“TẰM NHẢ TƠ” CỦA MỘT NGƯỜI TÂM HUYẾT Ngày đăng: 14/08/2020
Dù cuộc đời có bao giông tố, người đàn ông ấy vẫn luôn vững vàng, tiếp tục hành trình nhân văn đẹp đẽ, như những con tằm cần mẫn nhả tơ dệt lụa cho đời. Đó là ông Lê Trần Cung, 78 tuổi, trú tại cụm dân cư số 7, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội.

 

 

 

 

 

Lấy việc phục vụ xã hội làm niềm vui sống

Xuất thân trong một gia đình nông dân ở tỉnh Hưng Yên, 5 tuổi mẹ chết vì bom của giặc Pháp, 8 tuổi phải theo cha lên Hà Nội kiếm kế sinh nhai. Lớn lên qua thời kỳ chiến tranh, ông Cung đã có 30 năm tham gia cách mạng, 27 năm làm công nhân tại Nhà máy ô tô 1/5.

Sau khi nghỉ công tác năm 1990, ở tuổi 48, thấy sức khỏe vẫn còn có thể đóng góp cho cộng đồng, ông Cung hăng hái tham gia công tác phường, tổ dân phố. Ông được bầu làm Tổ trưởng tổ 46 (cụm dân cư số 7). Ngoài ra, ông còn được tín nhiệm giao nhiều nhiệm vụ khác như: Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường, Trưởng ban công tác Mặt trận tổ quốc cụm dân cư số 7, Phó ban Thanh tra nhân dân, Ủy viên Ban chấp hành Hội cựu chiến binh phường, đại biểu HĐND phường 2 khóa 1999-2004 và 2004-2009,... Với vốn kiến thức được trang bị trong thời gian ở quân đội cùng uy tín xã hội, tất cả mọi công việc ông đều hoàn thành xuất sắc dù nhiều việc không hề có chế độ đãi ngộ, tự nguyện vui vẻ  làm vì ông cho rằng, đó là những việc làm ích nước lợi dân, còn sức thì còn làm.

Tuy đảm đương nhiều chức vụ, công việc, nhiều khi lấy đi khá nhiều thời gian, sức khỏe, nhưng với các em có hoàn cảnh khó khăn lại mắc vào tệ nạn xã hội, ông vẫn luôn đau đáu, thường trực một lòng cảm thông. Vậy là, từ năm 2000, ông Cung bắt đầu tham gia Mô hình quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người cai nghiện ma túy (CLB B93).

Với vai trò Chủ tịch Hội chữ thập đỏ phường, ông là người đi đầu phát động các phong trào tình nguyện, gây quỹ giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Năm 2007, Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS được triển khai ở Việt Nam, ông đề xuất xin hỗ trợ kinh phí từ nguồn dự án để giúp các đối tượng có nguy cơ cao nhiễm HIV/AIDS, trong đó, có người sử dụng ma túy (với tên Nhóm “Vì chúng mình”, do ông làm Trưởng nhóm), được hưởng lợi từ dự án. Để duy trì hoạt động, ông cùng Ban chủ nhiệm CLB B93 tạo việc làm tại chỗ cho người sau cai nghiện, nhiều trường hợp được hỗ trợ mua dụng cụ sản xuất, được bảo lãnh vay vốn không lãi suất để tạo việc làm, đến nay vẫn duy trì hoạt động, tạo thu nhập chính đáng.

Khi nhiều gia đình khác có chồng, con đi cai nghiện về không có việc làm, nhiều cha, mẹ già vẫn phải nuôi con, với mong muốn động viên người sau cai về sớm tìm lại cuộc sống, làm giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình, ông đã bàn với Ban chủ nhiệm và đi đến quyết định, hội viên sinh hoạt 03/04 buổi tối thứ 5 hàng tuần trong tháng sẽ được trợ cấp 10kg gạo. Mỗi tháng có khoảng 5, 6 yến gạo được trao đi. “Người ta lo tôi không làm được bền, nhiều người bảo tiền đâu mà cho như thế, nó đã nghiện rồi lại còn cho gạo”, ông Cung kể.

