Kinh nghiệm một số nước trong việc giải quyết vấn đề mại dâm Ngày đăng: 18/08/2017
Nhìn chung quy định luật pháp và hệ thống quản lý nhà nước về vấn đề mại dâm của một số nước trên thế giới có hai mô hình, đó là mô hình Giảm tác hại và mô hình Loại bỏ tác hại với hai trường phái: Nhóm coi mại dâm là hợp pháp và nhóm coi mại dâm là bất hợp pháp.

Nhóm nước chấp nhận mại dâm (hợp pháp hóa)

Trong nhóm nước chấp nhận mại dâm (hợp pháp hóa) cũng có thể chia thành 2 nhóm nhỏ, đó là những nước hợp pháp hóa mại dâm và quản lý thành công và những nước hợp pháp hóa mại dâm nhưng quản lý không thành công.

Đứng đầu có lẽ là Hà Lan, đây là một trong những nước những nước hợp pháp hóa mại dâm từ rất sớm. Hà Lan hợp pháp hóa mại dâm từ giữa những năm 1.800 nhưng phải tới những năm 1980 thì hành nghề mại dâm mới được công nhận là một nghề hợp pháp. Tháng 10/2000 các quy định cấm nhà chứa và ma cô được xóa bỏ và hiện nay mại dâm hoạt động thể theo luật lao động, người bán dâm đăng ký ngành nghề như người lao động. Các hội đồng thành phố chịu trách nhiệm cấp giấy phép và tiến hành thanh tra nhằm bảo đảm điều kiện làm việc đúng tiêu chuẩn chất lượng đã được quy định. Mặc dù thuê và sử dụng người bán dâm đủ tuổi và đồng thuận làm việc là hợp pháp, nhưng mọi hình thức bóc lột trong lĩnh vực này bao gồm buôn bán và cưỡng bức mại dâm đều là phạm tội theo Luật hình sự của Hà Lan.

Mại dâm là ngành kinh doanh hợp pháp tại nhiều tiểu bang ở Úc. Bang Victoria có 95 nhà chứa hợp pháp với gần một ngàn “công nhân tình dục”. Nhiều người trong số này đến từ các nước Châu Á, không ít người là sinh viên. Họ đi làm thêm để có tiền đóng học phí. Việc tham gia mại dâm của các sinh viên cũng như phụ nữ châu Á tại Úc thường do các trung tâm dịch vụ di trú tiếp tay. Ngoài những gái mại dâm tiếp khách trong hệ thống nhà chứa ở Victoria, ước tính có khoảng 1.700 “công nhân tình dục” có đăng ký với chính quyền tiểu bang và hoạt động một cách riêng rẽ. Những người này đón khách tại các địa điểm khác nhau, phần lớn là đưa về nhà để mua bán dâm.

Mại dâm ở Đức được hợp pháp hoá năm 2001 với những lập luận là sẽ giúp Chính phủ quản lý mại dâm tốt hơn, chống bệnh lây truyền qua đường tình dục và thu được thuế. Tuy nhiên sau hơn 10 năm hợp pháp hóa mại dâm thì kết quả cho thấy chính sách này đã thất bại thể hiện trên nhiều mặt: Những quy định về giấy phép hành nghề, khám sức khỏe... thực tế là vô tác dụng, vì các nhóm tội phạm có thể dễ dàng làm giả giấy tờ và đe dọa những người nào định tố cáo. Trên toàn nước Đức, số hợp đồng bảo hiểm mại dâm được ký không quá vài chục bản. Trong số hơn 400.000 gái mại dâm ở Đức, chỉ có... 100 người đăng ký hành nghề với Chính phủ (tỷ lệ 0,025%), số còn lại vẫn hoạt động lén lút như trước đây hoặc dùng giấy tờ giả, vì không gái mại dâm nào muốn tự tiết lộ danh tính của mình vì thế quy định về giấy phép hành nghề đã thất bại.

