Sơ Xoài- người gắn bó cả cuộc đời với bệnh nhân HIV và trẻ khuyết tật Ngày đăng: 23/10/2019
Nữ tu Lê Thị Xoài (71 tuổi) với 40 năm làm công tác xã hội. Sơ không có gia đình riêng, không hạnh phúc vợ chồng. Với sơ, trung tâm là nhà; mỗi ngày được chăm người bệnh là niềm hạnh phúc vô bờ bến.

Người mẹ thứ hai của bệnh nhân HIV

Trước khi được cộng đồng biết đến là người phụ nữ dành cả cuộc đời làm công tác xã hội, nữ tu Lê Thị Xoài đã có 25 năm gắn bó với công việc thiện nguyện tại Bệnh viện tâm thần. Sau này đến tuổi nghỉ hưu, nhận thấy bản thân vẫn còn sức khỏe và nhiệt huyết để cống hiến cho cộng đồng, sơ Xoài cùng 6 nữ tu khác về công tác tại Bệnh viện Nhân Ái (xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) năm 2004.

Thời điểm đó, Bệnh viện Nhân Ái do Sở Y tế TPHCM xây dựng và quản lý, là bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam dành riêng cho bệnh nhân HIV giai đoạn cuối. Bệnh viện gồm 12 phòng/khoa, trong đó có 4 khoa trực tiếp chăm sóc và điều trị cho hàng trăm bệnh nhân có H.

Bệnh viện Nhân Ái không chỉ thăm khám, chẩn đoán, điều trị các loại bệnh lý về HIV/AIDS, nơi đây chẳng khác nào mái ấm, hỗ trợ về tâm lý, tinh thần và điều trị giảm nhẹ cho bệnh nhân có H giai đoạn cuối, đồng thời, tư vấn sức khỏe cho bệnh nhân, thân nhân gia đình bệnh nhân và những người có nhu cầu liên quan đến HIV/AIDS.

Tại bệnh viện này không chỉ có đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn kỹ thuật mà còn có 7 nữ tu giàu lòng nhân ái tình nguyện chăm sóc bệnh nhân, trong số họ có sơ Xoài. Họ tình nguyện chăm sóc bệnh nhân có H, hỗ trợ tối đa giúp bệnh nhân có cuộc sống thanh thản trong những ngày cuối đời. Không lương, không phụ cấp hay thù lao, những gì mà sơ Xoài và 6 nữ tu khác nhận được chỉ là tình cảm biết ơn của bệnh nhân dành cho mình.

Sơ nói, những người làm thiện nguyện luôn mang trong mình một chữ “tâm”, đó là tinh thần cống hiến thầm lặng, không mong đền đáp, không chờ tôn vinh. Nói về cơ duyên gắn bó với công việc thiện nguyện này, sơ Xoài chỉ nói: "Mình làm đúng theo tinh thần công giáo là muốn tới chăm sóc các bệnh nhân HIV giai đoạn cuối, chứ không có nghĩ chi nhiều". "Có người cần giúp thì mình đi, đâu cần cơ duyên gì, một khi việc tốt đã xuất phát từ “tâm” thì công việc có ở nơi xa xôi ta cũng đến, dù tuổi cao sức yếu ta vẫn đi”.

Tại Khoa Chăm sóc đặc biệt, sơ Xoài được tiếp xúc và chăm sóc cho nhiều cảnh đời bất hạnh mắc HIV. Có người bệnh cao tuổi nhất cũng trạc tuổi sơ, nhỏ nhất là những đứa trẻ vừa chào đời đã nhiễm H, nhiều người lây bệnh từ người thân trong gia đình.

Sơ kể, ngày ấy chưa có thuốc ARV nên bệnh nhân nào nhập viện cũng có chung suy nghĩ, cuộc đời vậy là hết. Người bệnh hầu hết đều mang tâm lý chán nản, bỏ cuộc, dù khỏe mạnh nhưng chẳng có việc làm, cả ngày quanh quẩn trên giường. Nhiều người còn trẻ bỏ về vì chán, rồi lại tiếp tục ăn chơi, trác táng, làm lây bệnh cho người thân mà không hay biết.

Trước tình trạng ấy, công đoàn bệnh viện đưa ra sáng kiến “lao động trị liệu”, tạo công ăn việc làm cho bệnh nhân từ những việc nhỏ nhặt nhất. Có người đan khăn, người thêu thùa, người làm đồ thủ công... công việc không nặng nhọc, thù lao chẳng có nhiều nhưng đổi lại là niềm vui là động lực sống cho bệnh nhân. Chứng kiến người bệnh tươi cười rạng rỡ, có động lực theo đuổi điều trị, sơ và các tu sĩ như được tiếp thêm sức mạnh.

Sơ bảo, người ta vốn nghĩ HIV gắn với hình ảnh gái mại dâm hay người nghiện ma túy, gầy gò, xăm trổ, đáng sợ rồi bị “si đa” là lở loét, máu me... nhưng thật ra không phải vậy. HIV cũng như những bệnh khác, có khả năng tàn phá con người. Người ta sợ nó vì nó chưa có thuốc chữa, vì dễ lây lan và gắn liền với các tệ nạn xã hội.

 "Bệnh nào mà chẳng đau, chẳng khổ, chẳng gầy gò đáng sợ. Người có HIV không đáng sợ, họ đáng thương nhiều hơn. Điều mình cần làm là tạo điều kiện cho họ lao động và sống có ích hơn, giúp họ trút bỏ tâm lý coi mình là gánh nặng của xã hội". "Mình cho tiền họ là chưa đủ, mình cho họ thuốc, cho họ ăn cũng chưa đủ, mình cho họ niềm vui, cho họ động lực sống mới quan trọng", sơ Xoài tâm niệm.

