Hỏi đáp
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì chế độ ăn, mặc và sinh hoạt của học viên áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được quy định như thế nào? Xem trả lời
  • Lê Phong Lan

Theo Điều 24, Nghị định số 221/2013/NĐ- CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì chế độ ăn, mặc và sinh hoạt của học viên áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được quy định như sau:

1. Định mức ăn hàng tháng của học viên được quy định như sau: gạo 17 kg, thịt hoặc cá 1,5 kg, đường bình thường 0,5 kg, muối 1,0 kg, bột ngọt 0,5 kg, nước mắm 01 lít, rau xanh 15 kg, chất đốt 15 kg củi hoặc tương đương.

Ngày lễ, Tết dương lịch học viên được ăn thêm không quá 03 lần tiêu chuẩn ngày thường; các ngày Tết nguyên đán học viên được ăn thêm không quá 05 lần tiêu chuẩn ngày thường. Tiêu chuẩn ăn được tính theo giá thị trường của địa phương. Chế độ ăn đối với học viên bị ốm do Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc quyết định theo chỉ định của cơ quan y tế.

2. Học viên được trang bị quần áo và đồ dùng sinh hoạt thiết yếu như sau:

a) Chăn (phù hợp với điều kiện thời tiết tại nơi cơ sở cai nghiện bắt buộc đóng trụ sở) và màn: sử dụng định kỳ 03 năm/lần;

b) Hàng năm, mỗi học viên được cấp hai chiếc chiếu, hai bộ quần áo mùa hè, hai bộ quần áo mùa đông, ba bộ quần áo lót, hai khăn mặt, hai đôi dép nhựa, hai bàn chải đánh răng, một áo mưa ni lông, một chiếc mũ cứng, một chiếc mũ vải, hai đôi tất chân và một đôi găng tay. Hàng quý, mỗi học viên được cấp một hộp thuốc đánh răng 150 gam, một lọ dầu gội đầu loại 200 ml, 01 bánh xà phòng thơm và 01 kg xà phòng;

c) Băng vệ sinh đối với học viên nữ: 02 gói/người/tháng.

Căn cứ vào định mức hiện vật trang bị cho học viên, cơ sở cai nghiện bắt buộc lập dự toán hàng năm trên cơ sở giá cả thực tế trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Cơ sở cai nghiện bắt buộc tổ chức tiếp sóng các chương trình thời sự trên hệ thống truyền thanh, truyền hình để học viên được tiếp cận các thông tin cần thiết hàng ngày; tổ chức cho học viên tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, đọc sách, báo, xem truyền hình và các hoạt động vui chơi giải trí khác ngoài thời gian học tập và lao động. Căn cứ quy mô và điều kiện, cơ sở cai nghiện bắt buộc xây dựng tủ sách và phòng đọc cho học viên, định kỳ hàng tháng, hàng quý tổ chức giao lưu văn nghệ giữa các tổ, đội.