Nạn buôn người phát triển: Tăng 70% chỉ sau 5 năm mại dâm được hợp pháp hóa:  Đức là điểm đến số 1 cho tệ nạn buôn người đến từ Đông Âu, do nhu cầu mua dâm tăng (do người mua dâm không sợ bị trừng trị), số gái mại dâm ở Đức theo ước tính đã tăng từ 100.000 (2002) lên 400.000 (2009). Phần lớn sự gia tăng này là do phụ nữ và trẻ em gái bị buôn bán vào nhà thổ, có ít nhất 20% là vị thành niên. (3) Không thu được thuế từ mại dâm trong khi số tiền bỏ ra để quản lý mại dâm hàng năm là rất lớn. Như vậy, có thể thấy phần nào đó “hợp pháp hóa” mại dâm ở Đức chỉ tại thêm vỏ bọc hợp pháp giúp các nhóm tội phạm bành trướng hoạt động của mình.

Một số nước như Canada, Anh, Argentina, Mexico: Hành động mua bán dâm không bị coi là bất hợp pháp nhưng mọi hoạt động đi kèm với mua bán dâm thì bị coi là phạm tội ví dụ các hoạt động buôn người, làm nghề ma cô, bảo kê và điều hành nhà chứa hay mồi chài tình dục trên đường phố đều là các tội hình sự.

Những nước coi mại dâm là bất hợp pháp

Hiện nay ở Thụy Điển, mại dâm là bất hợp phát, tuy nhiên trong quá khứ, Thụy Điển cũng đã từng hợp thức hóa nghề mại dâm (hơn 30 năm trước). Đến năm 1998, Quốc hội Quốc hội Thụy Điển đã xét lại, coi mại dâm là bất hợp pháp, sau khi xét thấy không thể kiểm soát nổi việc hợp pháp hóa mại dâm, trong khi tổn hại về giá trị đạo đức xã hội của quốc gia là quá lớn. Ngày 1/1/1999, Thuỵ Điển đã áp dụng hình sự hoá một phần hành vi mại dâm, cùng với Nauy và Iceland, Thuỵ Điển không giam cầm và phạt gái mại dâm mà chỉ quy định phạt người mua dâm và tập trung vào các dịch vụ hỗ trợ và phục hồi cho gái mại dâm. Các cơ quan chức năng của Thụy Điển cho rằng việc chuyển hướng coi người mua dâm và tội phạm thay vì gái mại dâm có thể làm giảm bớt các vấn đề xã hội của tệ nạn mại dâm. Luật mua dâm (The Sex Purchase Law) đã hướng trọng tâm các hoạt động của cảnh sát từ những người bán dâm sang người mua dâm và chủ chứa. Như vậy có thể thấy tiếp cận của Thuỵ Điển đã đề cập đến nguyên nhân gốc rễ của tệ nạn mại dâm và buôn bán người: đó là những người có nhu cầu mua dâm.

Mô hình của Thuỵ Điển thể hiện quan điểm việc hợp pháp hoá mại dâm là không phù hợp với bình đẳng giới và để lại những hậu quả không mong muốn. Có thể nói mô hình này đã có sự thành công khi từ năm 1999 số gái mại dâm của Thuỵ Điển đã giảm, số khách hàng mua dâm cũng giảm và ít có tệ nạn buôn bán người. Tuy nhiên đứng ở một góc độ nào đó mô hình này cũng có những điểm hạn chế như làm phát triển các hoạt động mại dâm ngầm và tăng tính dễ tổn thương của gái bán dâm. Hình phạt cao dành cho người mua dâm vô hình chung đã khiến những người mua dâm “hiền lành” hay những người kinh tế khá giả, đã có gia đình và công việc ổn định… không tham gia/không mua dâm nữa do lo ngại nếu bị bắt sẽ ảnh hưởng đến gia đình, uy tín, công việc. Như một hệ quả, những khách hàng còn lại là những người có xu hướng bạo lực và vì thế thường gây tổn hại cho gái mại dâm. Mặt khác, gái mại dâm cũng có thể bị người mua dâm yêu cầu đến những nơi xa lạ hoặc kém an toàn nhằm tránh cảnh sát. Vì thế, việc quan hệ với các khách hàng tiềm ẩn nguy cơ bạo lực cũng như hành nghề ở những nơi kém an toàn đã làm gia tăng sự nguy hiểm cho nhóm gái mại dâm hơn là giảm thiểu các nguy cơ.

