Quảng Bình: Hiệu quả bước đầu trong công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng Ngày đăng: 14/11/2017
Thời gian qua, Quảng Bình đã và đang tích cực triển khai công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng theo Nghị định 94⁄2010⁄NĐ-CP của Chính phủ - Đây là một hoạt động mang tính nhân văn giúp người nghiện cách ly khỏi ma túy, không bị cách ly khỏi đời sống cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên, để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng thì rất cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB-XH, tình hình nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh diễn biến  phức tạp. Hiện toàn tỉnh có 128 xã, phường với 2.440 người liên quan đến ma túy, 844 người nghiện ma túy. Trong đó, 30% người nghiện dùng ma túy tổng hợp, còn lại dùng hêrôin và thuốc phiện. Ngoài ra, trên địa bàn đã xuất hiện tình trạng sử dụng cỏ Mỹ, thuốc lắc.

Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, kiên quyết phòng, chống tệ nạn ma túy. UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị và Kế hoạch về cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Giai đoạn từ năm 2011-2015, tỉnh đã đầu tư xây dựng 15 mô hình thí điểm cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng ở 15 xã, phường thuộc các huyện, thị xã và thành phố. Qua thực tế thí điểm cho thấy, mô hình có nhiều ưu điểm, người nghiện không bị cách ly khỏi xã hội, không gián đoạn học tập, làm việc; giảm sự kỳ thị và tạo cơ hội hòa nhập cộng đồng.

Tuy đạt được một số kết quả bước đầu nhưng hiệu quả của công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng vẫn còn hạn chế, khó khăn. Ông Hồ Tân Cảnh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, theo quy định của pháp luật, trách nhiệm đăng ký cai nghiện tự nguyện thuộc về người nghiện và gia đình có người nghiện, song thực tế việc này chưa thực hiện được nhiều. Vì vậy, công tác vận động đối tượng cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai để đối tượng không tái nghiện còn rất khó khăn.

Cùng với đó, có rất ít trường hợp các đối tượng tự nguyện cai nghiện ma túy mà phần lớn là do gia đình đưa đến nên họ dễ dàng bỏ dở quá trình cai nghiện hoặc không tuân thủ đúng và đầy đủ phác đồ điều trị, không hợp tác với các cán bộ khiến việc cai nghiện kéo dài, không đạt kết quả. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác cai nghiện các địa phương chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, cơ sở vật chất, giường bệnh, thuốc trị bệnh, đội ngũ y, bác sĩ còn thiếu thốn.

Mặt khác, nhiều địa phương chưa thực sự nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp tại một số địa phương chưa chặt chẽ nên chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cộng đồng trong công tác cai nghiện. Bên cạnh đó, việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy trong quá trình cai nghiện và sau cai chưa được chú trọng đúng mức. Chính vì vậy, hình thức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng được nhiều gia đình có người nghiện lựa chọn song hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn.

Để khắc phục những tình trạng trên, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành và các địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để từng bước kiềm chế sự gia tăng tệ nạn ma túy và  giảm tỷ lệ người nghiện ma túy một cách có hiệu quả.

Trước hết, các địa phương cần tiến hành thường xuyên, liên tục về các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và cộng đồng về công tác cai nghiện; xác định nghiện ma túy là bệnh mãn tính do rối loạn não bộ nên điều trị nghiện ma túy là một quá trình lâu dài để giúp họ hạn chế tiến tới xóa bỏ sự kỳ thị với người nghiện.

Một trong những giải pháp trọng tâm thời gian tới là tập trung đẩy mạnh tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. “Từ 15 mô hình thí điểm cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng trong toàn tỉnh, Sở LĐTBXH tiếp tục thí điểm triển khai công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng năm 2017 ở 3 xã, phường, thị trấn, gồm: Hải Thành, Đức Ninh Đông (TP. Đồng Hới) và Đại Trạch (Bố Trạch). Điều đáng ghi nhận, sau hội nghị triển khai tại các xã, phường, người dân các địa phương đã có sự đồng thuận cao trong việc thực hiện...”, bà Phạm Thị Anh Đào, Trưởng phòng  Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở LĐTBXH) thông tin thêm.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã quan tâm về chế độ miễn giảm, hỗ trợ kinh phí đối với người nghiện ma túy trong thời gian cai nghiện tập trung cắt cơn tại cơ sở điều trị hoặc chữa trị, cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Cụ thể, miễn 100% các khoản đóng góp cho người nghiện thuộc hộ nghèo, thuộc hộ gia đình chính sách, người khuyết tật, bị nhiễm HIV/AIDS, người không có nơi cư trú ổn định; hỗ trợ 50% các khoản đóng góp cho các những người còn lại. Đây là mức hỗ trợ cho các chi phí về tiền ăn, tiền thuốc điều trị cắt cơn nghiện, chi phí khám sức khỏe và các xét nghiệm khác.

Để nâng cao hiệu quả cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá về hiệu quả của công tác này. Đồng thời, phát huy hoạt động của Ủy ban MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và người dân tại nơi cư trú trong việc vận động người nghiện, gia đình họ chủ động khai báo và đăng ký các hình thức cai nghiện phù hợp.

Chính quyền, đoàn thể các cấp, nhất là xã, phường, thị trấn cùng phối hợp chặt chẽ trong việc hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm, kinh nghiệm sản xuất để người sau cai nghiện có cơ hội ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng và phòng, chống tái sử dụng ma túy. Làm được những việc đó thì công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng mới phát huy hiệu quả và mang tính bền vững, lâu dài; từng bước đẩy lùi tệ nạn và tội phạm ma túy, góp phần giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh./.

Thùy Lâm ( Báo Quảng Bình Online)