Nẻo về! Ngày đăng: 21/04/2020
Sống trong bóng ma “cái chết trắng” tưởng như sẽ lấy đi tất cả những gì của anh Nguyễn Văn Hà, xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ. Nhưng chính tình thương, sự quyết tâm, sự bao dung của gia đình, xã hội đã giúp anh vượt qua chính mình trở thành tấm gương làm kinh tế giỏi tại quê hương mình.

Sinh ra lớn lên trong một gia đình thuần nông miền trung du, từ nhỏ, anh Nguyễn Văn Hà đã mơ ước được đi học để sau này không còn phải lam lũ với ruộng, vườn như bố mẹ. Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, anh Hà đi học nghề máy xúc tại trường Việt Hưng Sơn Tây. Sau 2 năm học ra trường với tay nghề khá, anh đã tìm được việc làm với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng. Trong  05 năm làm máy xúc, anh cũng tích cóp được gần 100 triệu đồng. Để tạo thuận lợi trong công việc, anh vay thêm tiền ngân hàng để mua một chiếc máy xúc gần 500 triệu đồng. Có máy và mối làm ăn từ trước như: đào ao, cuốc đồi vườn, đào móng nhà, làm đường giao thông; hàng tháng sau khi trừ chi phí dầu mỡ và trả lãi ngân hàng, anh tiết kiệm được từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng, chỉ sau 3 năm anh đã trả hết tiền ngân hàng. Ngoài công việc máy xúc, gia đình anh còn nhận thêm 4 héc ta đất đồi để phát triển trồng chè, chăn nuôi lợn, gà, nên thu nhập hàng năm chi phí đi rồi, gia đình anh cũng thu được 100 đến 150 triệu đồng.

Nhưng dần dần, công ăn việc làm ở quê ngày càng khó khăn, anh phải nhận công việc ở tỉnh ngoài, làm việc xa nhà, anh bị bạn bè rủ rê rượu chè, chơi bời, đó cũng là lúc anh sa vào tệ nạn nghiện ma tuý và ngày càng nghiện nặng. Do nghiện ma túy,  anh đã bỏ bê công việc làm ăn của mình nên thu nhập không đủ tiền dùng ma tuý, anh bắt đầu vay mượn để có tiền sử dụng ma tuý, nợ nần ngày càng  nhiều, cuối cùng, chiếc máy xúc gắn bó với anh cũng ra đi, anh chỉ còn hai bàn tay trắng.

Suốt 6 năm nghiện ma túy, anh luôn xa lánh mọi người. Sau mỗi lần dùng ma tuý trở về nhà, là nhìn thấy những giọt nước mắt của mẹ, anh cảm thấy ân hận vô cùng. Nhưng mỗi khi cơn nghiện đến, anh lại đi tìm ma tuý, lúc hết thuốc cơ thể anh vật vã, run rẩy khổ sở trong những cơn nghiện.

Sau rất nhiều lần được bố mẹ, vợ con, anh em họ hàng thuyết phục, khuyên nhủ anh đồng ý đi cai nghiện. Với sự quyết tâm của bản thân, sự động viên của gia đình, sự sát cánh của thầy cô tại Trung tâm cai nghiện, sau 2 năm cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh và 2 năm tại Trung tâm quản lý sau cai nghiện tỉnh (nay đổi tên thành Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh Phú Thọ) anh đã chiến thắng được ma tuý. Ngày trở về với cuộc sống đời thường, anh bị dân làng, hàng xóm kỳ thị, xa lánh, nhưng anh tự nhủ mình phải quyết tâm và chứng minh cho mọi người thấy mình đã thay đổi.

Nghĩ là làm, sẵn có bốn héc ta đất trồng chè của gia đình và một khoản tiền nhỏ của bố mẹ dành dụm, gia đình anh đầu tư vào trồng chè, học hỏi kinh nghiệm phát triển giống chè có chất lượng, bước đầu gia đình thu bán chè tươi, nhưng chi phí nhiều thu nhập thấp gia đình anh quyết định đầu tư một cơ sở sản xuất chế biến chè sạch tại nhà, lấy tên chè “Phú Thịnh” để tăng thu nhập. Ngoài ra, anh còn vận động hàng xóm trồng giống chè chất lượng cao để chế biến. Đặc biệt, hai năm trở lại đây do nhu cầu của thị trường và chất lượng của sản phẩm, cơ sở sản xuất chế biến chè “Phú Thịnh” có thương hiệu trên thị trường.

Không những chỉ sản xuất chè, anh còn phát triển thêm trang trại nuôi gà đồi, mỗi năm xuất chuồng trên 6 tấn gà. Thu nhập từ sản xuất chế biến chè và chăn  nuôi gà, mỗi năm mang lại thu nhập kinh tế gia đình anh trên 150 triệu đồng.

Qua lầm lỡ, vượt lên chính mình, dám nghĩ dám làm, anh Hà là tấm gương về cai nghiện ma tuý thành công. Giờ đây anh đang bù đắp lại những mất mát của gia đình, vợ, con và chấp cánh ước mơ cho cô con gái yêu./.

                                                                                   Trần Ngọc Tuấn

Chi cục PCTNXH Phú Thọ