Tin tưởng, quyết tâm với việc làm của mình, ông đứng lên vận động gây quỹ. “Được giới thiệu của phường, tôi lặn lội tới chùa, tới trạm xăng xin đặt hòm từ thiện. Những phật tử đến chùa, rồi người dân đi mua xăng có tiền lẻ họ lại bỏ vào, 1, 2 nghìn rồi 5 nghìn, bao nhiêu cũng quý, miễn sao góp vào giúp được mọi người”, ông tâm sự. Làm tình nguyện xuất phát từ chữ “Tâm” và chữ “Tín”, lại nhận thấy tác dụng lớn lao cho cá nhân và gia đình người cai nghiện, chính quyền địa phương và rất nhiều cá nhân, nhà hảo tâm ủng hộ để ông có quỹ thực hiện phong trào. Từ năm 2013 đến nay, qua 7 năm, phong trào này vẫn được duy trì đều đặn.

Đối với con của người nhiễm HIV/AIDS đã mất, bố mẹ ly dị hoặc hội viên CLB B93 không còn khả năng lao động, ông đứng ra xin trợ cấp khó khăn, miễn giảm học phí cho các cháu. Rồi việc hiếu hỉ, buồn vui của mỗi nhà ông đều có mặt để động viên, sự tận tâm, chu đáo của ông đã lay động trái tim biết bao con người.

Có một nhà danh ngôn đã nói “Sự tử tế, dù nhỏ tới thế nào không bao giờ là lãng phí”. Sự kiên trì, tình cảm ấm áp kiên quyết của người tình nguyện viên đầy nhiệt thành ấy dần dà đã thấm sâu giúp những người như anh Lê Đ. T, Nguyễn Đ. H, Nguyễn V. Q,… từ bỏ được ma túy, có việc làm, nhiều gia đình hội viên khác bớt đi một phần gánh nặng kinh tế. Ông cùng Ban chủ nhiệm CLB B93 đã đóng góp không nhỏ vào công tác phòng chống tệ nạn xã hội phường Nguyễn Trung Trực, tỷ lệ tái nghiện từ 90% (năm 1996) đến giai đoạn này đã giảm xuống dưới 20% là minh chứng cho những việc làm đó.

Sáng tạo và nghị lực vượt qua khó khăn

Gần 30 năm hoạt động xã hội bền bỉ, nhiệt tình, ít ai biết rằng ông cũng đã từng đi qua một thời gian khó, cho đến tận bây giờ khi sắp bước sang tuổi bát tuần, con đường ông đi vẫn chưa hết gập ghềnh. Đó là từ năm 1972 khi chiến tranh diễn ra khốc liệt thì tai họa bất ngờ đổ ập xuống: vợ ông đột ngột phát chứng bệnh tâm thần. Cứ ngày nghỉ, ngày lễ, ông phải gửi con cho hàng xóm, rồi đạp chiếc xe đạp cọc cạch, mang tem phiếu, lương thực về nộp cho bệnh viện, tắm giặt, an ủi vợ. Thấm thoắt đã gần 50 năm trôi qua ông vừa làm cha vừa làm mẹ của bốn đứa con, vừa làm tròn trách nhiệm của một người chồng, giờ đây điều vui mừng nhất với ông là “các con trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định, không mắc tệ nạn xã hội”.

Một mình chèo chống gia đình lại làm công tác xã hội, ông chỉ mong có sức khỏe để phục vụ cộng đồng, vậy nhưng, số phận lại thử thách ông thêm một lần nữa. Năm 2013, bệnh tim của ông tái phát, sau hơn một năm phẫu thuật vết thương hở mới lành miệng, song lòng nhiệt thành không vì thế mà giảm sút, ngay sau đó, ông lại tiếp tục tham gia phong trào. Ông Nguyễn Anh Tuấn, chủ nhiệm CLB B93 cho biết: “Bác Cung là nhân chứng sống cho những tấm gương giàu nghị lực, chúng tôi luôn biết ơn bác vì đã giúp cho câu lạc bộ hoạt động hiệu quả, giúp những mảnh đời lầm lỡ trở về hòa nhập cộng đồng, sống có ích hơn cho chính mình và xã hội”.

“Mặc ngoài kia mưa gió, nơi đây ấm áp tình người. Mặc ngoài kia giông tố, nơi đây giữ vẹn niềm tin…” Những tiếng hát vang lên trong một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ B93 tại nhà văn hóa phường Nguyễn Trung Trực vẫn còn in mãi trong tâm trí tôi về những tình nguyện viên đầy tâm huyết với những cuộc đời lầm lỡ từng sa vào “cái chết trắng”, đặc biệt hơn là ấn tượng về ông Lê Trần Cung, tình nguyện viên tuổi tuy đã cao nhưng luôn mang trong mình một tâm hồn trẻ trung, một tấm lòng thiện nguyện, nghĩa tình./.

Hà Yến – Chi cục PCTNXH Hà Nội