Quyết tâm vượt qua lầm lỡ trở thành tấm gương làm kinh tế giỏi Ngày đăng: 17/04/2019
Đó là câu chuyện của anh Phạm Văn Dũng, sinh năm 1979 tại xóm Dợ, xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa, sinh ra trong một gia đình khá cơ bản có mẹ làm nông nghiệp, bố là cán bộ ngành điện lực của huyện, năm 18 tuổi, lần đầu tiên Dũng xa gia đình bắt đầu cuộc sống của một sinh viên trường Điện lực. Tuy nhiên, sự thay đổi ấy đã tạo ra bước ngoặt không giống như những gì bản thân và gia đình cậu từng mong muốn, kỳ vọng. Sau gần hai năm học tập và rèn luyện, khi sắp ra trường cũng là lúc Dũng bắt đầu biết sử dụng ma túy do sự rủ rê, lôi kéo của bạn bè.

Trở về địa phương, tưởng rằng ở một môi trường thuần nông không có những tệ nạn, Dũng sẽ dần quên quá khứ và bắt đầu một cuộc sống mới. Nhưng tại nơi trước đây Dũng sinh ra và lớn lên đã bắt đầu xuất hiện những tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma túy, trong đó có một số bạn bè ở quê đã mắc nghiện. Anh bắt đầu sử dụng lại ma túy và nghiện từ ngày đó. Trong con mắt của nhiều người đã dành cho anh một cái nhìn xa lánh, nhưng có những người không bao giờ bỏ rơi anh đó là gia đình, là bố mẹ, là vợ của anh, khi biết chuyện, dù đau đớn, dù thất vọng, dù có những lúc tưởng như tan cửa nát nhà, nhưng rồi với sự yêu thương vô bờ bến, gia đình đã nhiều lần tìm mọi cách để giúp anh cai nghiện.

Nhưng, ba lần cai nghiện tại gia đình vẫn không giúp Dũng từ bỏ được ma túy mà ngày càng nghiện nặng hơn. Nhớ lại khoảng thời gian đó, ánh mắt Dũng thoáng buồn: “Lúc ấy cũng rất muốn từ bỏ, thương bố mẹ, thương vợ  nhưng… thật khó, thậm chí có lúc tự bản thân mình còn xin công an cho đi cai, rồi hễ cứ gặp bạn nghiện là lại chơi”. Để từ bỏ cảm giác sung sướng của cơn phê, say ma túy, để đối mặt với nỗi đau đớn, dày vò với hội chứng cai không phải điều dễ dàng, vì thế sau bốn tháng quyết tâm về sống và làm việc tại một nông trại dứa ở Hòa Bình, trở về gia đình chỉ sau một thời gian ngắn anh lại tiếp tục đi vào con đường nghiện ngập không lối thoát. “Mình cứ nghĩ rằng để đoạn tuyệt với ma túy, phải đi tới một nơi thật xa – nơi không có ma túy và bạn nghiện nên lại quyết định vào Nam làm việc cùng đội khoan giếng, để rồi sau bao cố gắng lại khiến bố mẹ, khiến vợ phải thất vọng, cai đi cai lại không được, khó chịu lắm, nó vật ra, mệt mỏi, đau nhức trong tủy, trong xương, để có ma túy sử dụng, tiền nong trong nhà lấy đi hết, tất cả đồ đạc, lúa gạo cũng đem đi bán”. Anh kể lại, đôi mắt rưng rưng như còn biết bao ân hận về những lầm lỡ trong quá khứ.

Nhiều năm đắm chìm trong ma túy khiến kinh tế gia đình suy kiệt, nợ nần chồng chất, con đường Dũng đã trải qua chỉ thực sự sáng lại sau khi anh thực hiện thời gian cai nghiện ma túy bắt buộc 24 tháng. “Trong khoảng thời gian này anh đã suy nghĩ, trải nghiệm và học được rất nhiều, chứng kiến những con người cùng cảnh ngộ như mình, nếu không phải xuất phát từ ý chí, bản lĩnh, từ sự quyết tâm cao độ của bản thân, có lẽ giờ mình vẫn là một người nghiện phá nát hạnh phúc gia đình”. Trở về cuộc sống đời thường, với sự yêu thương, giúp đỡ của người thân, của chính quyền địa phương, với niềm tin và sự động viên của người vợ luôn bên cạnh, Dũng đã vực dậy tinh thần, làm lại cuộc đời. Khi hỏi anh bí quyết để cai nghiện thành công sau nhiều lần tái nghiện, anh trả lời: “Chả có gì cả, chỉ nghĩ rằng bây giờ bố mẹ, vợ con đầy đủ nên mình phải cố gắng thôi, bố mẹ giúp đỡ nhiều, cho đất làm nhà rồi, cũng phải làm ăn để lấy tiền trả nợ thôi”. Vì vậy, sẵn có nghề làm vàng mã gia đình truyền lại, anh cùng vợ chăm chỉ làm hàng, hiện giờ anh đang là chủ cơ sở sản xuất hàng mã tại địa phương, thu nhập hàng tháng giúp đảm bảo kinh tế, cuộc sống gia đình. Có một niềm vui hơn nữa là sau khi cai nghiện trở về, gia đình anh lại chào đón thêm một thành viên mới.

Ông Phùng Văn Thủy – Đội phó đội Công tác xã hội tình nguyện, người đã từng được phân công giúp đỡ anh Dũng trong suốt thời gian sau cai nghiện chia sẻ: “Từ ngày cai nghiện trở về Dũng thay đổi nhiều lắm, rất chăm chỉ lao động, biết yêu thương vợ con, sống hòa nhã, cởi mở với mọi người, đặc biệt từ đó tới nay Dũng chưa hề sử dụng lại ma túy”.

“Cửa hàng vợ chồng anh làm tại nhà, mặc dù không lớn nhưng mỗi ngày cũng sản xuất và bán ra một lượng sản phẩm tương đối, dịp đầu và cuối năm nhiều việc cũng phải thuê thêm người làm. Nghề này làm thủ công không quá phức tạp nhưng cần sự khéo léo, nếu thuận lợi có địa điểm anh sẽ dần mở rộng sản xuất để tăng thêm thu nhập cho gia đình”. Anh mỉm cười chia sẻ.

Nhiều năm sống trong đau đớn, vật vã, nhiều lần quyết tâm từ bỏ ma túy, nghiện rồi cai, cai rồi tái nghiện, tưởng chừng như “cái chết trắng” sẽ lấy đi tất cả của người đàn ông ấy, thế nhưng bằng sự quyết tâm của bản thân, sự yêu thương, giúp đỡ của gia đình và chính quyền địa phương, Dũng không những thoát khỏi nỗi ám ảnh của ma túy mà còn trở thành tấm gương làm kinh tế giỏi. Vượt qua lầm lỡ làm người có ích cho xã hội, giờ đây anh Dũng là tấm gương sáng về cai nghiện thành công, được nhiều người quý trọng, nể phục.

Hà Yến- Chi cục PCTNXH Hà Nội