Mại dâm ở Malaysia cũng là bất hợp pháp, Malaysia là đất nước có nhiều người theo đạo Hồi nên phụ nữ ở nước này cũng không dám làm nghề mại dâm. Trong hàng ngàn gái mại dâm ở Malaysia, có rất nhiều cô là nạn nhân của những kẻ buôn người. Gái mại dâm ở đây hầu hết là gái ngoại quốc, chủ yếu đến từ Thái Lan, Trung Quốc… Gái mại dâm thường phục vụ khách du lịch và những người lao động nhập cư. Ở Malaysia, “phố đèn đỏ” có nhiều tại Kualalumpur, hoạt động mại dâm thông qua vỏ bọc là tiệm massage, quán karaoke, nhà hàng ăn uống máy lạnh. Dù “giá cả” cho mỗi lần quan hệ tình dục ở đây chỉ bằng một nửa ở Singapore nhưng khách du lịch sẽ rất dễ bị bọn ma cô trấn lột hoặc bị tính tiền rất nhiều ở các dịch vụ đi kèm theo.

Tại Thái Lan, mại dâm bị luật pháp nghiêm cấm. Đạo luật năm 1960, tiếp đó là Đạo Luật phòng chống mại dâm, BE. 2539 (1996) đã quy định cấm các hành vi mua bán dâm. Mua bán dâm sẽ bị phạt tù hoặc phạt tiền, mua dâm trẻ em có thể bị tù 6 năm, còn chủ chứa sẽ bị phạt tù 3-15 năm. Năm 2003, Bộ Tư pháp Thái Lan đã từng đề xuất thảo luận về việc hợp pháp hóa mại dâm. Tuy nhiên, do vấp phải sự phản đối của dư luận và những lo ngại về hệ lụy xã hội nên đề xuất bị bãi bỏ. Luật là như vậy, nhưng trong thực tế, các nhà thổ lại hoạt động công khai dưới sự bảo kê của Mafia và sự làm ngơ của chính quyền địa phương. Sự trái ngược giữa pháp luật và việc thực thi lớn đến nỗi nhiều người lầm tưởng mại dâm ở Thái Lan là hoàn toàn hợp pháp. Ở khía cạnh khác, nó cũng cho thấy sự yếu kém, "tiền hậu bất nhất" của hệ thống pháp luật Thái Lan, và thậm chí là cả sự thao túng chính quyền địa phương của tội phạm có tổ chức. Một điểm đáng lưu ý là cho dù về luật pháp mại dâm và bất hợp pháp ở Thái Lan tuy nhiên hành vi mua dâm của người đàn ông mua dâm ở Thái Lan lại được chấp nhận về mặt văn hóa. Đây cũng là một kẽ hở cho tệ nạn mại dâm phát triển ở đất nước này.

Mua bán dâm là bất hợp pháp tại Mỹ, trừ bang Nevada - nơi nhà chứa được cấp giấy phép ở một số khu vực trong bang này. Theo phần lớn các điều luật thì mua bán dâm hay tham gia vào mua bán dâm đều bị coi là có hành vi phạm tội. Luật của Mỹ trừng phạt việc thỏa mãn, trao đổi hay quảng bá mua bán dâm bằng hình thức phạt hay án tù khá nặng. Ngoài ra việc buôn bán, tuyển dụng và vận chuyển người bằng vũ lực hoặc bằng cách lừa dối, xúi giục hay lấy tiền mà người bán dâm kiếm được, hay chứa chấp và bắt nạt người bán dâm đều là bất hợp pháp tại Mỹ.

Chính phủ rất nhiều nước coi mại dâm là bất hợp pháp như Nam Phi và một số nước khác, Việt Nam cũng nằm trong nhóm này. Có thể nói việc hợp pháp hóa mại dâm ở bất kỳ nước nào cũng nguy cơ làm gia tăng tội phạm buôn bán người, số lượng gái bán dâm và nguy cơ người bán dâm bị bạo hành, tổn thương./.

                                                                                                              PV