốc thần dược để trị bệnh, do đó còn sử dụng bừa bãi… Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện tại cộng đồng, công tác tuyên truyền về tác hại của ma túy phải được triển khai thường xuyên, liên tục hơn, cùng với đó có chế tài quản lý, giúp đỡ người cai nghiện để họ không tái nghiện.

Theo Người đại biểu nhân dân