Đà Nẵng: Tiếp tục duy trì mô hình Câu lạc bộ “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy” Ngày đăng: 17/05/2018
Trong hai năm 2016 và 2017, thành phố Đà Nẵng triển khai thí điểm mô hình Câu lạc bộ “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy” tại 6 phường: Nại Hiên Đông, Thọ Quang (quận Sơn Trà), phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), phường Hòa An (quận Cẩm Lệ), phường Bình Hiên (quận Hải Châu) và phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) với mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, tăng cường sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các địa phương trong việc hỗ trợ, giúp đỡ, cảm hóa người sử dụng trái phép chất ma túy đã từng bị xử lý vi phạm hành chính, người có nguy cơ sử dụng ma túy; cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn, các hoạt động an sinh xã hội, trang bị, nâng cao hiểu biết… và tạo điều kiện để họ có nghề nghiệp, việc làm ổn định, không tiếp tục sử dụng ma túy, qua đó ngăn ngừa và từng bước kiềm chế tốc độ gia tăng người nghiện mới tại địa phương, đồng thời, góp phần chuyển hóa số xã, phường, trọng điểm về ma túy thành xã, phường có ít tệ nạn ma túy, giảm tỷ lệ tái nghiện.

Qua hơn hai năm hoạt động, Mô hình đã đem lại một số kết quả ban đầu như: trong 260 hội viên tham gia 06 câu lạc bộ, có 250 hội viên tham gia sinh hoạt đều đặn được xếp loại có tiến bộ, 23 em được hỗ trợ học nghề, học văn hóa, 30 em được hỗ trợ khó khăn đột xuất, 30 em có việc làm ổn định.

Từ kết quả đã đạt được, ngày 3/5/2018, Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội ban hành kế hoạch tiếp tục duy trì mô hình Câu lạc bộ “Can thiệp sớm, sự phòng nghiện ma túy” tại 06 phường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Theo đó, mục tiêu của kế hoạch là 100% cán bộ các hội, đoàn thể và người sử dụng trái phép chất ma túy, người có nguy cơ bị cám dỗ sử dụng ma túy được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại, hậu quả của ma túy và các biện pháp phòng, chống tái nghiện; tổ chức tư vấn cho 100% hội viên Câu lạc bộ “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy”; phấn đấu đạt tỷ lệ từ 70% trở lên hội viên Câu lạc bộ không còn sử dụng trái phép chất ma túy; phấn đấu hỗ trợ dạy nghề, tạo và giới thiệu việc làm cho trên 50% số người sử dụng trái phép chất ma túy bị xử lý hành chính.

Để thực hiện mục tiêu trên, các nội dung sẽ thực hiện là tổ chức các khóa tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ được phân công theo dõi, hỗ trợ, giúp đỡ; rà soát, tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể từng trường hợp để xây dựng kế hoạch chi tiết, xác định nội dung để tiến hành các hoạt động can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy và hỗ trợ giúp cho các em ổn định cuộc sống; tăng cường các hoạt động truyền thông, tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm và sinh hoạt nhóm; vận động các em tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ; tổ chức các hoạt động tham quan tại các cơ sở giáo dục, giáo dưỡng, trại tạm giam, các hoạt động nhân đạo từ thiện; tổ chức gặp mặt, tọa đàm, đối thoại với đối tượng và thân nhân gia đình và các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, việc làm; phân công cán bộ có uy tín, có kinh nghiệm trực tiếp theo dõi và thực hiện các nội dung trợ giúp, các hoạt động can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy, định kỳ hàng tháng đánh giá sự tiến bộ của các em báo cáo cho lãnh đạo địa phương; chủ động phối hợp với gia đình trong quá trình hỗ trợ và giúp đỡ các em, kịp thời phát hiện những hành vi sai phạm để có biện pháp uốn nắn giúp đỡ; định kỳ 3 tháng 1 lần phân loại sự tiến bộ của các em báo cáo về Sở LĐTBXH thành phố; kiểm tra, giám sát hoạt động Câu lạc bộ; tổ chức các hội nghị sơ, tổng kết để đánh giá hiệu quả của mô hình, nhân rộng mô hình trong thời gian tới./.

T.T