Nói về công việc chăm sóc bệnh nhân có H đầy khó khăn và cả nguy hiểm, sơ bảo những người đến bệnh viện làm việc, không chỉ có ý chí, nghị lực mà còn phải biết chấp nhận hy sinh. Bởi làm việc trong môi trường này, tức là chấp nhận sống chung với AIDS. Bất chấp tất cả, sơ Xoài cùng các nữ tu đem cái "tâm" của mình giúp đỡ người bệnh cũng là cống hiến cho cộng đồng.

Lấy việc giúp đỡ người khác làm niềm vui sống 

Ở Bệnh Viện Nhân Ái, ngoài đời tư của các bệnh nhân còn câu chuyện khó nói khác luôn thường trực đó là người bệnh thương nhau rồi có con với nhau. Đây cũng là nỗi khổ tâm lớn nhất của sơ Xoài và các tu nữ. Chứng kiến những số phận đáng thương nương tựa vào nhau, tìm niềm vui trong cuộc sống, người bệnh mừng 1 thì sơ lo 10.

Như bao bà mẹ khác trên đời, các sơ luôn phải căn dặn cẩn thận: “Phải giữ gìn! Bạn bè với nhau để tâm sự thì được, nhưng nhất quyết phải giữ gìn”. Không người nào muốn chứng kiến số bệnh nhân HIV tiếp tục tăng thêm, nhưng cũng không ai muốn chứng kiến những cảnh đời éo le phải chịu thêm dằn vặt, đau khổ. Đó là chưa kể những sinh linh bé nhỏ bị đem ra đánh cược với số phận. Sơ bảo, nhiều người gàn sơ rằng chúng nó thương nhau thì kệ chúng nó chứ nhưng sơ thương những đứa trẻ, sau này bố mẹ chúng có bề gì thì đứa trẻ nương tựa vào ai.

Có người cả đời bị số phận hắt hủi may mắn tìm được hạnh phúc lúc cuối đời. Có người cả đời ngang dọc chỉ mong kiếm được mụn con, để sau này có chết đi, vẫn còn để lại chút gì đó trên đời.

"Sơ thương lắm, chỉ biết động viên em nào quyết định sinh con, biết đâu may mắn con cái sinh ra không nhiễm bệnh. Y học hiện đại, giờ có thuốc rồi, chỉ cần uống thuốc đầy đủ là lũ trẻ có thể lớn lên khỏe mạnh, lập gia đình, sinh con bình thường. Ở đời, nếu mà người ta thương nhau thật lòng, thì không có khó khăn gì là không vượt qua được". Chính câu nói này của Sơ đã truyền cảm hứng cho biết bao cặp vợ chồng có H. thêm niềm tin vào cuộc sống.

Sau 15 năm gắn bó với bệnh nhân HIV, sơ Xoài chuyển về đảm nhiệm công tác y tế tại Trường Khuyết tật Thanh Tâm ở xã Thới Đồng, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Tại đây, đối tượng chính là Trẻ em khuyết tật, một số sinh ra đã không lành lặn như người thường, có trẻ bị bố mẹ vứt bỏ vì nhiều lý do nhưng đơn giản nhất là vì nghèo quá.

Công việc của sơ giờ đây bớt phần vất vả, mỗi ngày chăm sóc cho trẻ em khuyết tật, lo cho trẻ từ miếng ăn giấc ngủ, giúp trẻ học chữ, học vẽ. Sơ tâm sự: "Cả một đời tiếp xúc với những mảnh đời bất hạnh, người buồn bã, người tâm thần, người nhiễm HIV, trẻ mồ côi, khuyết tật, bị bỏ rơi, có hoàn cảnh khó khăn, toàn những chuyện buồn bã, tiêu cực, sơ buồn nhiều lắm chứ, nhưng lấy việc giúp đỡ người khác làm niềm vui để sống qua ngày".

Một lần nữa, sơ đem tình yêu thương của người bà, người mẹ đến Trường Thanh Tâm để bao bọc, chở che cho những đứa trẻ bất hạnh. Những đứa trẻ có thể chậm phát triển trí tuệ hay khiếm khuyến bộ phận nào đó trên cơ thể, nhiều trẻ không thể nhìn rõ gương mặt hay hiểu lời sơ nói nhưng có một điều chắc chắn các em có thể cảm nhận được đó chính là tấm lòng nhân ái cao cả của sơ Xoài.

Có người nói sơ làm thiện nguyện vì không có gia đình riêng, không có chồng càng không có con. Nếu sơ không phải là nữ tu mà có cuộc sống như những người phụ nữ khác, lập gia đình, sinh con rồi có cháu thì liệu sơ có dành thời gian làm công tác thiện nguyện không. Sơ chỉ cười hiền: “Chắc vẫn còn chứ!”.

Không nhiều người biết, sơ Xoài quê gốc Tiền Giang, có nhà ở quận 5. Thỉnh thoảng sơ vẫn dành thời gian về thăm căn nhà ở trung tâm Sài thành phồn hoa đô hội. Cả đời người gắn bó ở nơi xa xôi hẻo lánh làm việc "bao đồng", chắc sơ chẳng còn nhớ cảm giác của cuộc sống đô thị nhộn nhịp.

Với sơ Xoài, Bệnh viện Nhân Ái, Trường Khuyết Tật Thanh Tâm, giáo xứ An Thới Đông mới là những mái ấm đích thực - nơi có những người xa lạ mà thân như ruột già, luôn chan chứa tình người./.

D.T (Theo Sức khỏe đời sống)