Theo quy định của Pháp luật hiện hành, kinh phí hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện (Đội tình nguyện) và chế độ, chính sách đối với thành viên Đội tình nguyện được lấy từ nguồn nào? Nguồn kinh phí này được thực hiện như thế nào? Xem trả lời
  • Lê Văn Đức
Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 24/2012/TTLT- BLĐTBXH- BNV- BTC ngày 22/10/2012 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính Quy định về thành lập, giải thể, tổ chức hoạt động và chế độ, chính sách đối với Đội công tác xã hội tình nguyện tại xã, phường, thị trấn thì: Theo Điều 5. Kinh phí hoạt động của Đội tình nguyện và chế độ, chính sách đối với thành viên Đội tình nguyện 1. Kinh phí đảm bảo cho hoạt động của Đội tình nguyện và thực hiện chế độ, chính sách đối với thành viên của Đội tình nguyện được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của ngân sách địa phương theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành. 2. Tài trợ, huy động của các tổ chức, cá nhân và nguồn khác theo quy định của pháp luật. Theo Điều 12. Kinh phí hỗ trợ đối với hoạt động của Đội tình nguyện và chế độ thù lao đối với thành viên Đội tình nguyện 1. Đội tình nguyện được hỗ trợ kinh phí đảm bảo hoạt động thường xuyên để chi cho công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn, tham vấn cho đối tượng, văn phòng phẩm, sơ kết, tổng kết. 2. Thành viên của Đội tình nguyện được hưởng các chế độ sau: a) Được hưởng thù lao hàng tháng. Mức thù lao hàng tháng tối đa đối với: đội trưởng là 0,6 (không phẩy sáu) lần mức lương tối thiểu chung của Nhà nước; đội phó là 0,5 (không phẩy năm) lần; thành viên của Đội tình nguyện là 0,4 (không phẩy bốn) lần. Mức cụ thể do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định phù hợp với khả năng ngân sách và tình hình thực tế của từng địa phương; b) Được hỗ trợ 01 (một) lần tiền mua trang phục với mức tối đa là 500.000 (năm trăm nghìn) đồng. 3. Căn cứ vào kế hoạch hoạt động và dự toán kinh phí của Đội tình nguyện, chế độ hỗ trợ đối với Đội tình nguyện, thành viên của Đội tình nguyện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp xã lập dự toán cùng với dự toán chi ngân sách xã hàng năm để trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì ai có thẩm quyền xác định người nghiện ma túy? Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bao gồm những gì? Xem trả lời
  • Độc giả
- Theo Điều 10, Nghị định số 221/2013/NĐ- CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì người có thẩm quyền xác định người nghiện ma túy là: 1. Người có thẩm quyền xác định người nghiện ma túy là bác sỹ, y sĩ thuộc trạm Y tế cấp xã, bệnh xá Quân y, phòng khám khu vực, bệnh viện cấp huyện trở lên, phòng y tế của cơ sở cai nghiện bắt buộc có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh và chứng chỉ tập huấn về điều trị cắt cơn nghiện ma túy do cơ quan có thẩm quyền cấp. Bộ Y tế hướng dẫn việc tập huấn và cấp chứng chỉ về điều trị cắt cơn nghiện ma túy. 2. Người có thẩm quyền xác định người nghiện ma túy phải chịu trách nhiệm về việc xác định của mình trước pháp luật. - Theo Điều 9, Nghị định số 221/2013/NĐ- CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bao gồm: 1. Đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định: a) Bản tóm tắt lý lịch; b) Phiếu trả lời kết quả của người có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định này về tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; c) Biên bản về hành vi sử dụng ma túy trái phép; d) Bản tường trình của người vi phạm hoặc của người đại diện hợp pháp của họ; đ) Tài liệu chứng minh đã chấp hành xong Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn bao gồm: Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy và Giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; e) Giấy xác nhận hết thời gian cai nghiện ma túy tại gia đình hoặc cai nghiện ma túy tại cộng đồng của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc tài liệu chứng minh bị đưa ra khỏi chương trình điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; g) Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về việc giao cho gia đình quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong thời gian làm thủ tục đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; h) Văn bản của cơ quan lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. 2. Đối với người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định: a) Hồ sơ đề nghị quy định tại Điểm a, b, c, d, h Khoản 1 Điều này; b) Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về việc giao cho tổ chức xã hội quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, đối tượng nào được hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc? Xem trả lời
  • Minh Đức
Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 đã được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2012, quy định đối tượng được hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc như sau: Điều 111. Hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc 1. Người phải chấp hành quyết định nhưng chưa đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được hoãn chấp hành quyết định trong các trường hợp sau đây: a) Đang ốm nặng có chứng nhận của bệnh viện; b) Gia đình đang có khó khăn đặc biệt được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận. Khi điều kiện hoãn chấp hành quyết định không còn thì quyết định được tiếp tục thi hành. 2. Người phải chấp hành quyết định nhưng chưa đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được miễn chấp hành quyết định trong các trường hợp sau đây: a) Mắc bệnh hiểm nghèo có chứng nhận của bệnh viện; b) Trong thời gian hoãn chấp hành quyết định quy định tại khoản 1 Điều này mà người đó có tiến bộ rõ rệt trong việc chấp hành pháp luật hoặc lập công hoặc không còn nghiện ma túy; c) Đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện. 3. Tòa án nhân dân cấp huyện nơi đã ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc xem xét, quyết định việc hoãn hoặc miễn chấp hành trên cơ sở đơn đề nghị của người phải chấp hành quyết định hoặc người đại diện hợp pháp của họ; trong trường hợp cần thiết thì đề nghị cơ quan đã gửi hồ sơ đề nghị có ý kiến trước khi quyết định. Quyết định miễn hoặc hoãn chấp hành phải được gửi cho cơ quan thi hành quyết định, người phải chấp hành quyết định; trường hợp người chưa thành niên được hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng thì quyết định được gửi cho cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của họ.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, đối tượng nào được giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Xem trả lời
  • Ngọc Lan
Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 đã được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2012, quy định đối tượng được giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc như sau: Điều 112. Giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc 1. Người đang chấp hành quyết định tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc đã chấp hành một nửa thời hạn, nếu có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công, thì được xét giảm một phần hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại. 2. Trong trường hợp người đang chấp hành quyết định tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc bị ốm nặng mà được đưa về gia đình điều trị thì được tạm đình chỉ chấp hành quyết định; thời gian điều trị được tính vào thời hạn chấp hành quyết định; nếu sau khi sức khoẻ được phục hồi mà thời hạn chấp hành còn lại từ 03 tháng trở lên thì người đó phải tiếp tục chấp hành; nếu trong thời gian tạm đình chỉ mà người đó có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công thì được miễn chấp hành phần thời gian còn lại. Đối với người mắc bệnh hiểm nghèo, phụ nữ mang thai thì được miễn chấp hành phần thời gian còn lại. 3. Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc quyết định việc giảm thời hạn tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này trên cơ sở đề nghị của Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc, Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc. Quyết định tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được gửi cho Tòa án nhân dân nơi ra quyết định, cơ quan đã gửi hồ sơ đề nghị, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, người được tạm đình chỉ hoặc miễn và gia đình người đó. 4. Đối tượng ốm nặng, mắc bệnh hiểm nghèo mà không xác định được nơi cư trú thuộc trường hợp được tạm đình chỉ chấp hành quyết định hoặc được miễn chấp hành phần thời gian còn lại quy định tại khoản 2 Điều này thì được đưa về cơ sở y tế tại địa phương nơi trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc đóng trụ sở để điều trị. Theo quy định của pháp luật hiện hành, đối tượng nào được giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Nạn nhân trong thời gian lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nạn nhân được hỗ trợ y tế bao gồm những gì và được thực hiện như thế nào? Xem trả lời
  • Ngô Đức Hải
Theo Điều 20, Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống mua bán người thì nạn nhân trong thời gian lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nạn nhân được hỗ trợ y tế bao gồm phí khám bệnh và chi phí chữa bệnh và được thực hiện như sau: 2. Chế độ hỗ trợ y tế gồm chi phí khám bệnh và chi phí chữa bệnh. 3. Trong thời gian lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân, nạn nhân được chăm sóc y tế để phục hồi sức khỏe. Trường hợp nạn nhân bị ốm nặng phải chuyển đến cơ sở y tế điều trị thì chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế do nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân tự thanh toán. Đối với nạn nhân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, người chưa thành niên được cơ sở hỗ trợ nạn nhân hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo mức bằng mức quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho các đối tượng tương ứng. Đối với nạn nhân không còn thân nhân được cơ sở hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo mức bằng mức quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho đối tượng thuộc hộ nghèo. Trường hợp đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế còn thời hạn sử dụng thì được quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. 4. Trường hợp nạn nhân chết trong thời gian lưu trú tại cơ sở bảo trợ hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân, sau 24 (hai mươi bốn) giờ, kể từ khi có kết luận của các cơ quan có thẩm quyền mà thân nhân không đến kịp hoặc không có điều kiện mai táng thì cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân có trách nhiệm tổ chức mai táng. Chi phí giám định pháp y, chi phí mai táng thực hiện theo quy định đối với đối tượng tại các Trung tâm bảo trợ xã hội. 5. Căn cứ quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này và tình hình thực tế của địa phương, cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân lập dự toán chi phí hỗ trợ y tế hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Field limited to 100 characters.