Ước mơ con chữ trong hành trình từ bỏ ma túy Ngày đăng: 22/07/2020
Bước vào Khu dạy nghề của Cơ sở xã hội Bầu Bàng thành phố Đà Nẵng một ngày tháng 6. Giữa cái nắng của buổi trưa hè vang lên tiếng đọc đồng thanh to và rõ của các bạn học viên đang theo học lớp xóa mù chữ:

Quê hương là con diều biếc

Chiều chiều con thả trên đồng

Quê hương là con đò nhỏ

Êm đềm khua nước bên sông.

Tiến lại gần hơn, một lớp học khá đặc biệt khi những thành viên trong lớp học ấy không phải là những cô cậu học trò 7-8 tuổi mà trong lớp học này có người đã ngoài 40, mái tóc đã lấm tấm những sợi bạc, người trẻ tuổi nhất cũng đã ngoài 20. Trên gương mặt của họ hiện lên sự phấn khởi vô cùng khi đọc được những trang sách mà trước đây có nằm mơ họ cũng không nghĩ mình sẽ làm được…

 Lớp học với khoảng gần 10 học viên đến từ nhiều khu vực khác nhau trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đặc điểm chung trong số họ là vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ ly hôn, không quan tâm nên bỏ học từ nhỏ. Trình độ văn hóa thấp dẫn đến thiếu hiểu biết, đưa đẩy họ đến với con đường nghiện ma túy lúc nào không hay.

Tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng, những người học viên ấy không chỉ làm lại cuộc đời từ việc cai nghiện ma túy mà còn làm lại cuộc đời từ việc học con chữ. Học viên Trần Ngọc H (41 tuổi) chia sẻ: "Ở nhà em đã có vợ và 2 con nhỏ, ngày xưa vì ba mẹ ly hôn không có ai quan tâm nên em bỏ học đi lang thang khắp nơi với bạn bè. Làm đủ thứ nghề để kiếm sống rồi có vợ sinh con. Đến nay con em cũng đã lớn nhưng nhiều lúc em cảm thấy thất vọng vô cùng vì là một người cha nhưng không thể dạy con học vì không biết chữ. Vào đây, được các thầy cô dạy cho biết đọc, biết viết và biết cộng, trừ, nhân, chia em vui lắm. Từ nay khi về hòa nhập cộng đồng em có thể bày cho con học những phép tính đơn giản và tự dùng điện thoại để trả lời tin nhắn cho mọi người mà không cần nhờ vợ em nhắn giúp nữa….". Và cao hơn thế nữa, sau khi hoàn thành khóa học "Văn hóa xóa mù chữ và Giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ" nhận được chứng chỉ từ Cơ sở, có bạn đã mạnh dạng đăng ký theo học các lớp học nghề do Cơ sở tổ chức với mong muốn sau khi trở về nhà sẽ tìm kiếm được việc làm, ổn định cuộc sống.

Gặp cô Kiều Thị Ly, một cô giáo có thâm niên hơn 10 năm trong nghề giảng dạy cho các học viên cai nghiện ma túy. Cô chia sẻ: "Có những lúc tôi cảm thấy rất nản vì những bạn học viên đều là những người lớn tuổi nên việc tập đọc và viết của họ chậm và khó khăn hơn các em nhỏ rất nhiều. Thế nhưng, nhìn hoàn cảnh của các bạn và hi vọng các học viên sau khi về cộng đồng sẽ sống có ích hơn nên tôi quyết tâm đồng hành cùng học viên trong suốt thời gian cai nghiện tại Cơ sở". Nói xong cô Ly tiến lại lục trong ngăn bàn lấy ra và cho tôi xem 1 bức thư đã được cô ép kính rất cẩn thận, đó là bức thư mà học viên Hồ Ngọc Đ đã viết tặng cô sau khi hoàn thành khóa học:

Bức thư cảm động mà học viên Hồ Ngọc Đ viết cho cô giáo của mình sau khi kết thúc khóa học

"Từ ngày con vào đây cũng được 5 tháng rồi. Những năm tháng qua con cũng trải qua nhiều khó khăn và cũng bước qua được nhiều bài học trong cuộc sống tại nơi đây. Nhưng một phần lớn trong cuộc đời con là muốn được cầm bút viết như những người khác. Và con đã làm được điều đó trên trang giấy này.

 Đó là một người con sẽ luôn nhớ ơn, chỉ có cô mới cho chúng con động lực và sức sống tại nơi đây thôi, nhiều đêm con nằm nghĩ sao cô lại tốt với chúng con đến vậy, không khác chi một người mẹ thứ hai luôn luôn ở bên chúng con và những lời động viên hay nhất, nhắc nhở chúng con từng li từng tí vậy. Nhiều lúc con biết cô buồn vì tụi con lắm vì những nét chữ chưa được thành thạo rồi cô cũng bỏ qua cho chúng con, thôi con tới đây thôi. Nhân dịp lễ 20/11 con muốn chúc một người sẽ không bao giờ quên đó chính là người mẹ thứ hai của con.

 Chúc Mẹ 20/11 luôn hạnh phúc và luôn luôn có một nụ cười trên môi, và chúc 1 gia đình nhỏ của Mẹ luôn luôn bình an trong cuộc sống nếu có dịp con trở thành một người có ích cho gia đình con sẽ mời mẹ xuống nhà con chơi và con sẽ khoe ông bà, cha mẹ con là con có một người mẹ thứ hai tốt với con như thế nào. Cảm ơn mẹ nhiều lắm."

Đọc xong lá thư bỗng thấy khóe mắt cay cay, nét chữ tuy có nguệch ngoạc, có sai lỗi chính tả nhưng chứa đựng biết bao nhiêu cảm xúc. Ước mơ con chữ, ước mơ to lớn trong cuộc đời của bạn học viên ấy chính là được cầm bút viết như bao người khác. Và Hồ Ngọc Đ đã làm được điều đó trên chính những trang giấy mà Cơ sở xã hội Bầu Bàng mang đến cho mình. Đó là kết quả của sự đồng hành giữa cán bộ Cơ sở và học viên qua những tháng ngày miệt mài không bỏ cuộc. Là sự quan tâm mà lãnh đạo Cơ sở đã dành cho các bạn học viên cai nghiện ma túy trong suốt những năm qua….

Hi vọng rằng các bạn học viên sau khi kết thúc khóa học và hoàn thành thời gian cai nghiện trở về, sẽ trân trọng những khoảng thời gian cố gắng tại nơi đây, trở thành một công dân sống tốt, có ích cho gia đình và xã hội./.

Theo Kim Cúc (Cơ sở xã hội Bầu Bàng)